Chính thức ra đời từ đầu thế kỷ 20, đến nay mô hình Học theo dự án (Project-Based Learning – PBL) đã lan rộng khắp thế giới, giúp học viên phát huy được sự chủ động và trau dồi các kỹ năng của thế kỷ 21. Tại Việt Nam, PBL đã được Tổ chức Giáo dục Anh ngữ ILA nghiên cứu, ứng dụng suốt nhiều năm qua như “chìa khóa” giúp học viên trưởng thành trong kỷ nguyên số.
Học thật, làm thật với mô hình Học theo dự án
Mô hình Học theo dự án (PBL) là một phương pháp sư phạm lấy người học làm trung tâm. Với phương pháp này, học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn thực hiện một dự án hay đề tài học tập và được đánh giá thành tích dựa trên dự án đó. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, học viên phải chủ động nghiên cứu kiến thức từ sách vở và các nguồn tài liệu, thông tin khác.
Thuật ngữ “project” (dự án) xuất phát từ các trường đào tạo nghề kiến trúc sư ở Ý cuối thế kỉ 16 với yêu cầu học sinh phải thiết kế nhà thờ, tượng đài, cung điện và phản biện được kết quả bài làm của mình và khi ra trường có khả năng thiết kế được những ngôi nhà đúng, đẹp, hữu ích. Trong suốt thế kỷ 17 – 19, mô hình đào tạo này dần phát triển và được cải tiến ở một số nước Châu Âu, Mỹ trong các trường đại học và chuyên nghiệp.
Nhờ gắn liền lý thuyết và thực hành phù hợp với nhu cầu của người học cũng như yêu cầu xã hội, đến đầu thế kỷ 20 PBL bắt đầu được ứng dụng ở cấp phổ thông tại Mỹ trong cả các khối trường kỹ thuật, công nghệ lẫn khoa học xã hội. Lúc này, các nhà sư phạm Mỹ như John Dewey, William H.Kilpatrick… đã chính thức xây dựng một cơ sở lý luận gọi là Phương pháp Dự án (The Project Method) và coi đây là phương pháp dạy học quan trọng lấy học sinh làm trung tâm nhằm khắc phục nhược điểm của dạy học truyền thống coi thầy giáo là trung tâm.
Bước vào thế kỷ 21, kết hợp cùng Phương pháp học tư duy thế kỷ 21 giúp học viên thích ứng và hội nhập để thành công trong thế giới hiện đại với 6 kỹ năng quan trọng gồm: Giao tiếp, Làm việc nhóm, Sáng tạo, Tư duy phản biện, Kiến thức công nghệ và Khả năng tự hoàn thiện bản thân, mô hình PBL càng chứng tỏ những ưu điểm vượt trội giúp học viên cải thiện điểm số hay đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy. Với triết lý: “học thật, làm thật”, PBL không chỉ dừng lại ở đào tạo nghề, hướng nghiệp, giáo dục học sinh ở các cấp học khác nhau mà còn nhấn mạnh đến sự hợp tác, tính liên môn trong môi trường học tập không bó buộc trong phạm vi lớp học mà còn phát triển tính độc lập, sáng tạo, chủ động ở mọi lứa tuổi.
Hiện nay, với tính thực tiễn cao, PBL đang được ứng dụng như một phương pháp dạy học tích cực và phổ biến trong các trường phổ thông và đại học trên thế giới, đặc biệt ở những nước phát triển như: Mỹ, Canada, Argentina, Anh, Đức, Úc, Singapore… Tại Việt Nam, hình thức các đề án môn học, đồ án tốt nghiệp từ lâu nhưng chủ yếu mới được sử dụng trong đào tạo đại học và một số trung tâm tiếng Anh cao cấp trong đó có ILA Việt Nam.
Suốt 10 năm qua ILA – Tổ chức Giáo dục Anh ngữ hàng đầu Việt Nam – đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu bài bản và xây dựng Phương pháp học tư duy thế kỷ 21 giúp học viên thích ứng và hội nhập để thành công trong thế giới hiện đại. Đồng thời, ILA còn tiên phong ứng dụng mô hình PBL vào mọi khóa học tiếng Anh từ mẫu giáo, thiếu nhi, đến tiếng Anh người lớn và tiếng Anh doanh nghiệp. Sự cải tiến mang tính đột phá trong việc giảng dạy đã nhanh chóng được sự đón nhận nồng nhiệt từ học viên và phụ huynh trên 43 trung tâm khắp cả nước khi giúp các em có thêm tự tin khi sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học thông qua những dự án thiết kế riêng biệt với từng cấp độ.
Mô hình Học theo dự án ứng dụng thành công tại Trại Hè ILA “Summer Over The Moon”
Sau nhiều năm ứng dụng rộng rãi, mô hình PBL tiếp tục chứng minh được sự đột phá tại Trại hè “Summer Over The Moon”, lần đầu tiên mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới cho các học viên độ tuổi 11 – 16 đang có nhu cầu được học hỏi và khám phá thế giới xung quanh, muốn khẳng định bản thân, thể hiện suy nghĩ và cá tính. Bà Sarah Nelson – Trưởng Bộ phận Sản phẩm của ILA – khẳng định: “Năm nay, chương trình Trại Hè ILA 2019 chọn mô hình Học theo dự án làm chủ đạo dành riêng cho lứa tuổi thanh thiếu niên nhằm mang đến cho học sinh trải nghiệm vượt xa việc học tiếng Anh hàng ngày về ngữ pháp và từ vựng. Từ đó, các em được trau dồi kỹ năng giao tiếp, nâng cao tư duy phản biện cũng như sự tự tin để làm việc trong môi trường quốc tế.”
Trong vòng 6 tuần lễ, hơn 1.000 bạn teens khắp cả nước đã thể hiện sự phấn khích khi được trải nghiệm đến 6 dự án đặc biệt thiết kế riêng cho mình. Mỗi dự án là một thách thức và mục tiêu khác nhau, các em phải sử dụng tiếng Anh 100% để trình bày ý tưởng, bảo vệ quan điểm và ghi dấu ấn của riêng mình. Từ sáng tạo “Robot”, “Lập kế hoạch kinh doanh” cùng một nhóm, rèn bản lĩnh giao tiếp với “Kỹ năng lãnh đạo CEO”, luyện tư duy phản biện để “Gây quỹ từ thiện”, “Lập trình Scratch” giúp nâng cao kiến thức công nghệ và hoàn thiện khả năng với dự án “Travel Blogger”. Thầy Andrew Mylett tại ILA Nguyễn Đình Chiểu, TP. HCM nhận xét: “Gắn bó với các em suốt 6 tuần, sau mỗi dự án các em càng cải thiện khả năng tiếng Anh, kỹ năng mềm và thể hiện được sự tự tin rõ rệt, không còn quan trọng điểm số mà chỉ cố gắng hết sức để tốt hơn chính mình.”
Đặc biệt, các học viên teen tỏ ra hào hứng nhất với dự án khép lại Trại hè: thử thách Adventure Teenagers khi bước vào chuyến “phiêu lưu” khám phá thành phố Đà Nẵng và Đảo quốc Singapore. Các thầy cô thực sự bất ngờ vì các bạn trẻ đã trở thành một “Travel Blogger” đúng nghĩa khi tự tin giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh với người dân bản xứ, tìm đường đến những địa danh mới. Đặc biệt, các em còn tự tin chụp ảnh, quay video và thực hiện các nhật ký hành trình chia sẻ góc nhìn, quan điểm riêng thú vị về thành phố mình đã đi qua hấp dẫn không thua gì các blogger chuyên nghiệp. Một bạn teen tham gia đoàn Singapore hào hứng chia sẻ: “Em rất phấn khích được làm hướng dẫn viên du lịch để chia sẻ với bạn bè và gia đình ở quê nhà. Đến Singapore, em đã làm quen với rất nhiều bạn mới, biết thêm nhiều thông tin thú vị, hoàn thành tốt các thử thách và có thật nhiều kỷ niệm đẹp cùng thầy cô và các bạn.”
Từ sự thành công của Trại hè dành riêng cho hơn 3.000 học viên từ 4 – 16 tuổi đã chứng tỏ mô hình PBL không chỉ giúp trẻ học hỏi, phát triển sự tò mò học tập mà còn phát triển các kỹ năng mềm thế kỷ 21 thường thiếu trong các chương trình tiếng Anh thông thường qua các dự án mang tính liên ngành, được đánh giá nghiêm ngặt và lấy người học làm trung tâm.
Trong năm học mới, ILA sẽ tiếp tục vận dụng mô hình PBL vào tất cả các chương trình tiếng Anh và hoạt động ngoại khóa giúp học viên Việt Nam tiếp xúc với mô hình PBL ngay từ sớm với “ngân hàng” đề tài được chọn lọc, soạn thảo và cập nhật liên tục cùng cơ sở vật chất cao cấp sử dụng 100% thiết bị công nghệ phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin và thuyết trình… giúp các em dễ dàng hòa nhập với nền giáo dục của các nước phát triển và làm chủ được kỷ nguyên số trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
Bài viết: “What is Project-Based Learning?” của tác giả Maggie O’Brien từ trang blog giáo dục nổi tiếng Defined STEM