Mục tiêu cho năm mới giúp cả gia đình sống lành mạnh hơn

Những mục tiêu giúp gia đình sống lành mạnh - 1

Tác giả: Nguyễn Huy

Năm mới có thể là khoảng thời gian cực kỳ hứng khởi với nhiều hứa hẹn về một khởi đầu hoàn toàn mới, cho bản thân và cho gia đình của bạn. Đây cũng là cơ hội tốt để mỗi người chúng ta tự hứa sẽ cải thiện sức khỏe và lối sống: Ăn lành mạnh, tập thể dục 3 lần mỗi tuần và uống nhiều nước hơn.

Trong giai đoạn chuyển giao sang năm mới này, mỗi người thường quyết tâm lập ra nhiều mục tiêu cho năm sau. Nhưng cho dù bạn có nhiều ý tưởng hay, mục đích tốt đẹp nhưng nếu không có kế hoạch rõ ràng cùng động lực đúng đắn, bạn sẽ dễ bỏ cuộc giữa chừng. Vậy năm nay, sao bạn không chọn việc giúp cả gia đình sống lành mạnh hơn, có sức khỏe tốt hơn làm mục tiêu để quyết tâm? Sau đây là 5 gợi ý mà gia đình nào cũng có thể áp dụng để xây dựng lối sống lành mạnh, năng động và tích cực hơn trong năm mới.

Những mục tiêu giúp gia đình sống lành mạnh - 1

1. Tăng thêm nhiều bữa ăn gia đình

Bữa ăn tự nấu tại nhà tụ họp đầy đủ người thân trong gia đình mang lại rất nhiều lợi ích. Từ việc giảm nguy cơ béo phì tới việc tăng khả năng tương tác, giao tiếp của trẻ em và thanh thiếu niên. Quan trọng nhất, đây là dịp để các thành viên gặp gỡ và kết nối với nhau. Bình thường, bận rộn với công việc, trường lớp, bài tập về nhà, hoạt động ngoại khóa làm mọi người khó có dịp có mặt đầy đủ tại nhà.

2. Ăn nhiều rau quả hơn mỗi ngày

Lượng rau quả mỗi người lớn cần ăn mỗi ngày là khoảng 5 khẩu phần, trẻ con thì từ 1-2 khẩu phần, nhưng nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rất ít người thật sự ăn đủ khối lượng này. Để giúp các thành viên trong gia đình ăn được nhiều rau và trái cây hơn, người phụ trách bữa ăn nên kèm theo rau quả vào mỗi bữa. Đem theo táo để ăn vặt, xắt lát chuối để trộn vào ngũ cốc hoặc sinh tố ăn sáng, thêm canh, rau xào, salad vào bữa trưa và tối. Chế biến theo các cách sáng tạo, bắt mắt để trẻ chịu ăn thêm rau quả.

3. Năng động hơn mỗi tuần

Trẻ em cần hoạt động thể chất ít nhất là một tiếng một ngày. Hoạt động này có thể đa dạng như chơi đùa tại công viên, đi bơi cùng gia đình, đi dạo phố cùng bạn bè hoặc tham gia lớp học nhảy. Các thành viên trong gia đình có thể sắp xếp lịch để tham gia các hoạt động này cùng nhau, ít nhất là 2-3 lần mỗi tuần. Thay đổi đa dạng hoạt động sẽ giúp cả nhà luôn hào hứng và vượt qua được cảm giác mệt mỏi, lười biếng.

4. Đặt ra những khoảng thời gian “không công nghệ”

Đây là lúc các thành viên trong gia đình tắt điện thoại và internet để thật sự hiện diện và tận hưởng thời gian bên nhau. Những lúc như giờ ăn tối hay trước giờ đi ngủ là thích hợp nhất. Có thể lúc đầu việc này khá khó khăn, bạn cần kiểm tra công việc hay con bạn đã quen xem tivi khi ăn. Bạn có thể thử 2-3 ngày mỗi tuần rồi tăng dần lên thành một thói quen tốt thường nhật cho cả gia đình.

5. Thời gian cá nhân của mỗi người

Tất cả thành viên trong gia đình đều có lịch học, lịch làm việc kín mít sẽ dẫn đến stress và kiệt sức. Vì vậy, việc mỗi người đặt ra một khoảng thời gian cố định hằng tuần để… không làm gì cả rất quan trọng! Thời gian đó, mỗi người có thể dành để tận hưởng không gian cá nhân hoặc là cùng chơi đùa với nhau. Điều đó đảm bảo cho cả gia đình luôn được nghỉ ngơi và nạp năng lượng định kỳ.

Những mục tiêu giúp gia đình sống lành mạnh - 2

Bí quyết của việc xây dựng lối sống lành mành là, không dễ dãi với bản thân nhưng đừng nghiêm khắc quá mức với các thành viên khác. Mỗi một sự đóng góp, cố gắng dù là nhỏ nhất đều cần được ghi nhận. Đặt ra mục tiêu, thời gian, kế hoạch và chia sẻ, góp ý lẫn nhau một cách thân tình và hài hước. Vì mục tiêu cuối cùng của bạn chính là giúp cả gia đình có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Tư liệu tham khảo:

Bài viết của bác sĩ Claire McCarthy, khoa trẻ em bệnh viện Boston Children và là Giáo sư cộng tác của trường Y Harvard Medical School

location map