Trong thập kỷ tới, những tiến bộ vượt bậc của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường lao động, thay thế hàng triệu việc làm hiện tại bằng các ngành nghề mới đòi hỏi các kỹ năng mới. Đặc biệt đối với nữ giới, thách thức càng rõ rệt hơn bởi khi đối mặt với sự thay đổi trong môi trường làm việc vẫn còn đâu đó sự khác biệt về giới tính.
Ảnh hưởng của bất bình đẳng giới đến nữ giới trong nền công nghiệp hiện tại
Các xu hướng gần đây cũng như xuyên suốt lịch sử phát triển công nghệ cho thấy tự động hóa sẽ tạo ra những thay đổi lớn về thị trường lao động trong thập kỷ tới: thay thế hàng triệu nhân viên nhưng cũng tạo ra hàng triệu việc làm mới đòi hỏi những kỹ năng mới. Báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey về những ảnh hưởng khác biệt của tự động hóa đến nam giới và nữ giới kết luận: sự chênh lệch giới tính dai dẳng tại nơi làm việc sẽ khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn khi thích ứng với những thay đổi về nhu cầu lao động, yêu cầu kỹ năng và vị trí việc làm trong tương lai.
Dựa trên ví dụ từ sáu nền kinh tế lớn và bốn nền kinh tế mới nổi – chiếm khoảng một nửa dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu – MGI ước tính rằng tỷ lệ phụ nữ bị thay thế việc làm (20%) ít hơn so với nam giới (21%). Tuy nhiên, sự khác biệt về giới trong các mô hình dịch chuyển sẽ rất đáng kể. Nguyên nhân do nam giới thường đại diện nhiều hơn trong các công việc thể chất thông thường (như vận hành máy móc) và 40% tổn thất công việc trong tương lai của họ nhìn chung sẽ rơi vào loại này. Ngược lại, 52% tổn thất công việc của nữ giới sẽ rơi vào các công việc nhận thức thông thường (văn thư…), do phụ nữ thường làm trong lĩnh vực này nhiều hơn.
Với sự phân phối theo ngành và nghề nghiệp, nữ giới cần chọn đúng ngành nghề thích hợp để tận dụng tối đa những cơ hội nghề nghiệp mới này. Xem xét đặc tính của các ngành nghề hiện tại, các công việc mà nữ giới có thể làm sẽ tăng 20% so với hiện nay và hơn 19% so với nam giới. Lợi thế nhỏ này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nơi nhân viên nữ chiếm đa số. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, hơn 70% nhân viên chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội là nữ và lĩnh vực này có thể chiếm một phần tư cơ hội việc làm trong tương lai (tương tự ngành sản xuất sẽ chiếm tỷ lệ tương đương với mức tăng việc làm tiềm năng cho đàn ông). Ở các nền kinh tế lớn, chăm sóc sức khỏe là một trong hai lĩnh vực duy nhất có khả năng tăng trưởng việc làm, bên cạnh ngành dịch vụ chuyên nghiệp và kỹ thuật.
Cơ hội nào cho nữ giới trong quá trình phát triển công nghiệp tương lai
Tùy thuộc vào tốc độ tự động hóa, 7-24% (tương đương 40 triệu đến 160 triệu người) nữ nhân viên hiện tại có thể phải đổi công việc, trong khi tỷ lệ ở nam giới là 8-28%. Trong những năm tới, khi nhu cầu lao động lương cao tăng lên, nhu cầu lao động có kỹ thuật thấp và trung bình sẽ giảm lại. Nhu cầu lao động trong các ngành và lĩnh vực hiện có dự kiến sẽ chỉ mở rộng cho các công việc yêu cầu bằng đại học hoặc nâng cao với cả nam và nữ ở các nền kinh tế lớn cũng như trên tất cả các cấp giáo dục ở các nền kinh tế mới nổi. Sẽ có những công việc được tạo ra trong các ngành nghề chưa tồn tại, nhưng khoảng 60% trong số này sẽ thuộc các lĩnh vực do nam giới thống trị.
Nếu phụ nữ tận dụng tốt các cơ hội chuyển sang công việc mới, họ sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng tỷ lệ việc làm hiện tại của họ; ngược lại, sự bất bình đẳng giới hiện tại có thể trở nên tồi tệ hơn. Mặt tích cực là phụ nữ đã có những bước tiến đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giới tính giáo dục. Tỷ lệ phụ nữ thường tốt nghiệp đại học ở các nền kinh tế lớn là bằng hoặc cao hơn so với nam giới; nhưng họ có trang bị đủ kỹ năng cần thiết hay không vẫn là một câu hỏi mở.
Để lấp đầy các công việc của tương lai, cả nam và nữ đều sẽ cần sự linh hoạt để chuyển đổi giữa các công việc, ngành nghề và địa phương, cũng như trong các kỹ năng và kiến thức để làm việc với hệ thống tự động và máy móc thông minh. Như vậy, nữ giới sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định, bao gồm các định kiến phổ biến, trách nhiệm gia đình, hạn chế cơ hội di chuyển và tiếp thu các kỹ năng mới.
Vì vậy, những cơ hội đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình kỹ năng phù hợp với phụ nữ là rất cần thiết. Những tổ chức phi lợi nhuận từ Afghanistan đã đến Mỹ để giúp đào tạo phụ nữ và trẻ em gái học viết mã và các kỹ năng kỹ thuật liên quan. Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc hợp tác với các công ty tư nhân như Alibaba để đào tạo và kết nối cộng đồng phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ. Sự phát triển của các nền tảng học tập kỹ thuật số cũng cho phép phụ nữ trau dồi thêm kỹ năng khi ở nhà, đáp ứng nhu cầu thực hiện trách nhiệm gia đình của họ.
Tuy nhiên, sẽ cần có sự can thiệp sáng tạo hơn của các doanh nghiệp và chính phủ để đảm bảo phụ nữ được trang bị sẵn sàng cho công việc và cơ hội trong tương lai. Nếu không có sự phối hợp, làn sóng tự động hóa sắp tới sẽ tái tạo sự bất bình đẳng giới kéo dài hiện nay và có khả năng khiến phụ nữ bị bỏ lại phía sau.
*Bài viết tham khảo của Laura Tyson – giáo sư Trường Kinh doanh Haas tại Đại học California và Mekala Krishnan, thành viên cao cấp tại Viện toàn cầu McKinsey