Cuộc Cách mạng 4.0 đã thay đổi hoàn toàn cách vận hành của thế giới hiện đại với Trí tuệ nhân tạo, Big Data hay sự mở rộng của Internet. Con người sống và làm việc với chuỗi máy móc thông minh và sự kiểm soát “ngầm nhưng toàn diện” của internet. Đứng trước sự thay đổi này, nhà trường cần có những sự chuyển mình lớn không chỉ để thích ứng với thời đại mà còn giúp học sinh đón đầu và dẫn dắt thế giới.
Không chỉ các nhà lãnh đạo cần nghiên cứu cách thích nghi với thế giới mới nơi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, mà các nhà giáo dục, trường học, chính phủ và phụ huynh cũng cần sẵn sàng chuẩn bị cho thế hệ tương lai để nắm bắt lợi thế và vượt qua những thách thức khi công nghệ thay đổi từng ngày.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi cách con người kết nối với nhau, từ lối sống, cách làm việc đến giáo dục con cái. Những thay đổi này xảy ra với sự có mặt của công nghệ thông minh, bao gồm AI (Trí thông minh nhân tạo), dữ liệu lớn, thực tế gia tăng, hệ thống cơ sở dữ liệu blockchain, Internet vạn vật và tự động hóa. Những công nghệ này đang phá vỡ mọi ngành công nghiệp trên thế giới với tốc độ chưa từng thấy. Vì vậy, để sẵn sàng bước vào một thế giới với những cỗ máy thông minh, con trẻ sẽ cần được giáo dục theo một cách khác so với trước đây.
Trong bối cảnh đó, mỗi trường học cần thay đổi 8 điều sau đây để sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới:
1. Xác định lại mục đích của giáo dục
Theo thời gian, mục đích của giáo dục phát triển theo nhu cầu xã hội trong từng thời kỳ. Hiện nay, giáo dục có mục tiêu nhằm chuẩn bị cho con người khả năng đảm nhận các nhiệm vụ trong công việc hoặc các quy tắc cơ bản để làm một việc gì đó. Khi chúng ta tiến xa hơn đến tương lai, giáo dục sẽ cần hỗ trợ nhiều hơn trong việc phát triển kỹ năng và tư duy để làm bất cứ điều gì trong tương lai.
2. Cải thiện mô hình giáo dục STEM
Mô hình giáo dục STEM (Science: khoa học, Tech: công nghệ, Engineering: kỹ thuật, Math: toán học) cần được cải tiến đồng bộ. Mọi công nhân trong tương lai đều sẽ cần các kỹ năng kỹ thuật theo mô hình giáo dục STEM. Bên cạnh đó, ta cũng cần giúp trẻ hiểu được các giá trị đạo đức đúng đắn và có ích trong việc ứng dụng công nghệ mới. Do đó, giáo dục về nhân văn chuyên nghiệp vẫn sẽ là điều cần thiết. Trên thực tế, theo báo cáo The Future of Jobs Report 2018 từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các giám đốc điều hành đều mong muốn nhân viên có tư duy phê phán và kỹ năng hợp tác nhiều hơn chỉ có kỹ năng công nghệ.
3. Phát triển tiềm năng của con người
Không thể phủ nhận rằng máy móc đang đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ thường được thực hiện bởi con người, dù vậy, với nỗ lực sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy phê phán, tương tác xã hội và khéo léo về thể chất, con người vẫn tinh thông và đóng vai trò hơn . Hệ thống giáo dục tương lai cần phát triển những khả năng vốn có này ở con người để chúng ta sẵn sàng làm việc với máy móc thay vì cạnh tranh với chúng trong tương lai.
4. Thích nghi với các mô hình học tập bền vững
Alvin Toffler đã viết trong quyển sách của mình – Future Shock: “Người mù chữ của thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không thể đọc và viết, mà là những người không thể học, và tự học lại.” Theo báo cáo của Dell Technologies và Viện tương lai (IFTF), 85% công việc trong năm 2030 chưa tồn tại hiện nay. không chỉ có thực tế là máy móc sẽ đảm nhận công việc mà con người làm trong ngày hôm nay. Giáo dục không nên không nên chỉ dừng lại sau khi rời trường học hoặc sau đại học. Giáo dục cần trở thành một hành trình suốt đời nơi các đặc tính như sáng tạo, tò mò và tư duy thiết kế là rất cần thiết cho lực lượng lao động trong tương lai. Con người sẽ không còn chỉ hướng vào một công việc duy nhất và chỉ phát triển với một vai trò, chính vì vậy, việc nuôi dưỡng một thế hệ học tập suốt đời trở nên quan trọng và cần thiết.
5. Thay đổi đào tạo người làm giáo dục
Nhà triết học người Mỹ John Dewey đã nói, nếu chúng ta dạy học sinh hôm nay cũng giống những gì chúng ta dạy hôm qua, ấy là ta đã cướp mất nhiều thứ của học sinh trong tương lai. Điều này vẫn còn đúng với hiện nay, thay vì giáo viên là người chắt lọc thông tin cho học sinh ghi nhớ, họ sẽ trở thành người hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học.. Thất bại cần phải được chấp nhận như một bước thiết yếu trong quá trình học tập. Ngoài ra, việc giảng dạy sẽ được cá nhân hóa hơn cũng như được hỗ trợ với các công nghệ như AI và học qua máy móc.
6. Trường học là những nhà sản xuất
Để học sinh rèn luyện trí tò mò, kỹ năng giải quyết vấn đề, nghiên cứu và học tập từ những thất bại, trường học cần là môi trường cho phép học sinh sáng tạo bằng nhiều phương tiện từ vật lý đến kỹ thuật số. Điều này sẽ trang bị cho trẻ tình yêu học tập, cho phép trẻ hiểu được thế giới thông qua trải nghiệm thực tế liên quan đến hợp tác và sáng tạo.
7. Tư duy toàn cầu
Trong thế giới kỹ thuật số kết nối, một nhân viên của tương lai sẽ cần có tư duy toàn cầu. Các trường học và nhà giáo dục phải cân nhắc vấn đề này khi điều chỉnh mô hình học tập. Ví dụ, lịch sử có thể không được dạy từ quan điểm của một quốc gia mà là với các ví dụ từ khắp nơi trên thế giới; và thay vì dạy các ngôn ngữ từ trước đến nay, trường học nên xem xét nhu cầu quốc tế và ngôn ngữ của các thị trường mới nổi.
8. Thay đổi giáo dục đại học
Để tạo mối quan hệ bền chặt giữa các tổ chức, đại học và nền công nghiệp, cần thực hiện những thay đổi nhất định để chuẩn bị cho con trẻ trước Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong sự phát triển của công nghiệp, bằng cấp đại học sẽ trở nên tập trung hơn, các trường đại học sẽ cung cấp dịch vụ giáo dục lâu dài hơn trong suốt cuộc đời, sự nghiệp của mỗi người. Ví dụ, tiền đề cho loại hình học tập này nên được đặt trong các trường học bằng cách cung cấp cho học sinh cơ hội học các chủ đề ngoài chương trình giảng dạy cơ bản và phát triển tình yêu học tập của các em.
Tài liệu tham khảo:
Bài viết “8 Things Every School Must Do To Prepare For The 4th Industrial Revolution” đăng trên www.forbes.com của tác giả Bernard Marr – tác giả sách bán chạy toàn cầu, diễn giả, nhà tương lai học và cố vấn kinh doanh và công nghệ chiến lược cho chính phủ và công ty quốc tế.