Đổi mới công nghệ đang tạo nên sự thay đổi vượt bậc cho giáo dục truyền thống giúp con người học tập theo những cách thức hoàn toàn mới và sẵn sàng bước vào Cách mạng 4.0.
Thế kỷ 21 – Kỷ nguyên mới của nền giáo dục nhờ những đột phá công nghệ
Trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách giáo dục truyền thống trên toàn thế giới, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, mang lại những trải nghiệm sáng tạo cho cả người dạy và người học.
Công nghệ phát triển thần tốc đang tạo ra một cuộc “Cách mạng Giáo dục” thay đổi toàn diện từ cách tạo ra công cụ học tập mới, giấy trắng bảng đen thành các tài liệu “mềm” trên thiết bị điện tử; quá trình học tập thay vì đến lớp học trực tiếp học sinh có thể học trực tuyến tại nhà; cho đến các quy trình được sử dụng để đánh giá kết quả giáo dục cũng được liên tục cải tiến và phát triển, như sổ liên lạc trực tuyến giúp phụ huynh theo sát tình hình học tập của trẻ 24/7.
Cải tiến công nghệ còn mang đến cơ hội giúp trẻ học tập theo những cách thức hoàn toàn mới, dễ dàng ứng dụng và cá nhân hóa kiến thức nhờ những lớp học một thầy một trò qua mạng, những cộng đồng học tập trực tuyến khổng lồ khắp thế giới ở tất cả các lĩnh vực. Tất cả đã làm thay đổi vai trò truyền thống của giáo viên và tạo ra vô vàn trải nghiệm học tập mới mẻ và thú vị.
Đó là lý do trên thế giới, các công ty công nghệ hàng đầu như Amplify và Knewton đang số hóa sách giáo khoa và tạo nên các nội dung học tập được mô phỏng hóa. Các công ty lớn khác như Coursera, edX và Khan Academy cũng đang cách mạng hóa việc cung cấp giáo dục thông qua các Khóa học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course – MOOC) thu hút hàng triệu thành viên mỗi năm.
Chính nhờ sự phát triển vượt trội này, công nghệ đã và đang và mang lại rất nhiều lợi ích cho người học trên toàn thế giới. Quan trọng hơn, điều này đã xóa nhòa khoảng cách về sự tiếp cận giáo dục giữa thành thị và nông thôn, quốc gia tiên tiến và các nước đang phát triển.
Tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ trong trường học
Theo thống kê của World Economic Forum, lĩnh vực edtech (ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm giáo dục) là thị trường đang rất nóng trên toàn thế giới chỉ xếp sau Fintech (lĩnh vực về công nghệ tài chính) và eCommerce (lĩnh vực thương mại điện tử). Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến tiềm năng của công nghệ giáo dục. Đầu tư tư nhân vào ed-tech cho tất cả các nhóm tuổi trên toàn cầu đã tăng với tốc độ trung bình 32% hàng năm, từ 1,5 tỷ USD năm 2011 lên 4,5 tỷ USD trong năm 2015. Đến cuối năm 2018 con số này đã tăng lên 16,3 tỷ USD.
Edtech toàn cầu hiện ghi nhận nhiều tên tuổi lớn phân phối đều trong các hạng mục như Broad Online Learning Platforms (nền tảng cung cấp khóa học online đại chúng như Coursera, Udemy, KhanAcademy), Learning Management Systems (hệ thống quản lý lớp học như Schoology, Edmodo, ClassDojo), Next-Gen Study Tools (công cụ hỗ trợ học tập như Kahoot!, Lumosity, Curriculet), Tech Learning (đào tạo công nghệ như Udacity, Codecademy, PluralSight), Enterprise Learning (đào tạo trong doanh nghiệp như Edcast, ExecOnline, Grovo),…
Tại các trường học, công nghệ đang trở thành một phần quan trọng không thể thiếu. Công nghệ có thể cá nhân hóa việc học, bổ sung vào chương trình dạy học và mang đến việc tiếp cận dữ liệu học tập toàn cầu một cách dễ dàng cho những người không có nhiều cơ hội và điều kiện được giáo dục toàn diện.
Chưa kể, những công nghệ hiện đại như trò chơi điện tử có thể hỗ trợ phát triển giáo dục hiệu quả. Các trò chơi chiến lược như Civilization V của tác giả Sid Meier giúp trẻ hiểu biết về các mối quan hệ phức tạp giữa các hệ thống địa lý, lịch sử và kinh tế hình thành nên các nền văn minh. Các trò chơi Sandbox (thế giới mở) như Minecraft có thể tăng cường các kỹ năng như hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, các công nghệ hàng đầu như những thiết bị đeo được, các ứng dụng (apps) và thực tế ảo cũng có thể cải thiện các kỹ năng cho trẻ. Cụ thể, các công nghệ đeo được đã được sử dụng để giúp học sinh quản lý cảm xúc và xây dựng các kỹ năng giao tiếp, trong khi thực tế ảo có thể được sử dụng để đưa trẻ em vào các chuyến đi thực địa ảo gây tò mò và cải thiện tư duy phản biện.
Ngày nay, các học viên hiện đại cần được trang bị các kỹ năng bên cạnh việc học tập truyền thống để cạnh tranh trong các thị trường tương lai. Công nghệ và các ứng dụng công nghệ trong môi trường giáo dục sẽ mang lại lợi ích to lớn cho mỗi cá nhân và cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội trong tương lai.
Bài viết tham khảo thông tin từ các website uy tín:
– Prometheanworld.com
– Toplink.weforum.org