Năm 2018, sự cần thiết của các lớp học lập trình và robot được công nhận trên toàn cầu bởi những giá trị không ngờ của nó bổ sung vào chương trình giảng dạy ở trường, đặc biệt là về mặt giáo dục STEM. Việc tích hợp giảng dạy về robot vào chương trình ngoại khóa đang được thực hiện sau những hiệu quả rõ rệt của nó đối với học sinh: tư duy tính toán, kiến thức sâu hơn về thế giới, khả năng sáng tạo, tìm kiếm và giải quyết vấn đề cũng như sự phát triển các kỹ năng cần thiết khác.
Giáo viên giỏi “trong truyền thuyết” có thật không?
Đa số phụ huynh và học sinh đều mong muốn có những giáo viên giỏi nhất để đảm bảo kết quả học tập “hạng A”. Làm thế nào để nhận biết một giáo viên giỏi? Ở trường tiểu học, hầu hết các chuyên gia khuyên rằng nên tìm một người cởi mở, thân thiện với trẻ em. Theo một số bài báo, giáo viên “giỏi” cần phải có trình độ sư phạm cao và liên tục cập nhật các nghiên cứu, xu hướng mới. Họ phải luôn biết cách thúc đẩy và truyền cảm hứng cho học sinh. Hơn nữa, các giáo viên giỏi thường được kỳ vọng sẽ đặt cả tâm huyết,thậm chí hy sinh thời gian cá nhân cho công việc và học sinh của mình. Tuy vậy, dù đa số các giáo viên luôn nhiệt huyết và cố gắng hết sức, trở ngại và thất bại trong môi trường làm việc là không tránh khỏi.
Tại sao đa số giáo viên luôn cảm thấy thiếu thốn thời gian? Đó là bởi vì công việc của họ không chỉ gói gọn trong lớp học; họ phải kiểm tra và sửa bài luận, đưa ra nhận xét, lập kế hoạch cho các bài học sắp tới cho mỗi lớp học. Ngoài ra còn các sự kiện đột xuất, liên tục theo dõi tiến độ của từng học sinh, trao đổi với phụ huynh hoặc chuẩn bị và sắp xếp thiết bị học tập. Bên cạnh đó cũng có một số công việc hành chính như viết báo cáo, giám sát và phân tích dữ liệu, tất cả tạo ra một khối lượng công việc không hề nhỏ và khó có thể quản lý hiệu quả.
Cân nhắc các điều kiện đó, việc giáo viên cảm thấy bị đánh giá thấp, mất động lực là có thể hiểu được và sự “vỡ mộng” đó ảnh hưởng nhiều nhất đến các giáo viên trẻ. Ở Anh, gần một nửa số giáo viên dưới 36 tuổi cân nhắc nghỉ việc vì sức khỏe tinh thần đi xuống do làm việc quá sức. Tương tự ở Mỹ, khoảng 30% giáo viên thất vọng với công việc và 1/10 người nghiêm túc cân nhắc việc rời đi. Vì vậy, những giáo viên đã và đang cống hiến cho việc truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai là những người xứng đáng nhận được sự công nhận và kính trọng của xã hội.
Vai trò của giáo viên là gì?
Công nghệ không ngừng phát triển nhưng vẫn không thể thay thế hoàn toàn vai trò của giáo viên. Công việc của giáo viên không chỉ là giữ kỷ luật và chấm điểm trong lớp, họ còn là nguồn động lực to lớn cho học sinh. Những con điểm cao có thể khích lệ mỗi học sinh, nhưng chính sự đam mê và nhiệt tình, chân thành của giáo viên mới là nguồn cảm hứng tạo hứng thú học tập lâu dài cho học sinh. Trên thực tế, một giáo viên mới có thể tạo ra mối liên kết mạnh mẽ hơn với học sinh. Trải qua quá trình dạy và học, giáo viên hiểu rõ hơn về suy nghĩ, tính cách của từng bạn, cho phép họ điều chỉnh cách dạy tốt hơn. Việc giáo viên tiếp tục rèn luyện bản thân mang lại ảnh hưởng rất tích cực cho học sinh bởi họ có thể trở thành “tấm gương” cho cả học sinh và những người làm giáo dục.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của tất cả giáo viên là chuyển tải kiến thức. Học sinh sẽ có nhiều cách học khác nhau, dẫn đến quá trình tiếp thu kiến thức khác nhau. Thông thường, giáo viên sẽ quyết định cách cung cấp kiến thức phù hợp, đảm bảo tất cả học sinh hiểu và nắm vững mọi khái niệm. Các nguồn tài liệu và phương pháp hỗ trợ sẽ có vai trò phụ họa nhưng nhìn chung, việc lựa chọn và áp dụng chúng trong lớp học là tùy thuộc vào giáo viên, người hiểu rõ nhất học sinh của mình.
Cuối cùng, vai trò quan trọng nhất của giáo viên là hướng dẫn. Nhiệm vụ của họ là dẫn dắt cả lớp cùng đi lên và giúp đỡ những học sinh “lạc đường” về đúng lộ trình cần thiết. Giáo viên có khả năng phát hiện ra những sinh viên đặc biệt đam mê với bất kì môn học nào và hướng dẫn họ phát huy hết khả năng của mình – đó mới chính là một giáo viên giỏi!
Làm sao để giáo dục STEAM “thân thiện” với giáo viên?
Những phân tích gần đây về STEAM trong hệ thống giáo dục càng nhấn mạnh tính tất yếu của giáo viên. Phần lớn giáo viên còn ngần ngại tham gia các lớp lập trình và robot vì nhu cầu cơ bản của nhiều giáo viên không được đáp ứng. Tuy nhiên, yêu cầu ngày càng tăng về kỹ năng công nghệ thông tin đòi hỏi học sinh phải bắt đầu thích nghi ngay bây giờ và giáo viên là người giải quyết thách thức này.
Đầu tiên, giáo viên nên chủ động tham gia các khóa đào tạo khi bắt đầu giảng dạy một kỹ năng, kiến thức mới, bất kể kinh nghiệm của họ là bao nhiêu bởi sẽ luôn có những thử thách và kết quả bất ngờ trong bất kỳ lĩnh vực mới nào, và sự chuẩn bị thì không bao giờ dư thừa. Việc thứ hai mà giáo viên nên làm đó là tham khảo lời khuyên từ các chuyên gia. Nó không chỉ đảm bảo cho giáo viên sự cập nhật, mà còn hỗ trợ cho sự lưu loát, logic khi truyền tải kiến thức. Thứ ba, giáo viên phải được tiếp cận với các tài liệu giáo dục chất lượng cao, vừa cung cấp đủ kiến thức, vừa “thân thiện” và dễ hiểu đối với cả giáo viên và học sinh. Tuy vậy, trở ngại đặt ra hiện nay là sự thiếu hụt những tài liệu đặc biệt liên quan đến giảng dạy robot trong các cấp trung học. Hơn thế, các tài liệu về lập trình và robot trên mạng không phải lúc nào cũng “thân thiện” với giáo viên. Chúng thường khó hiểu và không dành cho những giáo viên mới vào lĩnh vực này – những người đang học cùng với học sinh.
Tóm lại, tài liệu chuyên ngành cập nhật, các khóa đào tạo và tư vấn hỗ trợ là những giải pháp phổ biến giải quyết nhu cầu của các giáo viên dạy robot và lập trình. Việc đưa các môn học này vào chương trình ngoại khóa sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu các giáo viên được chuẩn bị và hỗ trợ bởi các chuyên gia. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một giáo viên STEAM giỏi, chỉ họ chủ động học hỏi và có thể tiếp nhận sự hỗ trợ thích hợp.
Bài viết tham khảo: “Why teachers matter in STEAM education” bởi By Dominika Skrzypek, đăng trên www.robocamp.eu