Phạm vi ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) đang được tranh luận sôi nổi và là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay với câu hỏi được đặt ra: Máy móc có thể thay thế con người không? Nhưng thay vì ám ảnh về một tương lai đen tối trước những ảnh hưởng của AI, các nhà lãnh đạo, chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục nên hợp tác cùng nhau để giảm thiểu những bất lợi cho con người.
Trong hơn 20 năm qua, sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo đã được nhìn qua lăng kính của sự cạnh tranh giữa con người và máy móc. Kể từ tháng 5 năm 1997, khi máy tính Deep Blue của IBM ra đời và đánh bại nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov đã bắt đầu xuất hiện sự lo lắng về hậu quả của cuộc chạy đua giữa AI và con người. Mối quan tâm đó ngày càng tăng dần khi máy móc chiến thắng con người trong những cuộc đọ sức gần đây hơn như chiến thắng của “Watson’s” năm 2011 trên chương trình trò chơi Jeopardy hoặc của Google’s năm 2015 đã đánh bại người chơi cờ vua chuyên nghiệp.
Những nhà lãnh đạo, nhà công nghệ, nhà tương lai và nhân viên trong mọi ngành công nghiệp tự hỏi chính xác AI sẽ ảnh hưởng đến nơi làm việc, xã hội và cuộc sống như thế nào. Phạm vi ảnh hưởng của AI đang được tranh luận sôi nổi và là vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay với câu hỏi được đặt ra: Máy móc có thể thay thế con người không?
Con người và máy móc không chỉ có sự cạnh tranh
Một số nhà thiên tài như Stephen Hawking, tin rằng sự phát triển của AI đại diện cho một mối đe dọa đang tồn tại xung quanh cuộc sống của con người. Trong một phát biểu của Hawking với khán giả đài phát thanh BBC vào năm 2004, ông cho rằng “sự phát triển của trí thông minh nhân tạo hoàn toàn có thể báo hiệu cho sự kết thúc của nhân loại”. Nhưng những người khác cho rằng đó là nỗi sợ hãi quá mức và dự đoán rằng tự động hóa trí thông minh sẽ dẫn đến những điều không tưởng cho cuộc sống của con người. Và chắc chắn rằng: “Không có gì có thể đạt được từ việc lo sợ một tương lai đen tối mà con người có sức mạnh để ngăn chặn.”
Mehdi Miremadi, một nhà tư vấn AI tại McKinsey, tương tự, tin rằng sự hợp tác, chứ không phải sự cạnh tranh sẽ định nghĩa tương lai của những công việc được máy tính hỗ trợ và tương lai đó đang đến rất nhanh. Theo ông, đây sẽ là một xu hướng quan trọng trong khoảng thời gian không xa từ 5 – 15 năm tới. Hiện nay, đã có một số nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu như Airbus và Nissan đã mang robot vào các nhà máy. Những robot này làm việc nhất quán, đáng tin cậy, không bao giờ mệt mỏi và không ngẫu hứng. Khi có sự thay đổi trong dây chuyền lắp ráp, con người sẽ thực hiện khó khăn và chậm hơn robot. Tuy nhiên, máy móc không thể làm mọi thứ, vì vậy theo các nhà nghiên cứu, trong các nhà máy con người và robot nên hoạt động cùng nhau.
Trong suốt lịch sử, sự thay đổi kiến tạo trong công nghệ đã nâng cao cơ cấu nghề nghiệp và việc làm. Dần dần, mọi công việc có thể và sẽ được tự động hóa một phần tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Các công việc dễ bị tự động hóa nhất bao gồm các hoạt động thường ngày như thu thập và xử lý dữ liệu. Nhưng nhờ vào những biến động định kỳ này các công việc mới, hiện đại hơn sẽ xuất hiện và thường với số lượng lớn hơn số lượng những công việc đã mất. Nói cách khác, sắp tới AI có thể sẽ tác động tích cực thực đến việc làm của con người.
Các nhà phân tích dự đoán rằng AI sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong những năm và thập kỷ tới. Gartner, một công ty nghiên cứu và tư vấn, ước tính rằng các công cụ hỗ trợ AI sẽ tạo ra 2,9 nghìn tỷ đô la giá trị kinh doanh vào năm 2021; trong khi PwC dự đoán đến năm 2030, AI có thể đóng góp tới 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Một số ước tính cho thấy các công ty có thể tiết kiệm tới 4 nghìn tỷ đô la hàng năm với sự tự động hóa AI. Và lợi ích cho các doanh nghiệp sẽ vượt xa việc tiết kiệm ngân sách vì tự động hóa sẽ thúc đẩy sự đổi mới, cải thiện dự báo, tối ưu hóa hoạt động và dẫn đến dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Con người sở hữu những thứ mà máy móc, AI không có
Trong bất kỳ quá trình chuyển đổi công nghệ nào, những người dẫn đầu sự thay đổi không thể đánh mất yếu tố con người; có một số điều ngay cả những máy móc thông minh nhất sẽ không bao giờ làm. Máy móc không mơ ước, đặt mục tiêu, hoặc lên kế hoạch học đại học. Sáng tạo, tò mò và trí tuệ cảm xúc sẽ luôn là phạm vi của mọi người. Ngay cả khi được cung cấp nguồn dữ liệu lớn, máy móc chỉ có thể học hỏi từ quá khứ và không thể tưởng tượng được tương lai.
Ngay cả trong thời đại dễ bị tác động chia rẽ như hiện tại, sự khéo léo, lòng tốt, sự đổi mới và sáng tạo của con người đang tiếp thêm sức mạnh cho chính con người chúng ta hơn. Nếu con người biết khai thác năng lượng này thì có thể tạo ra một thế giới trong đó AI mang lại lợi ích cho nhân loại và tự động hóa giúp giải phóng con người khỏi những nhiệm vụ nguy hiểm và lặp đi lặp lại thường xuyên và liên quan đến lao động chân tay. Thay vì so sánh máy móc so với con người, thế giới sẽ được phục vụ tốt hơn nếu để máy móc giúp chúng ta làm những việc mà chúng ta không được giỏi lắm và ngược lại – cựu Giám đốc điều hành của Google, Eric Schmidt đã phát biểu.
Song song đó, các nhà lãnh đạo trong mọi lĩnh vực – bao gồm chính phủ, ngành công nghiệp và giáo dục cần lập kế hoạch chu đáo để giảm thiểu các tác động bất lợi của AI. Trong đó, các nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo rằng những người trẻ tuổi có kỹ năng vượt trội trong thời đại thống trị bởi AI và lực lượng lao động có thể sẵn sàng thích nghi với các yêu cầu mới. Sự tấn công của AI không còn là thách thức, mối quan tâm của con người. Nếu con người biết những điểm mạnh của mình mà ở máy móc không tồn tại và biến biến những thách thức đó thành cơ hội tích cực cho con người để cuộc sống, hoạt động kinh doanh của con người không hoàn toàn là trận đấu cờ toán học.
Tham khảo nghiên cứu “Machines Can’t Dream” của Bill McDermott – Giám đốc điều hành của SAP và tác giả quyển sách nổi tiếng Winners Dream: A Journey from Corner Store to Corner Office.