Năm mới đang đến, đây là thời gian hoàn hảo để bạn chuẩn bị cho con được trải nghiệm những hoạt động hoàn toàn mới như tập chơi thể thao, học nhạc cụ, học ngoại ngữ, du lịch, tham gia cắm trại… Bạn muốn xây dựng sự tự tin, sức bật tốt cho trẻ ngay từ nhỏ, vậy có nên thúc đẩy các con rời khỏi “vùng an toàn” (comfort zone)? Và nên đẩy các con đi xa bao nhiêu là vừa đủ? Muốn trả lời được câu hỏi đó, trước hết bạn cần hiểu rõ về “vùng an toàn” của trẻ với những nghiên cứu do các giáo sư và bác sĩ tâm lý thế giới chia sẻ sau đây.
Bộ ảnh Tết của giáo viên và học viên ILA (Nguồn ảnh: ILA Việt Nam)
1. Định nghĩa “vùng an toàn”
Theo nhà nghiên cứu tâm lý về quản trị hiệu quả làm việc Alasdair White, “vùng an toàn” của một người được hiểu là “trạng thái hành vi nội tâm khi một người hoạt động trong điều kiện không lo lắng”. Wikipedia định nghĩa: “Trạng thái tâm lý khi một người cảm thấy thân thuộc, dễ chịu, trong tầm kiểm soát và trải nghiệm căng thẳng ở mức độ thấp”.
Nhiều người nghĩ “vùng an toàn” chỉ là lý thuyết suông về động lực thành công. Trên thực tế đây là một khái niệm tâm lý cực kỳ hữu ích giúp con bạn dám mạo hiểm và quyết định các thay đổi lớn trong đời, từ đó dẫn đến sự trưởng thành thực thụ. Tuỳ thuộc vào độ tuổi và giai đoạn phát triển, mỗi đứa trẻ sẽ có cách riêng để tự tìm ra “vùng an toàn” của mình, dựa vào nhu cầu và niềm tin của chúng.
2. Vì sao học cách bước ra khỏi “vùng an toàn” cần thiết cho trẻ?
Trong sách “Mindset”, giáo sư tâm lý học Đại học Stanford Carol Dweck đã phân biệt hai kiểu tư duy: “tư duy cố định” tin rằng trí thông minh là bẩm sinh, sai lầm là bằng chứng của sự hạn chế về năng lực và “tư duy tăng trưởng” tin rằng trí thông minh có thể phát triển và sai lầm hay thất bại là một phần của quá trình học hỏi để trưởng thành.
Bộ ảnh Tết của giáo viên và học viên ILA (Nguồn ảnh: ILA Việt Nam)
Sự lo lắng là điều bình thường trong cuộc sống, nhưng việc giám sát mức độ lo lắng của trẻ là cực kỳ quan trọng. Quá nhiều lo lắng sẽ làm ảnh hưởng tâm lý của con, nhưng không có chút lo lắng nào lại làm trì trệ sự tiến bộ của bé. Sự lo lắng vừa đủ khuyến khích trẻ học hỏi và trưởng thành, đó chính là nền tảng của “tư duy tăng trưởng”.
Cụ thể, việc học cách rời khỏi “vùng an toàn” sẽ mang lại lợi ích sau cho trẻ:
- Thúc đẩy trẻ trưởng thành
- Dạy trẻ chấp nhận sự thay đổi và đối mặt với thử thách
- Xây dựng sự tự tin và quyết đoán
- Giúp trẻ biết cách tự tạo động lực cho bản thân để đạt được mục tiêu
- Tạo cơ hội học hỏi và phát triển kỹ năng mới
- Khuyến khích tính hiếu kỳ, linh hoạt, sự kiên nhẫn và sức chịu đựng
Bằng cách cung cấp cách thức và hỗ trợ con bạn thử những trải nghiệm mới và tạo năng lực xây dựng sức bật, bạn đang cung cấp cho con nguồn lực bảo trợ quan trọng nhất mà trẻ cần khi bước vào thế giới tương lai. Cuộc sống có thể thoải mái khi trẻ an toàn và làm những điều quen thuộc, nhưng niềm tin vào bản thân sẽ phát triển chậm trong hoàn cảnh thuận lợi. Giống như việc leo lên một đỉnh núi, chỉ khi trẻ ở hoàn cảnh bị bắt buộc phải tự lực cánh sinh để vượt qua thử thách, không thể dựa vào bất kỳ ai, trẻ sẽ bộc lộ tiềm năng thật sự.
3. Để hiểu thấu đáo về “vùng an toàn” của con
Thay vì tranh luận nên hay không nên thúc đẩy con bước ra khỏi “vùng an toàn”, trước hết bạn cần đào sâu, hiểu thấu về tâm lý của trẻ cũng như của bản thân. Đằng sau mỗi vấn đề hay sự kháng cự, bạn sẽ khám phá ra điều gì ẩn sâu trong lòng khiến trẻ bất an.
Thúc đẩy trẻ trưởng thành
Tìm hiểu từ nhiều phía xem điều gì đang thật sự diễn ra khi con trai bạn nói rằng nó không muốn đi công viên hay con gái bạn sợ đến lớp. Các khía cạnh nào của tình huống dẫn đến cảm giác khó chịu/ sợ hãi được dự báo trước của trẻ? Hiểu được những yếu tố ngoại cảnh và nội tại tạo ra “vùng an toàn” không chỉ giúp bạn biết được điều gì khiến con thoải mái và không thoải mái. Nó cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình trưởng thành của trẻ, và hiểu được việc rời khỏi “vùng an toàn” chính là đang rèn luyện cho bé kỹ năng xử lý và cân bằng tinh thần khi đối mặt với lo lắng.
Hỗ trợ con đúng cách
Một khi bạn đã hiểu được vấn đề, hãy trò chuyện với con về những điều con muốn (đừng cho rằng bạn luôn hiểu con thật sự muốn gì). Nhiệm vụ của phụ huynh khi trẻ dừng lại ngay “ranh giới an toàn” là khuyến khích con tiếp tục tiến lên phía trước. Khi trẻ sợ sệt, chán nản, bạn cần cho con biết về viễn cảnh tốt đẹp, khen ngợi sự nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì của con.
Bí quyết ở đây là đừng hối thúc mà hãy cho con nhiều cơ hội và thời gian đủ để con lớn khôn dần thông qua các hoạt động theo tốc độ riêng của từng trẻ. Bạn cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian, cực kỳ kiên nhẫn để hướng dẫn, khuyến khích và chờ đợi con. Mỗi đứa trẻ sẽ cần thời gian khác nhau để từ từ xây dựng các kỹ năng và sự tự tin cũng như học hỏi từ những sai lầm.
Đừng trộn lẫn “vùng an toàn” của chính bạn với của con
Mỗi người cha, mẹ cũng có “vùng an toàn” và kinh nghiệm từ nhỏ về cách vượt qua nỗi sợ. Đôi khi một số phụ huynh có thể nghĩ “vùng an toàn” của con giống của mình, và áp đặt trẻ bằng những kinh nghiệm của chính mình. Bạn cần nhớ hành trình cuộc sống và tính cách của con hoàn toàn khác biệt với những gì bạn đã trải qua. Khi con bạn đang tự định hướng “vùng an toàn”, bạn cũng cần tự xử lý những vấn đề trong tâm lý của mình (nếu có), để có thể tách biệt với vấn đề của con.
Việc dạy con bước ra khỏi khu vực dễ chịu, thoải mái để đối mặt với nỗi sợ của chính mình là bài học quan trọng trong cuộc đời. Dù nó khó khăn thế nào, bạn cũng phải thực hiện nó rất nhiều lần suốt quá trình nuôi dạy con khôn lớn. Khi dám bước ra khỏi “vùng an toàn”, con bạn sẽ không còn sợ sự mạo hiểm, trở nên thích thú học hỏi những điều mới, can đảm trước các thử thách, có lòng tin vào bản thân và tự mình đứng vững trên đôi chân của mình trong những năm tháng trưởng thành về sau.
Bài viết tham khảo bài nghiên cứu của các tác giả
- Andy Molinsky: Giáo sư về Hành vi tổ chức tại Đại học Brandeis với bằng thạc sĩ tâm lý học, bằng tiến sĩ Hành vi tổ chức của đại học Harvard.
- Eileen Kennedy-Moore: Tiến sĩ tâm lý học, diễn giả, nhà tư vấn và tác giả của nhiều quyển sách xuất bản toàn cầu.
- Shonnie Lavender: Thạc sĩ tâm lý học, giáo viên hướng dẫn của trung tâm International Coach Federation và là cây bút của báo Huffington Post, Elephant Journal.
- Erin Mohring: Tác giả trên trang web nuôi dạy con “Home with the Boys” và “Raising Boys Media”.
- Janine Domingues: Bác sĩ tâm lý lại trung tâm Child Mind Institute.