Con nói và giao tiếp bằng tiếng Anh thành thạo ngay từ bé là mong ước của nhiều ông bố, bà mẹ. ILA mách bố mẹ A tới Z bí kíp dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non siêu hay dưới đây.
1. Lợi ích khi cho trẻ mầm non học tiếng Anh
Có nên cho trẻ mầm non học tiếng Anh vẫn là điều mà nhiều phụ huynh phân vân. Một số người sợ rằng trong độ tuổi từ 3 – 6 (tuổi mầm non), nếu dạy trẻ học tiếng Anh trong khi tiếng Việt còn chưa sõi thì con sẽ bị loạn ngôn ngữ. Song, đây là một ý kiến sai lầm.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu trên thế giới, trẻ từ 0 tới 6 tuổi là giai đoạn vàng để bé học ngoại ngữ. Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ mầm non hoàn toàn có khả năng làm quen với ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, tiếp xúc với ngoại ngữ sớm còn mang lại cho bé nhiều lợi ích.
Cụ thể:
• Con hiểu ngoại ngữ một cách tự nhiên như tiếng mẹ đẻ: Việc học tiếng Anh sẽ dễ dàng như tiếng Việt.
• Có khả năng phát âm chính xác hơn: Trẻ lứa tuổi mầm non có khả năng bắt chước giỏi. Vậy nên nếu được học tiếng Anh một cách bài bản, con sẽ biết bắt chước cách phát âm, ngữ điệu chuẩn.
• Phát triển tư duy, trí não tốt: Nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã chỉ ra rằng việc học ngoại ngữ ngay khi còn bé sẽ có tác động tích cực tới não bộ trẻ. Vì thế tư duy của con sẽ nhanh nhạy và linh hoạt hơn.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng trẻ em được học song ngữ sẽ có kỹ năng ghi nhớ tốt hơn, vốn từ vựng phong phú, tư duy phản biện sâu sắc và phát triển toàn diện.
2. Chủ đề tiếng Anh cho trẻ mầm non
Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non chúng ta nên dạy những gì? Bố mẹ cần hiểu rằng cũng như tiếng Việt, khi dạy tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác cho trẻ, cần cho con học những gì gần gũi và quen thuộc với bé trước. Đây là cách không chỉ giúp trẻ ghi nhớ các từ vựng mới, nâng cao kỹ năng ngôn ngữ mà còn tạo cơ hội khám phá thế giới xung quanh và kết nối thực tế.
Dưới đây là một số chủ đề quen thuộc mà trẻ lứa tuổi này nên học:
1. Bảng chữ cái tiếng Anh
Dạy trẻ em bảng chữ cái là nền tảng để học cách đọc. Đây là kiến thức căn bản để trẻ có thể ghép các âm và các vần lại với nhau tạo thành từ. Vậy nên, học tiếng Anh cho trẻ mầm non, đầu tiên nên là bảng chữ cái.
Sau đây là một số cách để dạy bảng chữ cái tiếng Anh cho trẻ lứa tuổi mầm non:
Học thông qua các bài hát bảng chữ cái
Phần lớn mọi trẻ em đều có thể ngâm nga bài hát về bảng chữ cái sau một vài lần được nghe đi nghe lại. Thật may mắn vì có rất nhiều bài hát tiếng Anh cho trẻ mầm non về chủ đề này, chẳng hạn như:
• The alphabet song
• The ABC song
• ABC dance with Pinkfong
• Bingo dog song
Chơi trò chơi nối chữ cái
Bố mẹ có thể sử dụng các chữ cái in sẵn rồi yêu cầu trẻ nối với các chữ cái được viết (hoặc dán) trên bảng.
Sử dụng flashcard để dạy bảng chữ cái
Flashcard là một công cụ ghi nhớ tuyệt vời. Hãy cho trẻ mẫu giáo nhận biết các chữ cái bằng các flash với những hình ảnh đơn giản nhất. Lưu ý rằng trẻ mới học sẽ chưa phân biệt được chữ hoa và chữ thường, chỉ dạy con một mẫu chữ thống nhất.
2. Bảng chữ số tiếng Anh và các phép tính đơn giản
Học số là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Trẻ em ở độ tuổi này thường học đếm và trẻ lớn hơn một chút bắt đầu cộng và trừ. Ý thức về số là một kỹ năng quan trọng mà học sinh cần phải học. Nó là nền tảng quan trọng của toán học để con hiểu ý nghĩa các con số và phát triển trí tuệ về sau.
Đối với lứa tuổi này, bố mẹ nên dạy trẻ đếm số, viết số, tô màu với các chữ số, chơi trò chơi với các con số hoặc làm các phép tính cộng trừ đơn giản.
Một số bài hát tiếng Anh về số đếm hay dành cho bé:
• Number song
• Five little ducks
• Ten little insects
• Counting 1 – 10 song
• Five little monkeys jumping on the bed
3. Tiếng Anh cho trẻ mầm non: Màu sắc
Màu sắc nói chung rất hấp dẫn đối với trẻ em. Càng nhiều màu sắc càng tốt. Khi thực hành mô tả, màu sắc là một trong những điều trẻ học đầu tiên vì nó giúp phát triển nhận thức thị giác.
Tiếng Anh cho trẻ mầm non về chủ đề màu sắc, bố mẹ nên dạy con nhận biết các màu cơ bản, cách phát âm, so sánh màu sắc.
Một số cách để dạy màu sắc bằng tiếng Anh cho trẻ: tô màu, vẽ tranh, đọc sách với nhiều tranh ảnh minh họa, hát bài hát với màu sắc.
Một số bài hát hay về chủ đề này:
• The color song
• I see something pink
• What color are you wearing?
• Rainbow colors song
4. Hình dạng và kích thước
Trẻ nhỏ rất giỏi trong việc quan sát và nhận thấy sự khác biệt. Ngoài màu sắc, việc học các hình dạng và kích thước rất tốt cho việc mô tả và so sánh. Đây là kỹ năng cơ bản nhất trong bộ môn hình học của toán học, vì vậy thật hợp lý khi chúng ta dành nhiều thời gian để dạy trẻ mẫu giáo về các hình dạng.
Trong môi trường mầm non, các kỹ năng hình học bao gồm xác định các hình dạng, so sánh các hình dạng, phân biệt giữa các hình dạng và tạo ra các hình dạng. Ngoài ra, có thể kết hợp việc học số đếm (đếm cạnh) khi học về các hình.
Các hình đơn giản phù hợp với lứa tuổi mầm non:
• Square: hình vuông
• Circle: hình tròn
• Rectangle: hình chữ nhật
• Triangle: hình tam giác
• Oval: hình ô van
• Heart: hình trái tim
• Star: hình ngôi sao
Một số phương pháp phụ huynh có thể tham khảo: tô màu các hình, ghép hình, xếp hình, vẽ hình, chơi với các hình khối.
5. Hoa quả và các loại rau củ
Trái cây và rau củ là phần quan trọng của cuộc sống. Thế nhưng, nhiều trẻ lại không thích ăn thực phẩm này. Thường xuyên dạy về hoa quả, các loại rau củ cũng là cách tuyệt vời để trẻ cảm thấy tò mò và muốn nếm thử chúng.
Đầu tiên, bố mẹ dạy con phát âm với những loại trái cây, rau củ quen thuộc với trẻ. Tiếp đến kết hợp với việc phân biệt màu sắc hoặc đếm số lượng (quả chuối đọc như thế nào bằng tiếng Anh, chuối có màu gì, trong rổ có bao nhiêu quả chuối…).
Một số phương pháp nên sử dụng: chơi trò chơi với hình ảnh trái cây và rau củ, dạy bằng thẻ flashcard, xem tranh hoặc đọc sách tiếng Anh cho trẻ mầm non về chủ đề này.
Ngoài ra, nghe bài hát về các loại hoa quả cũng là cách học tiếng Anh hiệu quả. Một số bài hát tiếng Anh hay như:
• Happy fruits, where are you?
• What do you want to eat?
• The fruits song
• What would you like to eat?
6. Động vật
Đây có lẽ là một trong những chủ đề thú vị và phổ biến nhất mà các giáo viên tiếng Anh không bao giờ bỏ qua. Học tiếng Anh về động vật cũng là cách để trẻ có cơ hội khám phá về thiên nhiên và môi trường xung quanh.
Với chủ đề này, bố mẹ cho bé học phát âm của các từ vựng về con vật quen thuộc với bé trước. Sau đó mở rộng ra bằng cách phân loại các loại động vật như vật nuôi, động vật trong vườn thú, sinh vật biển, sinh vật trên cạn, các loài chim…
Một số từ vựng tiếng Anh về động vật nên dạy cho trẻ lứa tuổi mầm non là:
• Cat: con mèo
• Dog: con chó
• Chicken: con gà
• Cow: con bò
• Pig: con lợn
• Elephant: con voi
• Horse: ngựa
• Bear: con gấu
• Parrot: con vẹt…
Các phương pháp dạy trẻ mầm non tiếng Anh về con vật: Cùng con đọc sách thiếu nhi về động vật, tô màu các con vật khác nhau, xem một chương trình động vật trên tivi, bắt chước tiếng kêu của con vật để đoán tên, nghe các bài hát về chủ đề này.
Các bài hát hay phù hợp để trẻ học về con vật là:
• Old McDonald had a farm
• Let’s go to the zoo
• It’s bitsy spider
• Mary had a little lamb
7. Chào hỏi và các câu giao tiếp thông dụng
Mục đích chính của học ngoại ngữ không phải là con nhớ được bao nhiêu từ mà quan trọng nhất là có thể sử dụng nó trong giao tiếp. Vì thế bố mẹ nên giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua trò chuyện và lắng nghe trẻ mỗi ngày.
Làm mẫu, nhắc nhở, hướng dẫn và thực hành là con đường giúp trẻ học các kỹ năng hội thoại một cách hiệu quả nhất.
Dưới đây là các câu hỏi tiếng Anh cho trẻ mầm non và mẫu câu giao tiếp cơ bản nhất để bố mẹ tham khảo:
• Hello/ Hi (Xin chào)
• Goodbye, see you soon (Tạm biệt, hẹn gặp lại)
• Good morning / Good afternoon / Good evening (Chào buổi sáng/buổi chiều/buổi tối)
• Sorry / I’m sorry (Xin lỗi / Tôi xin lỗi)
• What your name?/ My name is… / I am… (Bạn tên là gì vậy? Tôi tên là…)
• How old are you? / I’m… years old (Bạn bao nhiêu tuổi rồi? / Năm nay tôi… tuổi)
• Thank you / Thanks (Cảm ơn bạn)
• Many thanks / Thank you very much (Cảm ơn rất nhiều)
• How are you? / I’m fine. Thanks you (Bạn có khỏe không? / Cảm ơn. Tôi khỏe)
• What is your hobby? / My hobby is… (Sở thích của bạn là gì vậy? / Sở thích của tôi là…)
• What is this? (Đây là cái gì?)
• What time is it? (Mấy giờ rồi?)
Bên cạnh 7 chủ đề trên, tiếng Anh cho trẻ mầm non còn rất nhiều đề tài hấp dẫn khác, chẳng hạn như: Bộ phận cơ thể người, giao thông, đồ vật trong gia đình, trường học và đồ dùng học tập, nghề nghiệp, thời tiết, thức ăn, trang phục mặc hàng ngày, các tính từ chỉ đặc điểm, các ngày trong tuần…
>>> Tìm hiểu thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp cho bé + 5 bí kíp học tốt nhất
3. Phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non
Trên thực tế, có rất nhiều cách dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Thế nhưng không phải phương pháp nào cũng gây được hứng thú và tạo hiệu quả cao trong việc học ngoại ngữ của trẻ.
Nếu bố mẹ còn phân vân với vấn đề này, hãy tham khảo các phương pháp đặc sắc dưới đây:
1. Chơi trò chơi bằng tiếng Anh
Các trò chơi tiếng Anh cho trẻ mầm non rất đa dạng và phong phú. Vừa chơi vừa học không chỉ giúp con giải trí mà còn dễ dàng tiếp thu kiến thức. Có rất nhiều trò chơi bố mẹ có thể chơi với con để giúp trẻ thực hành tiếng Anh. Chẳng hạn như: Circle game, Bingo, Remembering pictures…
Đây cũng chính là các bài tập tiếng Anh cho trẻ mầm non để con mở rộng vốn từ vựng và nâng cao phản xạ giao tiếp.
>>> Tìm hiểu thêm: Các trò chơi tiếng Anh cho trẻ em và cách học “dễ như ăn kẹo”
2. Sử dụng các tình huống hàng ngày để dạy tiếng Anh cho trẻ
Ưu điểm của việc dạy tiếng Anh tại nhà là bạn có thể sử dụng các tình huống hàng ngày và các đồ vật xung quanh nhà để thực hành ngôn ngữ một cách tự nhiên và phù hợp với ngữ cảnh. Ví dụ:
– Nói về quần áo khi con bạn đang mặc quần áo hoặc khi bạn đang phân loại đồ giặt: This is blue socks (Đây là đôi tất màu xanh), Put your shirt on (Hãy mặc áo vào đi con).
– Dạy về đồ chơi và đồ nội thất khi bạn và trẻ đang cùng nhau dọn dẹp nhà cửa: Put the teddy bear on the bed (Hãy đặt gấu bông lên giường), Where is green car? (Chiếc ô tô màu xanh ở đâu?).
Đây chính là cách học tiếng Anh giao tiếp cho trẻ mầm non tự nhiên nhưng mang lại kết quả cao.
3. Sử dụng câu chuyện, sách, truyện tranh
Trẻ em luôn thích các cuốn sách với nhiều tranh ảnh minh họa hấp dẫn và màu sắc tươi sáng. Hãy cùng con khám phá những quyển sách này, chỉ vào các bức tranh và phát âm tiếng Anh tên của chúng. Sau đó, yêu cầu trẻ nhắc lại.
Ví dụ: This is a cat (Đây là con mèo). Hỏi lại con: Where is a cat? (Con mèo đâu rồi?)
>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất
4. Cho trẻ nghe bài hát tiếng Anh
Nghe bài hát tiếng Anh là một cách thực sự hiệu quả để học từ mới và cải thiện cách phát âm. Với các bé mầm non, hãy chọn cho con những bài hát sinh động với phát âm chuẩn. Tốt hơn hết, đó nên là các bài hát có hành động để con vừa nhìn, bắt chước vừa đoán ý nghĩa.
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
5. Xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh
Mỗi ngày bố mẹ nên dành một ít thời gian để cùng con xem các bộ phim hoạt hình bằng tiếng Anh. Tùy vào thời gian biểu và độ tuổi mà chọn thời lượng và loại phim thích hợp. Đây là cách để trẻ cải thiện phát âm và xây dựng ngữ điệu tiếng Anh chuẩn. Một số phim hoạt hình hay như: Peppa Pig (Heo Peppa), The Magic School Bus (Xe buýt trường học ma thuật), Finding Nemo (Đi tìm Nemo), Mickey Mouse Clubhouse (Ngôi nhà vui vẻ của chuột Mickey)…
Hãy thiết lập thói quen học tiếng Anh cho trẻ ở nhà. Tốt hơn hết nên duy trì những giờ học ngắn và thường xuyên. Kiên trì và đều đặn chính là bí quyết để trẻ học tiếng Anh hiệu quả. Dù cách làm như thế nào, phương pháp ra sao và dạy về chủ đề gì đi chăng nữa thì tiếng Anh cho trẻ mầm non quan trọng nhất là thư giãn, vui vẻ và biến việc học ngoại ngữ trở thành một trải nghiệm thú vị cho cả bạn và con.