Làm thế nào để dạy con đánh vần là mối quan tâm của nhiều phụ huynh. Theo các chuyên gia, trẻ em có thể bắt đầu đánh vần các tiếng đơn giản khi được 5-6 tuổi, một số bé sẽ sớm hơn. Tìm hiểu cách dạy bé học đánh vần hiệu quả dưới đây.
Lợi ích của việc dạy bé đánh vần sớm tại nhà
Mặc dù trẻ mầm non được làm quen với việc đánh vần ở lớp, song ở nhà ba mẹ cũng cần tận dụng thời gian để rèn thêm cho con. Dạy bé học đánh vần sớm mang lại nhiều lợi ích, đó là:
1. Cải thiện kỹ năng đọc viết
Học cách đánh vần liên quan trực tiếp đến việc đọc và viết tốt. Trẻ biết đánh vần càng nhiều từ thì càng có thể đọc và viết tốt hơn. Điều này cũng giúp bé mở rộng vốn từ vựng của mình.
2. Không bỡ ngỡ khi vào lớp 1
Nếu biết cách dạy con đánh vần ngay tại nhà, con sẽ không bỡ ngỡ với chương trình học lớp 1. Con sẽ bắt kịp chương trình, không cảm thấy nản lòng với khối lượng kiến thức đồ sộ khi bước vào năm đầu của tiểu học.
3. Giúp ba mẹ phát hiện ra những khó khăn trong học tập của con
Cho con học đánh vần cũng giúp ba mẹ chẩn đoán xem bé có gặp khó khăn gì trong học tập hay không, chẳng hạn như chứng khó đọc. Có biện pháp can thiệp tốt sẽ giúp bé vượt qua mọi vấn đề.
>>> Tìm hiểu thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp cho bé + 5 bí kíp học tốt nhất
Cách dạy bé đánh vần dễ nhớ
Làm thế nào để phụ huynh có thể dạy con đánh vần hiệu quả, giúp bé nhớ lâu? Đây hẳn là điều mà nhiều người cảm thấy băn khoăn, lo lắng khi con đang ở ngưỡng cửa lớp 1.
Dưới đây là phương pháp giúp phụ huynh dạy con đánh vần dễ dàng và hiệu quả:
1. Dạy bé học thuộc bảng chữ cái
Việc đầu tiên bạn cần làm là cho bé làm quen với bảng chữ cái và dạy bé phát âm đúng chữ cái. Bảng chữ cái Tiếng Việt gồm 29 chữ cái, số lượng khá nhiều so với bé, thế nhưng con cần nhớ được để đánh vần và ghép vần. Có rất nhiều cách để giúp bé học thuộc bảng chữ cái, đó là:
• Học chữ cái qua bài hát, bài thơ
• Học chữ cái qua các ứng dụng điện tử
• Sử dụng hình ảnh minh họa để dạy bảng chữ cái cho bé
• Dạy bảng chữ cái cho con qua các trò chơi
• Dùng thẻ flash để dạy chữ cái cho con
Ví dụ:
Dạy chữ m gắn với hình ảnh người mẹ
Dạy chữ nh gắn với hình ảnh ngôi nhà
Có một số chữ cái con thường phát âm sai (có thể do phát âm chưa đúng cách hoặc do vùng miền) thì phụ huynh cũng cần điều chỉnh giúp bé.
Ví dụ:
l đọc thành n
tr đọc thành ch
Cách sửa: khi phát âm l hay tr phải cong lưỡi chạm hàm trên rồi bật thẳng lưỡi tạo ra âm.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách học 100 từ vựng tiếng Anh mỗi ngày hiệu quả
2. Dạy trẻ phân biệt nguyên âm, phụ âm
Một trong những cách dạy bé đánh vần vào lớp 1 là bạn phải dạy con phân biệt được nguyên âm và phụ âm. 29 chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt bao gồm:
• 12 nguyên âm đơn: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y
• 17 phụ âm đơn: b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x
• 8 nguyên âm đôi: ia – iê, ya – yê, ua – uô, ưa – ươ
• 11 phụ âm ghép: qu, gi, tr, ph, nh, th, ch, kh, ng, gh, ngh
12 nguyên âm đơn và 17 phụ âm đơn chính là bảng chữ cái mà bé được học. Thế nhưng, để đánh vần được thì con cần được học cả về nguyên âm đôi và phụ âm ghép.
3. Cho bé học thuộc các dấu thanh
Trong hệ thống bảng chữ cái tiếng Việt, có tổng cộng 6 dấu thanh mà con cần được học để có thể đánh vần và ghép tiếng. Đó là thanh ngang, thanh huyền, thanh ngã, thanh hỏi, thanh sắc và thanh nặng.
4. Dạy bé ghép vần
Sau khi bé đã nhớ được mặt chữ cái cũng như các dấu thanh thì việc dạy bé đánh vần sẽ trở nên đơn giản hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý dạy con ghép vần từ đơn giản tới phức tạp, dạy đánh vần tiếng chỉ có âm đầu và âm chính trước mới đến tiếng có đầy đủ âm đầu – âm đệm – âm chính và âm cuối.
Ví dụ:
• la: lờ – a – la/ la
• lan: a – nờ – an, lờ – an – lan/ lan
• loan: o – a – nờ – oan, lờ – oan – loan/ loan
Ghép vần là cấp độ khó, do vậy con cần kiên trì thực hiện mỗi ngày. Để con dễ nhớ, chỉ cần hướng dẫn con ghép vần lần lượt. Chẳng hạn như phụ âm b có thể ghép được với các nguyên âm gì và các dấu thanh ra sao (ba, bà, bo, bố, bơ, bờ), phụ âm c có thể kết hợp được với nguyên âm cùng dấu như thế nào (ca, cá, cà, có, cò, cỏ, có)…
Đây chính là cách dạy trẻ đánh vần theo phương pháp mới, giúp bé tiếp thu nhanh và dễ nhớ hơn.
Thực hiện ghép vần và đánh vần mỗi ngày như thế này sẽ trở thành một phản xạ tự nhiên giúp con đọc nhanh hơn. Dạy bé đánh vần chữ ghép không đơn giản như với từ đơn nên ba mẹ cần nhiều thời gian để bé làm quen và ghi nhớ.
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
Hướng dẫn đánh vần với từ 1 tiếng
Một tiếng đầy đủ gồm 3 thành phần là âm đầu – vần – thanh. Tuy nhiên, cũng có những tiếng không có âm đầu, chỉ có vần và thanh.
Ví dụ:
• Ban (tiếng đầy đủ): bờ – an – ban/ ban
• ơi (tiếng chỉ có vần – thanh): ơ – i – ơi/ ơi
Hướng dẫn đánh vần với từ 2 tiếng
Sau khi bé đã đánh vần được với từ 1 tiếng, bạn cho bé ghép 2 tiếng lại với nhau để được các từ có nghĩa và dạy bé đánh vần ghép chữ sau đó đọc trơn.
Ví dụ:
• Con gà: o – nờ – on, cờ – on – con, gờ – a – ga – huyền – gà/ con gà
• Bầu trời: â – u – âu, bờ – âu – bâu – huyền – bầu, ơ – i – ơi, trờ – ơi – trơi – huyền – trời/ bầu trời
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
5 điều cần lưu ý khi dạy bé đánh vần
Không phải ai cũng có khả năng dạy con học đánh vần. Bởi vì điều này không những cần kiến thức, kinh nghiệm mà còn cần thời gian và sự nhẫn nại. Để làm được điều này thành công, bạn cần chú ý 5 điều sau:
1. Nắm vững đặc điểm của ngữ âm tiếng Việt
Tiếng Việt có cấu tạo là một tổ hợp âm thanh với tổ chức chặt chẽ, các yếu tố kết hợp theo các mức độ khác nhau, bao gồm:
• Phụ âm đầu kết hợp cùng vần và thanh
• Các bộ phận trong phần vần kết hợp với nhau một cách chặt chẽ
Trong các tiếng, vần có vai trò quan trọng. Biết được điều này giúp ba mẹ hiểu được quy trình lập vần rồi tới ghép âm đầu với vần và thanh điệu để tạo thành tiếng.
2. Chú ý thời gian học của bé
Các bé chuẩn bị bước vào lớp 1 chưa có khả năng tập trung trong thời gian dài. Theo các thống kê, khoảng thời gian bé có thể chú ý vào một việc gì đó chỉ 10-15 phút.
Mỗi ngày hãy sắp xếp các khung giờ ngắn nhất định để dạy con học. Không nên kéo dài thời gian dạy trẻ học đánh vần vì sẽ làm con mất tập trung hoặc cảm thấy khó chịu.
3. Sử dụng sáng tạo các phương pháp học đánh vần
Muốn giúp bé đánh vần và đọc chữ cái nhanh mà không gặp nhiều khó khăn, ba mẹ nên sử dụng sáng tạo các phương pháp. Thay vì chỉ dùng cách đơn giản theo truyền thống, có thể áp dụng:
• Cho bé học đánh vần qua các trò chơi như đoán chữ, điền chữ, làm chữ cái…
• Sử dụng các app dạy trực tuyến hoặc các chương trình dạy đánh vần trên Youtube
• Dùng các thẻ flash để dạy con đánh vần dễ nhớ
>>> Tìm hiểu thêm: Cách xây dựng lộ trình học tiếng Anh cho bé từ mầm non tới tiểu học
4. Thường xuyên ôn tập
Mặc dù những năm đầu đời bé tiếp thu kiến thức nhanh, song mức độ tập trung chưa cao nên sẽ hay quên. Do vậy, mỗi ngày bạn cần kết hợp giữa việc ôn tập và dạy bé kiến thức mới. Thường xuyên ôn tập giúp bé khắc sâu kiến thức, nhớ bài lâu hơn.
5. Động viên, khen ngợi con
Dạy trẻ đánh vần cần kiên trì và nhẫn nại. Ba mẹ cần tạo cho con tâm lý thoải mái, tuyệt đối không la mắng hoặc dọa nạt con nếu bé không nhớ bài.
Nên thường xuyên động viên và khen ngợi bé. Có thể tặng con những món quà nhỏ để động viên và khích lệ tinh thần học tập. Khuyến khích con đọc nhiều hơn mỗi ngày chính là cách giúp bé nhớ bài lâu.
Dạy bé đánh vần lúc đầu sẽ rất khó khăn, đặc biệt là với những bậc phụ huynh không nắm được đặc điểm của tiếng Việt cũng như các quy tắc đánh vần mới. Tuy nhiên, dần dần, bạn và con sẽ khắc phục được những khó khăn này.
>>> Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách viết số thứ tự trong tiếng Anh