13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

Tác giả: Ha Hoa

Chào hỏi là kỹ năng cơ bản và quan trọng mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần phải học. Vì sao điều này quan trọng và dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép như thế nào hiệu quả? ILA mời ba mẹ tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Vì sao cần dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép?

Dạy trẻ chào hỏi mọi người giúp phát triển các kỹ năng xã hội và rèn cách cư xử đúng mực. Lời chào bắt đầu cho tất cả các tương tác xã hội, giúp kết bạn và mở ra cơ hội giao tiếp. Nói “tạm biệt” báo hiệu cuộc trò chuyện kết thúc và tạo tiền đề cho các cuộc nói chuyện vào lần gặp tiếp theo.

Rèn kỹ năng chào hỏi lễ phép cho bé rất quan trọng. Chào hỏi đúng cách đóng vai trò là bước khởi đầu cho các kỹ năng trò chuyện cơ bản, thể hiện trẻ là người như thế nào.

Học nói “xin chào”, “tạm biệt”, “cảm ơn” “xin lỗi” là thói quen tốt mà bé phải học để lớn lên trở thành những người lịch sự – chuẩn mực. Đây là bài học và là hành trang về cách cư xử sẽ theo con suốt đời.

>>> Xem thêm: 9 cách dạy bé nhận biết các con vật

Cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

Cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

Nói “xin chào”, “tạm biệt” với người khác là một phần quan trọng trong quá trình giao tiếp. Thế nhưng, một số bé gặp khó khăn trong việc chào hỏi, ngay cả đó là những trẻ hoàn toàn bình thường.

Do vậy, ba mẹ cần có biện pháp để hướng dẫn trẻ. Dưới đây là 11 cách giúp bạn có thể rèn kỹ năng chào hỏi lễ phép cho con:

1. Đưa ra hướng dẫn cụ thể

Điều đầu tiên ba mẹ cần làm là hướng dẫn bé cách chào. Dạy con khi gặp ai đó mà con quen biết hoặc người quen của ba mẹ, con phải nói những câu chào hỏi như thế nào là phù hợp.

Ví dụ:

• Khi con gặp người lớn: “Cháu chào ông/bà/bác/cô… ạ!”.

• Khi gặp bạn cùng tuổi, con nói: “Chào bạn/Chào bạn nhé, rất vui khi được gặp bạn”. Khi tạm biệt ra về, con nên nói: “Tớ phải về đây/Tớ về nhé, hẹn gặp lại bạn”…

2. Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép: Làm mẫu

Trước khi dạy kỹ năng chào hỏi lễ phép cho bé, ba mẹ cần nhớ rằng người lớn phải nêu gương, làm mẫu. Có như vậy trẻ mới bắt chước và thực hiện theo. Hãy làm mẫu cách chào hỏi đúng cách cho con, đơn giản như ba mẹ phải chào bé hoặc chào hỏi những thành viên trong gia đình/người mà bạn gặp.

Trẻ em học tốt nhất thông qua các ví dụ và tình huống cụ thể. Do vậy, hãy luôn cư xử tử tế, lịch sự và nhã nhặn trước mặt con để trẻ có hình mẫu tích cực coi theo.

>> Bạn có thể quan tâm: Dạy bảng màu tiếng Anh cho bé bắt đầu từ đâu?

3. Chơi giả vờ (phương pháp nhập vai)

Chơi giả vờ (phương pháp nhập vai)

Hãy tạo các tình huống giả vờ để bạn và con thực hành chào hỏi. Đây là phương pháp dạy trẻ chào hỏi lễ phép đơn giản nhưng hữu ích và rất thú vị. Đảm bảo mọi đứa trẻ đều thích chơi trò này. Các tình huống chơi giả vờ giúp con thực hành chào hỏi mà không thấy áp lực.

Ví dụ, hãy giả định với bé là 2 mẹ con đang đi siêu thị, bạn đóng giả là khách hàng còn bé làm người thu ngân. Hãy hỏi con xem trong trường hợp đó:

Người thu ngân nên làm như thế nào nếu khách hàng vào quầy thanh toán?

Lời đầu tiên gặp khách, người thu ngân phải nói gì?

Sau khi khách hàng trả tiền xong, thu ngân có nên cảm ơn họ không?

Hoặc, đơn giản hơn bạn có thể giả vờ nói chuyện điện thoại với con, hoặc đóng giả thành những người mà bé hâm mộ như siêu nhân, lính cứu hỏa… Càng có nhiều cơ hội để thực hành, việc chào hỏi đối với các bé sẽ trở nên dễ dàng và thuần thục hơn.

4. Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép bằng bài hát

Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép bằng bài hát

Để biến chào hỏi trở thành thói quen của bé, bạn phải sử dụng nhiều cách và đặc biệt là phải kiên nhẫn. Dạy con thông qua các bài hát vui nhộn cũng là một cách hay mà nhiều mẹ áp dụng.

Có rất nhiều bài hát về chủ đề này, chẳng hạn như:

• Lời chào buổi sáng

• Tiếng chào theo em

• Lời chào của em

• Đi học về

• Chào hỏi khi về

• Hello hello How are you

Đây là những bài hát dạy trẻ về lời chào, có giai điệu dễ nhớ, nội dung đơn giản. Bé sẽ biết cách chào như thế nào và đáp lại các lời chào ra sao nếu thường xuyên được ba mẹ cho nghe những bài hát như thế này.

5. Dạy trẻ chào hỏi lễ phép bằng sách

Dạy trẻ chào hỏi lễ phép bằng sách

Các quyển sách văn học là phương tiện tuyệt vời mà bạn nên sử dụng để dạy bé kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Mẹ có thể tìm mua các bộ sách Ehon của Nhật hoặc các quyển Bí quyết dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép.

Đơn giản hơn, bạn có thể thông qua các mẩu chuyện ngắn như Mèo con lễ phép để phân tích cho con hiểu tầm quan trọng của chào hỏi cũng như nên làm thế nào là đúng.

>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất

6. Thực hành chào hỏi

Hãy dạy con chào hỏi ngay khi nhìn thấy mọi người, điều này giúp hình thành thói quen tốt. Một cách tuyệt vời để rèn kỹ năng này là dạy bé chào bố mẹ ngay khi thức dậy khỏi giường:

• Chào mẹ buổi sáng!

• Chào bố buổi sáng. Chúc bố một ngày tốt lành!

Những điều đơn giản này bạn phải dạy trẻ sớm, ngay từ khi con bắt đầu học nói. Làm được như vậy thì đến khi bé 3 tuổi, bạn sẽ không còn phải nhắc nhở con những câu như: “Con đã chào ông/bà hay chưa?”.

7. Hỗ trợ và khuyến khích

dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

Sau khi con đã học và biết sử dụng kỹ năng chào hỏi trong một số tình huống nhất định, bạn phải quan sát đồng thời xem xét con cần sửa đổi điều gì hay không.

Nếu có, hãy góp ý để con hoàn thiện hơn, ví dụ:

Hôm nay mẹ thấy con làm tốt lắm, khi gặp bác hàng xóm con đã biết chào bác. Thế nhưng với người lớn tuổi hơn con cần thể hiện sự lễ phép bằng cách thêm từ ạ vào đằng sau con nhé: Con chào bác ạ!

Khi đi học về con đã biết chào ông bà. Con thật giỏi. Nhưng lần sau con nhớ lại gần ông bà rồi mới chào con nhé!

Nếu con chưa thể chào hỏi ai đó một cách tự tin thì cũng không sao cả. Hãy trấn an và động viên để lần sau bé có thể làm tốt hơn. Tuyệt đối không la mắng bé hoặc nói rằng con làm sai chỗ này, sai chỗ kia. Vì điều này chỉ khiến bé thêm rụt rè mà thôi.

Khi con đã thực hành chào hỏi thông thạo, ba mẹ nên khen ngợi và nói rằng bạn tự hào về con.

8. Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép: Dạy trẻ giao tiếp bằng mắt và cử chỉ

Giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng của lời chào. Bên cạnh lời nói, việc thể hiện ánh mắt cũng rất cần thiết. Thế nhưng, một số trẻ nhỏ có thể ngại ngùng khi phải nhìn vào mắt người khác, do vậy, người lớn cần rèn cho bé kỹ năng này.

Chẳng hạn như nói với con rằng khi chào hoặc nói chuyện thì nhìn vào người ấy. Điều này thể hiện rằng con tôn trọng họ. Tuyệt đối không vừa chào hỏi vừa nhìn sang chỗ khác hoặc chưa nói “tạm biệt” xong mà chân đã bước đi.

Mặt khác, dạy bé ngôn ngữ cơ thể đi kèm với lời nói. Ví dụ như khi chào người lớn tuổi như ông bà, con khoanh tay lại thể hiện sự lễ phép, hoặc con mỉm cười để người đối diện biết rằng con yêu quý họ.

>>> Xem thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp thông dụng cho bé dễ học

9. Nhắc nhở thường xuyên

Nhắc nhở thường xuyên

Để thành thạo kỹ năng chào hỏi lễ phép, bé cần thời gian, thậm chí có thể là rất dài. Và trong quá trình học điều này, con có thể thường xuyên quên. Đây là một điều hoàn toàn bình thường mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng gặp phải. Để khắc phục điều này, bạn nên thường xuyên nhắc nhở con.

Ví dụ như trước khi tới nhà ai đó chơi, hãy nói với con rằng trong gia đình ấy sẽ có bao nhiêu người. Và với các thành viên ấy, con sẽ phải chào như thế nào là hợp lý. Khi được cho quà, con sẽ phải nói như thế nào với họ…

Hãy đưa những bài học này vào thói quen hàng ngày của bé và luôn tạo ra các cơ hội để dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép ngay cả khi ở nhà, ở trường và trong các chuyến đi chơi. Điều này sẽ giúp con hình thành thói quen tốt và hữu ích ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời chứ không chỉ trong một hoàn cảnh.

10. Nhắc con đứng lên khi chào

Nếu con đang ngồi, ví dụ như ở nhà hàng hoặc trên ghế sofa ở nhà, và một người quen bước vào phòng hoặc đến gần, con cần đứng dậy trước khi chào. Hành động này thể hiện sự tôn trọng đối với người lớn tuổi hơn mình.

11. Dạy con câu đối thoại đáp lại lời chào

Trong giao tiếp, có rất nhiều tình huống xảy ra. Nếu bé đã biết chào hỏi mọi người khi gặp mặt thì việc cần làm là nên dạy con các mẫu câu đối thoại ngắn để cuộc trò chuyện diễn ra tốt đẹp.

Chẳng hạn, dặn bé nếu có ai chào con thì con phải đáp lại lời chào của họ: “Cháu chào ông/bà/cô/bác… ạ!”. Nếu thân thiết hơn, con có thể hỏi họ thêm một vài câu thể hiện sự thân mật như: “Ông/bà/cô/bác dạo này khỏe không ạ?”…

>>> Tìm hiểu thêm: Tổng hợp 300+ từ vựng tiếng Anh cho bé theo từng chủ đề

12. Tạo niềm vui cho bé khi học kỹ năng chào hỏi

Tạo niềm vui cho bé khi học kỹ năng chào hỏi

Hãy để con hiểu rằng việc học kỹ năng quan trọng này là cách kết nối với mọi người một cách vui vẻ chứ không phải là nhiệm vụ khó khăn. Bạn tạo ra càng nhiều hoạt động thú vị để con có cơ hội học hỏi càng tốt, đừng để điều này trở thành gánh nặng cho con.

Giải thích với bé rằng khi con chào hỏi lễ phép với một ai đó, bản thân con và người được chào sẽ rất vui. Ngày mới sẽ trở nên vui vẻ hơn từ những lời chào vui vẻ.

13. Dạy trẻ cách chào hỏi an toàn

Ba mẹ hãy cho con biết không phải ai con cũng nên chào hỏi và bắt chuyện. Bởi vì có một số người lạ hoặc kẻ xấu thường muốn tiếp cận trẻ em để thực hiện các hành vi xấu.

Do vậy, hãy dạy con rằng nếu đi cùng người lớn, con hãy hỏi ý kiến xem có nên chào người đó hay không. Nếu đang chơi một mình mà thấy người lạ tiếp cận, con không cần phải chào mà nên chạy vào nhà hoặc tìm kiếm người thân.

Dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép là việc mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng cần làm. Hãy kiên nhẫn và tạo cho bé nhiều cơ hội để trau dồi khả năng chào hỏi và tương tác với người khác. Chẳng mấy chốc bé sẽ thành thạo với kỹ năng chào hỏi nên ba mẹ đừng quá nôn nóng nhé.

>>> Tìm hiểu thêm: 5 phương pháp dạy trẻ học tiếng Anh qua hình ảnh hiệu quả

Nguồn tham khảo

  1. Teaching Your Child to Greet People – Ngày truy cập: 8-8-2023

  2. 11 Ways to Teach Your Child Good Manners – Ngày truy cập: 8-8-2023

location map