Màu sắc là chủ đề thú vị nhưng khá phức tạp đối với trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, khi trẻ được 18 tháng – 2 tuổi, ba mẹ có thể bắt đầu dạy con nhận biết. Dạy bé học màu sắc sớm mang lại rất nhiều lợi ích. Hãy cùng ILA khám phá các tuyệt chiêu để dạy con chủ đề này!
Lợi ích khi dạy bé học màu sắc
Thật ngạc nhiên vì trẻ sơ sinh có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa một thứ gì đó có màu sắc sặc sỡ và những thứ có màu đen hoặc trắng. Tới 2 tuổi, các bé mới biết đi đã có thể sẵn sàng bắt đầu học tên của màu sắc và hình dạng. Vì thế, phụ huynh không nên bỏ qua giai đoạn để dạy bé nhận biết màu sắc.
Dạy con về các khái niệm, sự khác nhau của màu mang lại nhiều lợi ích, đó là:
• Các bài học về màu sắc giúp bé phát triển các kỹ năng cốt lõi, tốt cho việc học môn toán và đọc viết sau này.
• Biết phân biệt màu sắc thuận lợi cho bé trong sinh hoạt thường ngày.
• Học cách gọi tên màu sắc và hình dạng giúp bé phát triển, mở rộng vốn từ vựng. Đây là những kỹ năng quan trọng tạo nền tảng cho việc học nâng cao hơn ở độ tuổi lên 3.
• Khi được học một màu mới, bộ não bé sẽ hoạt động để xử lý thông tin, cũng như ghi nhớ, phân loại và so sánh. Việc này giúp phát triển trí thông minh ở trẻ nhỏ.
>>> Tìm hiểu thêm: Cha mẹ dạy bảng màu tiếng Anh cho bé nên bắt đầu từ đâu?
Các cách dạy bé học màu sắc
Thế giới của chúng ta được tạo thành từ các hình dạng và màu sắc khác nhau. Ô tô, nhà ở, hoa, cây cối, trái cây, tòa nhà cao tầng… mọi thứ đều có những đặc điểm hình ảnh độc đáo riêng. Bé cần được học hỏi và khám phá những điều tuyệt vời này thông qua các bài học về màu sắc.
Dưới đây là phương pháp dạy con về chủ đề màu sắc mà ba mẹ nên biết:
1. Bắt đầu với những điều cơ bản
Bất kỳ vấn đề gì cũng sẽ hữu hiệu nếu bắt đầu với điều cơ bản nhất. Dạy trẻ về màu sắc cũng vậy. Điều này có nghĩa là bạn nên bắt đầu bằng cách dạy bé tập nói màu sắc, dạy tên của các màu cơ bản (đỏ, lam và vàng). Khi con đã ghi nhớ được những màu này, hãy chuyển sang dạy bé các màu khác.
2. Nói về màu sắc thông qua các hoạt động hàng ngày
Dạy bé nhận biết màu sắc cơ bản không phải là điều khó nếu bạn biết lồng vào các hoạt động thường nhật của con. Chẳng hạn:
• Trong giờ ăn tối: “Con có muốn ăn chiếc thìa màu xanh không?”.
• Khi đi dạo trong công viên: “Hãy tìm cho mẹ chiếc xích đu màu đỏ nhé!”.
• Khi mặc quần áo: “Con muốn mặc áo màu đỏ hay màu vàng?”.
• Trong khi chơi: “Con hãy sắp xếp các khối hình màu trắng lại với nhau nhé!”.
• Trong hoạt động thường ngày: “Lấy hộ mẹ quả táo màu đỏ trong tủ lạnh nhé con!”.
Đây chính là phương pháp dạy màu sắc bằng trực quan sinh động, giúp bé dễ nhớ.
3. Dạy bé học màu sắc thông qua các màu tương phản
Một trong những phương pháp giúp bé dễ dàng nhận biết màu sắc mà không bị nhầm lẫn là dạy bé về màu sắc tương phản. Phụ huynh có thể lựa chọn các đồ vật hoặc đồ chơi có màu khác biệt nhau như trắng, đen, đỏ để trẻ bắt đầu bài học nhận biết.
Bởi vì những gam màu này rất khác biệt, nên bé có thể dễ nhớ mà không bị nhầm. Sau khi con đã thành thạo với các màu cơ bản này, hãy tiếp tục với những gam màu khó hơn như đỏ nhạt, hồng, xanh đậm, tím…
4. Dạy trẻ học màu sắc bằng bài học phân loại
Khi bé đã tự tin biết được các màu cơ bản là gì, hãy tiếp tục với các bài học khó hơn, như phân loại (nhóm) các màu cùng tông.
Ví dụ, màu xanh gồm xanh da trời, xanh lục, xanh nước biển, xanh dương, xanh lá cây, xanh ngọc…
Để giúp bé có thể nhóm các màu sắc cùng tông lại với nhau, bạn có thể sử dụng các đồ vật quen thuộc. Chỉ vào cỏ và nói “đây là màu xanh nhạt”. Sau đó bạn chỉ vào màu xanh đậm hơn trên chiếc tất rồi nhấn mạnh: “Còn đây là màu xanh đậm”. Để nâng cao hơn, hãy tiếp tục yêu cầu bé tìm những thứ khác có cùng màu.
>>> Tìm hiểu thêm: 9 cách dạy bé nhận biết các con vật
5. Dạy bé học màu sắc qua trò chơi
Thay vì sử dụng phương pháp khô khan và nhàm chán, hãy áp dụng các trò chơi sinh động trong việc dạy bé phân biệt màu sắc. ILA gợi ý ba mẹ trò chơi vẽ ngón tay đơn giản, dễ áp dụng:
Chuẩn bị:
• Màu nước (các màu cơ bản)
• Cọ vẽ, giấy
• Tạp dề
Cách thực hiện:
Cho bé đeo tạp dề bảo vệ quần áo. Sau đó ba mẹ hướng dẫn con dùng cọ nhúng màu nước và vẽ lần lượt lên các ngon tay (hoặc nhúng 5 ngón tay của bé vào lọ màu). Như vậy con sẽ có các ngón tay với những sắc màu khác nhau.
Lúc này, ba mẹ hỏi trẻ những ngón tay của con màu gì. Bài học sẽ sinh động hơn khi bé dùng bàn tay sắc màu của mình để tùy ý vẽ tranh theo khả năng của con.
Lưu ý khi bé vẽ, ba mẹ hãy nói về những màu mà trẻ đang sử dụng và yêu cầu con nhắc lại tên màu (“Thật đẹp! Màu này được gọi là gì?”).
6. Dạy màu sắc cho trẻ bằng bài hát và video
Phần lớn trẻ em đều thích các bài hát hoặc video vui nhộn. Do vậy, dạy con bài học về màu sắc nên sử dụng các công cụ hữu ích này. Có rất nhiều bài hát về màu sắc cho trẻ nhỏ, bao gồm các tiếng Việt và tiếng Anh. Mỗi ngày bạn dành 20-30 phút cho con nghe nhạc hoặc xem video để học về màu.
Một số bài hát chủ đề màu sắc như:
• Bảy sắc cầu vồng
• Những sắc màu của bé
• The color song
• Pass the color
• Color of your clothes
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
7. Dạy bé học màu sắc bằng các dự án thủ công
Thường xuyên cùng con thực hiện các dự án thủ công là một cách tuyệt vời để rèn luyện sự khéo léo của đôi tay và phát triển sự sáng tạo. Những gì ba mẹ cần chuẩn bị cho hoạt động này là giấy màu, kéo, keo dán, giấy trắng khổ to.
Hướng dẫn bé cắt giấy thủ công thành các dải có màu sắc khác nhau. Sau đó cho con dán lên một tờ giấy trắng để tạo được bức tranh đầy màu sắc.
Khi con đã hoàn thành dự án, ba mẹ có thể kiểm tra sự hiểu biết về các màu của con như:
• Trong bức tranh này đâu là màu cam?
• Đâu là màu mà con thích nhất nhỉ? Màu ấy tên là gì?
Để bé thêm phần hứng thú với việc học màu này, những lần tiếp theo có thể hướng dẫn con cắt các hình như tròn, hình vuông, ngôi sao… Hoạt động này sẽ rất thú vị và giúp bé nhớ màu lâu hơn.
>>> Tìm hiểu thêm: 5 phương pháp dạy bé đánh vần nhớ lâu cấp tốc
8. Dạy con về màu sắc thông qua tranh ảnh
Tranh ảnh dành cho trẻ em về con vật, hoa quả, các phương tiện giao thông… đều là những bức tranh đầy sắc màu. Vì thế, hãy dạy bé bài học về màu sắc bằng cách hỏi con đồ vật này màu gì, màu nào bé thích, màu nào nhìn giống nhau…
Bé học màu sắc qua con vật hoặc các hình ảnh cụ thể sẽ giúp con dễ hình dung và ghi nhớ lâu. Mặt khác, khi sử dụng tranh ảnh, bạn cũng có thể dạy bé màu sắc kết hợp tên đồ vật, hình dạng, kích thước.
>>> Tìm hiểu thêm: Bật mí 50 bài luyện nghe tiếng Anh cho bé theo chủ đề
9. Dạy bé học màu sắc bằng cách tô màu hoặc vẽ tranh
Tô màu giúp bé phát triển kỹ năng vận động tinh và thị giác (phối hợp tay và mắt). Bạn có thể tải các hình ảnh trên Internet hoặc sử dụng vở tập tô có bán sẵn trên thị trường để bé tô màu.
Ngoài ra, có rất nhiều phần mềm tô màu cho bé trên điện thoại di động, bạn có thể tải về các ứng dụng như:
• Beauty Coloring Book 2
• Color Fever – Color By Number
• Glitter Coloring Book for Kids
• Fruits Coloring Book & Drawing Book
Với những bé lớn hơn, hãy để con tự vẽ các bức tranh theo ý chúng. Đây sẽ là những dịp tuyệt vời giúp con khắc sâu kiến thức về màu, biết cách phối màu như thế nào đẹp.
10. Dạy màu sắc thông qua đọc truyện
Bạn có thể dạy màu sắc cho con với hầu hết mọi quyển truyện dành cho trẻ em. Bởi vì sách truyện thiếu nhi vốn là những tác phẩm sinh động, đầy màu sắc.
Trong khi đọc truyện, hãy hỏi bé về những màu mà con được nhìn thấy (Chú thỏ này màu gì?, Con mèo này màu đen phải không?…) hoặc yêu cầu con tìm màu sắc cụ thể (Tìm cho mẹ chiếc đèn màu cam trên trang sách này được không?).
Những yêu cầu nhỏ này bắt buộc con phải tập trung suy nghĩ và quan sát vào các chi tiết cụ thể. Lúc này, con được thực hành các kỹ năng phân biệt thị giác.
Ngoài những phương pháp trên, có rất nhiều cách khác mà ba mẹ có thể áp dụng luân phiên khi dạy con màu sắc. Đó có thể là chơi trò câu đố, học màu sắc thông qua các loại thức ăn – hoa quả, trổ tài tìm đồ vật cùng màu sắc, thử thách phối quần áo cùng sắc màu…
>>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
Nguyên tắc khi dạy bé học màu sắc
Bài học về sắc màu, hình khối vốn là những kiến thức cơ bản mà mọi đứa trẻ đều được học. Hãy biến ngày của trẻ là những ngày đầy màu sắc bằng các hoạt động thú vị.
Dưới đây là một vài nguyên tắc cần lưu ý khi bạn dạy con về chủ đề này:
• Dạy con nhận biết các màu cơ bản trước (đen, đỏ, vàng), sau đó mới tới những màu khó hơn (da cam, xanh lá cây, tím). Đừng dạy trẻ tất cả các màu cùng lúc vì sẽ khiến bé khó nhớ.
• Kiên nhẫn và dạy trẻ từ từ. Tuyệt đối không nôn nóng nếu bé không nhớ các màu hoặc nhầm lẫn chúng với nhau.
• Áp dụng đa dạng các hoạt động để con thấy hứng thú với bài học sắc màu. Lặp đi lặp lại việc dạy màu cho trẻ hàng ngày để con ghi nhớ. Đồng thời ba mẹ mở rộng kiến thức để bé không thấy chán.
• Nếu con gặp khó khăn trong việc phân biệt màu sắc cơ bản như đỏ, xanh dương, xanh lá cây, vàng khi được 4 tuổi, bạn nên cho bé tới bác sĩ để kiểm tra các vấn đề về thị lực. Hiếm khi có người bị mù màu hoàn toàn. Song một số trẻ có thể gặp vấn đề trong việc phân biệt rõ ràng màu sắc và nhầm lẫn khi nhận diện màu. Phát hiện kịp thời sẽ giúp ba mẹ và thầy cô có biện pháp hỗ trợ con trong cuộc sống và học tập.
Trên đây là những mẹo đơn giản và hữu ích để dạy bé về màu sắc một cách dễ dàng. Hy vọng ba mẹ sẽ không gặp khó khăn trong việc dạy bé học màu sắc.