10 cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ nhỏ

cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ

Tác giả: Huynh Suong

Trẻ tự tin sẽ luôn chủ động làm mọi thứ và gặt hái nhiều thành công trong tương lai. Vậy làm sao để ba mẹ có thể rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ?

Ba mẹ có xu hướng lo lắng khi thấy con mình thiếu tự tin trong giao tiếp hàng ngày và trường học. Trẻ thiếu tự tin thường có những biểu hiện như:

• Trẻ nhút nhát, sợ hãi và không muốn giao tiếp trong môi trường đông người.

• Trẻ không dám thử các trải nghiệm mới, không dám chơi các trò chơi lần đầu thấy.

• Trẻ bị ảnh hưởng bởi những lời nhận xét của người khác, nhất là nhận xét tiêu cực.

• Mỗi khi làm sai, trẻ có xu hướng đổ lỗi cho người khác, không dám tự nhận trách nhiệm.

• Trẻ thường có những hành vi quấy rối để thu hút sự chú ý của người thân.

Một đứa trẻ tự tin là gốc rễ để tạo nên một người lớn tự tin. Ba mẹ có thể tham khảo những cách rèn luyện sự tự tin sau đây nhé.

1. Rèn luyện sự tự tin nội tại

tự tin nội tại

Nhiều ba mẹ muốn con mình tự tin hơn nên đăng ký cho bé tham gia nhiều khóa học và các chương trình ngoại khóa. Thật ra cách làm này không sai. Tuy nhiên, trước khi đặt trẻ vào môi trường đông đúc, bạn cần giúp trẻ xây dựng sự tự tin bên trong.

Bản chất của sự tự tin đó là hiểu rõ năng lực, điểm mạnh và cả điểm yếu của bản thân. Bạn có thể giúp trẻ tìm ra những ưu điểm của mình và nắm bắt thời kỳ vàng cho con phát triển tư duy sáng tạo.

Ví dụ, nếu con bạn có năng khiếu vẽ tranh, hãy nhắc bé về điều đó. Khi bé ý thức mình có khả năng vẽ tốt, bạn có thể đưa bé đến lớp ngoại khóa về vẽ. Khi được phát huy thế mạnh của bản thân, bé sẽ dần cảm thấy tự tin vào chính mình.

Bên cạnh phát huy thế mạnh thì việc cải thiện điểm yếu cũng là cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ. Nếu trẻ mặc cảm về một điểm thiếu sót nào đó, bạn hãy giúp con đối mặt và từng bước cải thiện.

Cứ sau mỗi lần vượt qua được giới hạn, làm được những điều mà trẻ nghĩ mình không làm được, con sẽ thấy tự tin lên rất nhiều.

>>> Tìm hiểu thêm: Lợi ích và cách giúp con bước khỏi vùng an toàn của bản thân

2. Dạy trẻ cách chăm chút ngoại hình

dạy trẻ chăm chút ngoại hình

Không chỉ người lớn mà trẻ con cũng cần được chăm chút ngoại hình. Vẻ ngoài chỉn chu là một trong những yếu tố đem lại sự tự tin.

Nhiều người cho rằng con còn nhỏ, mặc quần áo tùy tiện thế nào cũng được. Tuy nhiên, có những thói quen cần phải hình thành từ bé. Bạn nên hướng dẫn trẻ cách ăn mặc gọn gàng, hợp hoàn cảnh.

Ví dụ, không nên mặc quần áo ngủ khi đi đến những nơi trang trọng. Chỉn chu trong cách ăn mặc sẽ là tiền đề cho sự gọn gàng, ngăn nắp, chăm chút bản thân sau này.

Ba mẹ khích lệ con quan tâm đến ngoại hình không đồng nghĩa với việc ăn diện hay đầu tư quần áo đắt tiền. Bạn chỉ cần giúp bé biết cách mặc quần áo tươm tất, sạch sẽ, biết lựa chọn trang phục phù hợp mỗi khi ra ngoài. Khi được diện những bộ cánh ưng ý, trẻ sẽ thấy hài lòng và tự tin vào bản thân.

3. Không so sánh trẻ với người khác

không nên so sánh

Nhiều ba mẹ có thói quen so sánh con với những đứa trẻ khác. Mục đích là để bé thấy xấu hổ mà biết cố gắng hơn. Sự thật là cách làm này chỉ càng làm cho bé thêm tự ti và càng thu mình lại hơn.

Giáo sư Jensen – Trưởng Khoa Tâm lý trẻ nhỏ (ĐH Pennsylvania State, Mỹ) cho biết: “Việc so sánh với anh chị em bé hoặc các bé khác là một việc nên ngừng lại. Bạn sẽ làm bé phát triển tâm sinh lý bất thường, trở thành một người thiếu tự tin và thiếu thành công trong tương lai.”

Thực tế là khi bị so sánh, trẻ mặc định mình là người kém cỏi, mình không có khả năng bằng người khác. Chính suy nghĩ này sẽ khiến trẻ càng thu mình vào vỏ ốc, không muốn và không dám làm bất cứ điều gì.

Ví dụ, khi bạn nói: “Con không học tiếng Anh giỏi bằng bạn A” thì trẻ sẽ nghĩ là mình không có khả năng. Từ đó, trẻ luôn cảm thấy tự ti mỗi khi học tiếng Anh.

Không chỉ ngưng so sánh về sự thua kém, mà ba mẹ cũng không nên so sánh về sự giỏi giang của trẻ. Việc nhấn mạnh rằng trẻ giỏi hơn bạn A bạn B nào đó nếu không khéo sẽ gieo cho trẻ sự kiêu ngạo. Ngay cả khi dạy bé học tiếng Anh tại nhà, ba mẹ cũng nên tránh khen con quá mức.

Hơn nữa, bản chất của việc tiến bộ chỉ nên đơn giản là so sánh với bản thân mình. Trẻ không cần phải cố gắng để “giỏi hơn” người nào cả.

4. Tôn trọng ý kiến của trẻ 

Một trong những cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ tiểu học đó là lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Câu cửa miệng của nhiều người lớn thường là “Trẻ con thì biết gì!”. Thực chất, trẻ có thể hiểu nhiều hơn chúng ta tưởng. Trẻ cũng có nhu cầu được nói lên ý kiến, được lắng nghe.

Ba mẹ đừng nghĩ trẻ không biết gì mà phớt lờ hoặc bỏ qua mọi lời nói của con nhé. Khi nói ra và được ghi nhận, con sẽ cảm thấy tự tin lên rất nhiều đấy.

Cùng với việc lắng nghe, bạn hãy để con được chủ động trong một số việc. Trước mỗi vấn đề của con, ba mẹ hãy hỏi ý kiến và tập cho con tự đưa ra quyết định. Thông thường, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đã có thể tự đưa ra lựa chọn trong một số vấn đề liên quan đến cá nhân.

Ví dụ khi mua quần áo cho trẻ, bạn hãy hỏi con thích cái nào? muốn chọn cái nào? Khi đi ăn, hãy để trẻ tự quyết định món ăn của mình.

Khi học tiếng Anh, ba mẹ nên giúp con tự lên kế hoạch học tập phù hợp với sở thích, thế mạnh… Hãy luôn tôn trọng con khi lựa chọn các phương pháp học tiếng Anh như trò chơi tiếng Anh, phim hoạt hình tiếng Anh, học toán bằng tiếng Anh

5. Động viên con rèn luyện sự tự tin

Một trong những biểu hiện của sự thiếu tự tin đó là trẻ thường ngại ngùng, không dám khám phá, thử những điều mới. Trẻ sợ bị đánh giá, sợ bị thất bại nên luôn chọn phương án an toàn. Điều này khiến trẻ bị bó buộc, hạn chế trong việc học hỏi, thử thách giới hạn của bản thân.

Vì vậy, ba mẹ cần cổ vũ, động viên con mỗi khi tiếp xúc với những trải nghiệm mới mẻ. Bạn có thể cho con đến những khu vui chơi mới, tiếp xúc với các hoạt động ngoại khóa mà trước đây con chưa thử.

>>> Tìm hiểu thêm: 6 cách động viên tinh tế thể hiện sự tự hào với con trẻ

6. Không xoáy sâu vào sự thất bại

Không xoáy sâu vào thất bại

Trong quá trình khôn lớn, trẻ không tránh khỏi những lỗi sai, những thất bại. Điều ba mẹ cần làm là cùng con khắc phục hậu quả. Bạn nên hạn chế chỉ trích, xoáy sâu vào thất bại đó.

Có câu nói rằng: “Tự tin không phải là biết mình sẽ thành công, mà là không sợ thất bại.” Không ai trên đời là không mắc sai lầm. Vì vậy, ba mẹ hãy bao dung với những lỗi sai của con hơn. Sự chỉ trích thường khiến con cảm thấy khó chịu, từ đó sinh ra tâm lý phản kháng, đổ lỗi. Lâu dần, con sẽ sợ làm sai, ngại va chạm, không tự tin vào bản thân.

Đặc biệt, khi nói về lỗi sai của trẻ, ba mẹ lưu ý, chỉ nói về hành vi. Bạn không nên phóng đại thành tính cách. Lấy ví dụ khi trẻ bị điểm kém môn Toán.

Bạn chỉ cần nói về sự việc môn Toán lần này làm chưa tốt. Bạn tuyệt đối không dựa vào đó để phán xét trẻ không cẩn thận hoặc không có khả năng học Toán. Những nhận định này sẽ tác động tiêu cực đến suy nghĩ, khiến bé trở nên tự ti về thiếu sót của mình.

7. Rèn luyện sự tự tin trước đám đông

rèn luyện tự tin trước đám đông

Để giúp trẻ tự tin trước đám đông, ba mẹ không nên chê trách trẻ trước nhiều người. Việc la mắng, phủ định trẻ nơi đông người là cách nhanh nhất để vùi dập sự tự tin của con. Trẻ bị la mắng trước mặt nhiều người sẽ cảm thấy xấu hổ, thậm chí thấy bị xúc phạm.

Việc đem sai lầm của trẻ phơi bày trước đám đông là một việc làm không nên. Nếu tiếp diễn nhiều, trẻ sẽ càng khép mình, mất tự tin, ngại giao tiếp.

Ba mẹ cũng có thể thông qua các bài học tiếng Anh để giúp con rèn luyện sự tự tin trước đám đông. Chỉ cần mỗi ngày học 2-3 câu tiếng Anh giao tiếp thông dụng, con cũng sẽ cải thiện được khả năng nói chuyện với người khác đấy.

>>> Tìm hiểu thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp thông dụng cho bé dễ học

8. Khen ngợi đúng cách khi làm tốt

khen ngợi đúng cách

Bên cạnh việc hạn chế chỉ trích, la mắng khi trẻ mắc lỗi, ba mẹ cũng cần trao đi những lời khen ngợi khi con làm tốt. Ai cũng thích được khen và trẻ con cũng vậy. Khen ngợi đúng cách sẽ giúp nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ.

Bạn nên dành lời khen về cách mà bé thực hiện hơn là chỉ khen về thành quả. Lời khen càng chi tiết, càng chân thực càng tốt. Lời khen không nên chung chung, sáo rỗng như: “Con giỏi quá”, “Con là nhất”.

Ví dụ, nếu bé tô được một bức tranh đẹp, bạn hãy khen rằng bé đã chọn những màu sắc rất hài hòa, bé đã chăm chỉ và cố gắng không bỏ cuộc để hoàn thành bức tranh.

9. Cha mẹ là tấm gương về sự tự tin 

cha mẹ là tấm gương

Có câu: “Bạn không thể trao đi thứ mà bạn không có”. Song song với việc rèn luyện sự tự tin cho trẻ, ba mẹ cũng nên làm mẫu để trẻ noi theo. Con cái là tấm gương phản chiếu của ba mẹ.

Bạn muốn dạy trẻ chăm chút ngoại hình? Ba mẹ cũng nên chỉn chu trong ăn mặc. Bạn muốn trẻ dạn dĩ, hào hứng thử sức với những điều mới lạ? Ba mẹ phải là người tiên phong. Bạn muốn rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp cho trẻ? Ba mẹ cũng cần thể hiện mình là người có chính kiến, có quan điểm, tin tưởng vào bản thân và sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ.

10. Kiên nhẫn khi rèn luyện sự tự tin

kiên nhẫn rèn luyện sự tự tin

Tự tin là đức tính có được sau quá trình rèn luyện, dưới sự tác động của nhiều yếu tố. Rèn luyện sự tự tin cho con cần có thời gian, sự kiên trì và cả tính nhất quán. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, sở hữu tính cách và những ưu điểm khác nhau.

Nếu trẻ có tính cách nhút nhát, ba mẹ nên kiên nhẫn nhiều hơn. Trẻ có tính cách hướng nội thường trầm tính, ít xông xáo hơn trẻ hướng ngoại. Tuy nhiên, ít nói không có nghĩa là trẻ không tự tin.

Ba mẹ cần dành thời gian quan sát, trò chuyện, lắng nghe để hiểu rõ về tính cách của con. Từ đó, bạn có cách giúp con rèn luyện sự tự tin. Dù ba mẹ áp dụng phương pháp nào, điều quan trọng là ba mẹ cần tôn trọng bản thể và kiên nhẫn đồng hành cùng con.

“Khi bạn tự tin, bạn có thể có rất nhiều niềm vui. Và khi bạn vui vẻ, bạn có thể làm những điều tuyệt vời” – Joe Namath. Sự tự tin mang đến nhiều cơ hội, mở ra nhiều cánh cửa đến thành công. Người tự tin thường suy nghĩ lạc quan, tin tưởng vào bản thân, mạnh mẽ trước những khó khăn, thử thách. Vì thể, ba mẹ hãy rèn luyện sự tự tin cho trẻ từ nhỏ để con thành công hơn trong tương lai nhé!

Nguồn tham khảo

1. 12 Tips for Raising Confident Kids – Ngày cập nhật: 23-07-2023

2. 25 Things You Can Do Right Now To Build a Child’s Confidence – Ngày cập nhật: 23-07-2023

location map