Trẻ em Nhật Bản, dù ở độ tuổi nào cũng có phong cách rất khác biệt. Trên thực tế, hiếm khi thấy một đứa bé ở đất nước này khóc ở nơi công cộng. Điều gì đã khiến trẻ em ở xứ Phù Tang trở nên đặc biệt như vậy? Tất cả là do cách dạy con của người Nhật rất đáng ngưỡng mộ.
1. Người mẹ có vai trò quan trọng nhất trong việc dạy con
Xã hội Nhật đề cao vai trò đặc biệt của người mẹ trong việc dạy dỗ con cái thành tài. Bởi vì trong những năm đầu đời, trẻ dành phần lớn thời gian gắn bó với mẹ chứ không phải với bố hay ông bà. Các ông bố ở Nhật thường làm việc 6 ngày một tuần và rất hiếm khi gặp con.
Ở đất nước này, việc thuê bảo mẫu là điều bất thường vì các bà mẹ không tin tưởng người lạ. Trẻ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chăm sóc và nuôi dạy của người mẹ. Vì thế, mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ và góp phần hình thành nhân cách trẻ.
Người mẹ dạy con bằng cách quan tâm đến bé nhiều nhất có thể. Họ đặc biệt dành nhiều thời gian cho con cái và được chính phủ trợ cấp cho việc đó. Không như các nước phương Tây, trẻ em Nhật được ngủ chung với ba mẹ để thiết lập mối liên hệ tình cảm và cho bé thấy sự ấm áp.
2. Cách dạy con của người Nhật: Mọi đứa trẻ là bình đẳng
Nền văn hóa Nhật Bản luôn chú trọng sự bình đẳng. Trẻ em ngay từ nhỏ đã được dạy về nguyên tắc này. Không có gì lạ khi những đứa bé xuất thân hoàng gia hoặc từ những gia đình quyền quý cũng tham gia các hoạt động lao động hoặc tự phục vụ mình giống như những đứa bé khác.
Bằng cách này, bé học được cách sống cùng nhau trong một xã hội bình đẳng, không phân biệt cao thấp – giàu nghèo – sang hèn.
>>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
3. Khuyến khích sự tự lập ngay từ bé
Cách dạy con tự lập của người Nhật là như thế nào để cả thế giới phải ngưỡng mộ? Một trong số những bài học mà các bà mẹ trên thế giới phải học mẹ Nhật là dạy con về sự tự lập ngay từ khi còn nhỏ.
Trong mọi hoàn cảnh, trẻ em của đất nước này luôn được khuyến khích tự lập. Các bé tự đến trường mà không cần người đi kèm, ngay cả khi còn nhỏ cũng phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Cha mẹ Nhật cũng khuyến khích con tự làm những việc cơ bản để chăm sóc bản thân (vệ sinh cá nhân, lấy thức ăn, cất bát, mặc quần áo, bảo quản đồ dùng…). Họ coi đây là một phần quan trọng trong học kỹ năng sống mà các bé phải được trang bị ngay từ khi nhỏ tuổi.
4. Cách dạy con của người Nhật: Chú trọng rèn tính kiềm chế
Một yếu tố quan trọng trong văn hóa nuôi dạy con cái của người Nhật là đề cao sự kiềm chế. Chính điều này đã giúp trẻ em đất nước mặt trời mọc trở thành tấm gương về sự ngoan ngoãn và biết vâng lời.
Ngay từ khi con còn rất bé, cha mẹ Nhật đã luôn khuyến khích con duy trì không khí hòa thuận trong gia đình và ngoài xã hội. Điều này có nghĩa là các bé được dạy cách thích nghi với môi trường xung quanh, không được thể hiện sự tức giận.
Với phương pháp đặc biệt này, chúng ta ít khi bắt gặp trẻ em xứ sở hoa anh đào quấy khóc, mè nheo, nói chuyện ồn ào (ngay cả khi đó là khu mua sắm, bảo tàng, đường dành cho người đi bộ…). Ngược lại, đó là những cô bé cậu bé ngoan ngoãn, bình tĩnh và tự chủ.
>>> Tìm hiểu thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 4 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng
5. Tuyệt đối không trừng phạt con nơi công cộng
Đây là cách dạy con ương bướng của Người nhật vô cùng hiệu quả mà nhiều người nên học hỏi.
Tiểu thuyết gia người Mỹ Kate Lewis cho biết bà từng sống và làm việc ở Nhật Bản nhiều năm. Điều đặc biệt bà nhận ra là chưa bao giờ thấy cha mẹ nơi đây tức giận hay la mắng con cái ở nơi công cộng hoặc trước mặt người khác.
Thực tế thì đây vốn là nghệ thuật kỷ luật hay còn được gọi là shitsuke của xứ sở hoa anh đào (điều này chính là nền tảng trong quy trình 5S, mô hình quản trị tinh gọn được áp dụng trong các doanh nghiệp để nâng cao hiệu suất công việc).
Nếu bé mắc lỗi hoặc cư xử không đúng mực nơi công cộng, cha mẹ sẽ nói chuyện riêng với con hoặc thực hiện một số hình thức kỷ luật. Cách dạy con của người Nhật như thế này giúp bé giữ được lòng tự trọng, không làm cho con thấy xấu hổ.
Phương pháp này cũng tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh đồng thời dạy bé biết cần phải tôn trọng người khác và không được gây ồn ào nơi công cộng.
6. Chỉ xử phạt hành vi
Khi con mắc lỗi, nhiều người có xu hướng “giận cá”, nối từ lỗi này sang lỗi khác, từ chuyện hôm nay đến chuyện xa xưa. Điều này tạo ra cảm giác “tội chồng chất”, sai lầm ngày càng nặng, khiến cha mẹ tức giận và trừng phạt con bằng nhiều hình thức nghiêm khắc.
Cha mẹ Nhật không như vậy. Họ chỉ chú trọng vào việc xử phạt lỗi lầm của con theo đúng lỗi mà con mắc phải. Ví dụ như khi bé làm đổ thức ăn, làm bẩn sàn nhà, con sẽ được yêu cầu tự dọn dẹp để ghi nhớ lỗi lầm của mình và tránh lặp lại.
Phương pháp giáo dục này giúp bé nhận thức được sai lầm của hiện tại, không phải chịu đựng cảm giác “bị bắt nạt” trong chính gia đình của mình và rút ra được nhiều bài học cho bản thân về sự kỷ luật.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
7. Kỷ luật đi kèm với phần thưởng
Các ông bố, bà mẹ của đất nước mặt trời mọc thường xuyên khuyến khích và khen ngợi hành động của con khi bé biết nhận ra lỗi lầm và sửa chữa.
Nhiều gia đình tin rằng cơ chế khen thưởng – trừng phạt sẽ giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc cố gắng thay đổi bản thân. Khi có những biểu hiện thay đổi tích cực, con sẽ được cha mẹ và người lớn ghi nhận, đánh giá cao.
Với cách dạy này, con sẽ có ý thức tự giác và điều chỉnh hành vi tốt hơn mà không cần cha mẹ phải suốt ngày nhắc nhở hoặc la mắng.
8. Cách dạy con của người Nhật: Tôn trọng cảm xúc của con
Cha mẹ Nhật Bản không chỉ nổi tiếng là những người nghiêm khắc mà họ còn luôn tôn trọng con cái và người khác trong mọi hoàn cảnh. Nhận thức này khiến người lớn luôn hạn chế lời nói và hành vi gay gắt làm tổn thương con trẻ.
Dù bé có mắc lỗi như thế nào, dù có giận dữ đến đâu thì họ vẫn luôn đặt cảm xúc của con lên hàng đầu. Cụ thể, cha mẹ sẽ ngồi lại với con cái, thẳng thắn chỉ ra những điều con làm chưa đúng, sau đó làm gương hoặc hướng dẫn con sửa chữa lỗi lầm.
9. Không dỗ dành trẻ
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam thường chủ động an ủi, xoa dịu khi thấy con quấy khóc. Tuy nhiên, người Nhật thường không làm điều này. Khi bé nổi cơn tam bành, la hét, khóc lóc ầm ĩ, họ cũng không quan tâm, thậm chí bỏ đi và để bé khóc một mình.
Phương pháp này khiến trẻ nhận ra rằng việc bắt nạt với người lớn không có hiệu quả nên sẽ không tái phạm.
>>> Tìm hiểu thêm: Mách mẹ 12 cách dạy trẻ bướng bỉnh nhàn tênh
10. Dạy con tính kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ
Các gia đình Nhật Bản quan niệm rằng, ngay từ khi còn nhỏ, cần phải đề cao tính kỷ luật ở con cái để sau này khi lớn lên, bé vẫn có thể cư xử đúng mực.
Ngay từ những năm đầu đời, họ đã thiết lập các quy tắc ứng xử nhằm giúp bé điều chỉnh hành vi, hình thành thói quen tốt. Dần dần, người lớn không cần nhắc nhở mà con vẫn có thể duy trì được những đức tính tốt theo khả năng của bản thân.
Kỷ luật có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của bé và quan điểm của cha mẹ. Dù thế nào đi nữa, cha mẹ Nhật vẫn giúp con suy nghĩ và điều chỉnh hành vi của bản thân một cách đúng chuẩn mực.
11. Cách dạy con của người Nhật: Dạy con bằng cách nêu gương
Trẻ em thường làm theo những gì chúng ta làm mà không phải là theo những gì người lớn nói. Đấy là lý do người Nhật luôn đề cao phương pháp dạy con theo cách làm gương.
Nếu họ muốn lớn lên con cái trở thành người như thế nào, cha mẹ Nhật sẽ làm gương như vậy. Có thể khẳng định đây là một trong những cách dạy con hiệu quả nhất, vì bé không cảm thấy như đang bị bắt buộc phải làm những việc mà người lớn không thể làm.
Chẳng hạn như phần lớn các bậc cha mẹ thường cảm thấy khó khăn khi phải xin lỗi con, nhưng họ lại muốn con mình có thể làm được việc này. Song, cha mẹ Nhật thì không như vậy. Họ sẽ nhanh chóng nói lời xin lỗi con, sửa chữa hành vi của mình và chỉ cho con biết nên làm thế nào khi mắc lỗi.
Người lớn xứ Phù Tang cũng là một tấm gương cho sự khiêm tốn, can đảm và nhã nhặn. Trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình hoặc xã hội, họ luôn đúng mực để con cái noi theo.
12. Gia đình là trên hết
Các gia đình Nhật Bản thực hiện một số quy tắc khá nghiêm túc trong việc dạy con. Trong đó, họ dạy bé luôn phải biết coi trọng gia đình. Chính việc xây dựng nền tảng gia đình vững chắc là chìa khóa để nuôi dạy những đứa trẻ tự tin và có kỷ luật.
Đối với người dân ở đất nước này, ngôi nhà phải là một nơi an toàn. Nơi đây mọi thành viên trong gia đình đều cảm thấy ấm áp, được tận hưởng cảm giác thân thuộc.
>>> Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về phương pháp Montessori cho bé 0 – 6 tuổi
13. Không cho con xem tivi
Cha mẹ Nhật có câu tục ngữ: “Tắt tivi, bật ý tưởng”. Họ luôn ý thức rằng việc xem tivi tốn nhiều thời gian và có thể khiến con trở nên nghiện. Đồng thời, nếu trẻ xem tivi quá sớm và quá nhiều sẽ khiến cấu trúc của não bộ bị phá vỡ.
Vì vậy, tắt tivi không chỉ là phương pháp kỷ luật trẻ mà còn được coi là nguyên tắc cần áp dụng hàng ngày. Để thay đổi sự chú ý của con, họ thường tổ chức các trò chơi ngoài trời lành mạnh và bổ ích.
14. Cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh: biết cách bảo vệ bản thân
Bạn sẽ dạy con như thế nào trước hoàn cảnh con bị bạn đánh? Đối với người Nhật, họ cho rằng trẻ không thể kiểm soát được tình huống. Có thể người bạn hoặc nhóm bạn sẽ rất hung hăng, thô bạo và gây hại cho con. Do vậy, họ dạy con nên tìm nơi an toàn để thoát nạn.
Nơi an toàn mà bé nên tìm đến trước các tình huống bị bắt nạt là chỗ đông người như phòng y tế, phòng giáo viên, phòng bảo vệ…
Một số người cho rằng đây là hành vi trốn chạy hèn nhát. Cha mẹ Nhật lại không quan niệm như vậy. Người đất nước này cũng nói không với việc đánh lại bạn. Họ luôn muốn con ghi nhớ rằng sự an toàn cho bản thân cần phải được ưu tiên lên hàng đầu.
15. Nhấn mạnh vào sự hòa hợp xã hội
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được khuyến khích để trở thành một phần của xã hội. Các bé được dạy cách chung sống hòa bình trong cộng đồng và phải đảm bảo được sự hòa hợp xã hội.
Cha mẹ giúp con học cách xử lý những cảm xúc tiêu cực và giải quyết các vấn đề của chúng theo cách không phá vỡ hòa bình xã hội. Thay vì thô lỗ hay thành thật một cách tàn nhẫn với người khác, trẻ em Nhật Bản lại cư xử lịch sự và tử tế vì hòa bình.
Phong cách nuôi dạy con cái này giúp trẻ phát triển sự đồng cảm và quan tâm đến cảm xúc của người khác.
Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới không chỉ vì đây là một trong những quốc gia giàu có và phát triển. Đất nước này còn được cả thế giới ngưỡng mộ bởi những phương pháp giáo dục đặc biệt. 15 cách dạy con của người Nhật mà ILA vừa nêu lên quả thực là những kinh nghiệm đáng học hỏi.
>>> Tìm hiểu thêm: 11 cách dạy trẻ chậm nói, mẹ nhàn tênh con líu lo