Thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình khiến trẻ em sống thụ động và không biết ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Vậy nên, ba mẹ cần trang bị cho con điều này ngay từ khi còn nhỏ. Cùng ILA khám phá cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân để giữ an toàn tốt nhất.
Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là gì?
Kỹ năng tự bảo vệ bản thân là mức độ hiểu biết, khả năng ứng biến và hành động phù hợp của một người nào đó trước sự việc, tình huống, đối tượng xung quanh mình. Đây là một kỹ năng rất quan trọng của cuộc sống, trẻ em nên được dạy khi từ còn nhỏ.
Nếu ba mẹ không biết nên dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân gì thì dưới dây là danh sách những kỹ năng cơ bản cần dạy cho các bé lứa tuổi mầm non:
• Kỹ năng đối phó với người lạ
• Kỹ năng ở nhà một mình
• Kỹ năng chơi an toàn
• Kỹ năng phòng tránh đuối nước
• Kỹ năng phòng tránh bị xâm lại
• Kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị lạc
• Kỹ năng thoát thân khi gặp cháy nổ
• Kỹ năng tham gia giao thông an toàn
• Kỹ năng ứng biến khi gặp nguy hiểm
>>> Tìm hiểu thêm: 10 bí kíp dạy bé học màu sắc nhanh và hiệu quả
Vì sao phải dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân?
Kỹ năng tự bảo vệ bản thân mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ. Khi con được trang bị các kỹ năng này sẽ giúp:
• Tránh xa các mối nguy hiểm
• Giữ an toàn cho bản thân trong mọi hoàn cảnh
• Sống chủ động, không phụ thuộc vào người khác
• Là hành trang quan trọng theo con suốt cuộc đời
• Lớn lên trở thành những người tự tin, năng động và thành công
Phương pháp dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Vì thế, ba mẹ hãy trang bị cho con khả năng tự bảo vệ mình trước các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong cuộc sống.
Để giáo dục trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, ba mẹ áp dụng theo các cách sau:
1. Dạy kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ từ sớm
Không bao giờ là quá sớm để dạy cho con về các kỹ năng an toàn cá nhân. Theo các chuyên gia, ngay từ khi bé được 2-3 tuổi, ba mẹ có thể bắt đầu dạy cho con về những kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Ba mẹ nên nhắc nhở và căn dặn con hàng ngày. Thường xuyên nhắc con ý thức tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị làm hại để con biết đề cao cảnh giác và tránh xa được các rủi ro.
>>> Tìm hiểu thêm: 9 cách dạy bé nhận biết các con vật
2. Dạy con không tin và nghe theo người lạ
Một trong những kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ mầm non là cảnh giác trước người lạ. Thực chất các bé còn nhỏ không thể nhận diện được đâu là người lạ tốt, đâu là người lạ xấu. Thế nên, ba mẹ cần dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ để tránh gặp nguy hiểm, đó là:
• Không nghe theo lời dụ dỗ hoặc đi theo người lạ, không ngồi lên xe của người lạ
• Tuyệt đối không được nhận bất cứ món đồ nào của người lạ, kể cả những đồ ăn mà bé thích
• Không để người lạ lại gần hoặc chạm vào người
• Không mở cửa cho người lạ nếu không được sự cho phép của ông bà, bố mẹ
3. Dạy bé thế nào là đụng chạm an toàn
Không riêng gì bé gái, ba mẹ cũng cần hướng dẫn bé trai về việc đụng chạm thế nào là an toàn, thế nào là không an toàn. Đụng chạm an toàn (ôm, an ủi, vuốt tóc) đem lại cảm giác dễ chịu. Đụng chạm không an toàn (đánh, đá, véo, quấy rối) khiến con cảm thấy tồi tệ, khó chịu hoặc sợ hãi.
Hãy động viên con tìm vào cảm nhận của bản thân. Để các bé biết rằng nếu con cảm thấy không thoải mái với bất kỳ hành động nào đó của người khác, thì con nên hỏi ý kiến của ông bà, bố mẹ.
Bởi vì rất nhiều trường hợp các bé bị lạm dụng tình dục bắt đầu từ những hành vi đụng chạm đó. Đặc biệt, phần lớn thủ phạm lại là những người thân/bạn bè của gia đình hoặc hàng xóm. Vậy nên, cần dạy con biết tự bảo vệ bản thân ngay cả với những người quen, chứ không chỉ đối với người lạ.
>>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
4. Dạy con về quyền riêng tư
Đến 4 tuổi, con nên được biết tên của tất cả các bộ phận trên cơ thể. Nhiều người cảm thấy ngại ngùng khi nói với con về cơ quan sinh dục, thế nhưng đây là điều quan trọng trong việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Để tránh bị xâm hại, con cần được biết quy tắc đồ lót (PANTS) để con biết nói không với các hành vi động chạm thân thể.
• P: Riêng tư là riêng tư: Nói với con rằng các bộ phận riêng tư cần phải được che kín. Không được để ai nhìn hoặc đụng chạm vào (trừ ba mẹ hoặc những người trực tiếp chăm sóc con, như bác sĩ và dưới sự đồng ý của ba mẹ).
• A: Cơ thể con là thuộc về con: Dạy các bé nói không với những việc làm khiến chúng cảm thấy không thoải mái.
• N: Không có nghĩa là không: Các bé có quyền nói không với bất kể việc gì hoặc bất kể ai làm bé thấy khó chịu.
• T: Nói về những bí mật khiến con cảm thấy khó chịu. Dạy con sự khác biệt giữa bí mật tốt và bí mật xấu, đồng thời nhấn mạnh rằng con nên chia sẻ những bí mật làm con cảm thấy khó chịu với ba mẹ.
• S: Hãy lên tiếng, ai đó có thể giúp. Thường xuyên trò chuyện để con biết cách tìm kiếm trợ giúp hoặc người có thể giúp đỡ con.
Ngoài ra, cũng cần dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay 4 vòng tròn để con biết những ai được phép ôm hôn thân mật, những ai chỉ được chào hỏi hoặc bắt tay xã giao.
5. Nhấn mạnh quyền sở hữu đối với cơ thể
Hãy nhấn mạnh quyền sở hữu của bé đối với chính cơ thể mình. Cơ thể là của con, không thuộc về ai khác, thậm chí không thuộc về ba mẹ. Điều này có nghĩa là bé có quyền nói không với bất kỳ người nào muốn chạm hoặc làm đau mình.
Ngay cả khi với một cái đụng chạm là vô tình hoặc đó là người thân thì bé cũng có quyền nói: “Đừng chạm vào con như thế” hoặc “Con không thích điều đó”…
Đây chính là chìa khóa chống lạm dụng hoặc ấu dâm, một trong những kỹ năng tự bảo vệ bản thân rất quan trọng đối với trẻ em.
6. Dạy con luôn đi cùng nhóm
Trẻ nhỏ đi một mình ở ngoài đường, công viên, vườn hoa… thường dễ gặp rủi ro hoặc bị bắt nạt/ làm hại. Do vậy, dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân cần nhấn mạnh cho con biết tầm quan trọng của việc đi theo nhóm.
Trẻ mẫu giáo thường đi với ông bà, bố mẹ, anh chị hoặc thầy cô. Thế nhưng, cũng có lúc con mải chơi tách khỏi người lớn mà không hiểu được mức độ nguy hiểm có thể gặp. Do vậy, con cần được biết rằng đi cùng với người lớn hoặc nhóm bạn sẽ hạn chế nguy cơ rủi ro.
Khi ở trường, nếu cần tới nhà ăn, sân chơi, phòng tắm, nhà vệ sinh, điểm đón xe bus… con nên đi cùng với thầy cô giáo, người bạn thân hoặc nhóm bạn. Tuyệt đối không đi một mình.
7. Dạy bé địa chỉ nhà và số điện thoại người thân
Bạn nên bắt đầu dạy con những thông tin này khi con tập đi. Thường xuyên hỏi con về địa chỉ nhà cũng như số điện thoại của ba mẹ để đảm bảo con nhớ. Bằng cách này, nếu có bị lạc, con cũng sẽ biết cung cấp thông tin để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nếu bé không nhớ được điều này, ba mẹ cũng có thể viết tên con cùng số điện thoại ba hoặc mẹ và gắn lên người con (vòng đeo tay, vòng cổ…).
Mặt khác, cũng cần dạy bé chỉ nói thông tin cá nhân khi cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Tuyệt đối không tiết lộ những điều này với người lạ/người xấu. Vì họ có thể đang có những ý đồ xấu.
8. Dạy con bằng phương pháp đóng vai
Với trẻ nhỏ, dạy con thông qua thực hành sẽ hiệu quả hơn là lý thuyết. Do vậy, nên áp dụng phương pháp đóng vai và biến nó thành trò chơi thú vị để gây ấn tượng sâu sắc, giúp con dễ nhớ.
Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân bằng cách này như thế nào? Bạn có thể đóng vai người xấu đang muốn tiếp cận khi bé chơi một mình trong công viên. Khi đó, dạy con:
• Bước 1: Kiên quyết nói KHÔNG khi người xấu bắt chuyện hoặc yêu cầu con làm một việc gì đó.
• Bước 2: Bỏ đi, dạy bé đi tới chỗ có người lớn/ chỗ đông người.
• Bước 3: Tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách nói với người đáng tin cậy về tình huống con đang gặp phải.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dạy con thông qua sách truyện, các câu chuyện trên Internet hoặc lồng ghép với chuyện xảy ra trong thực tế.
>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất
9. Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân: Cho bé thực hành các kỹ năng an toàn
Phải làm gì khi con gặp nguy hiểm nếu không có người lớn đi cùng? Hãy dạy con các kỹ năng tự vệ. Đây là những chiến thuật nhỏ để các bé thoát khỏi nguy hiểm khi không có sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
Một số hành động sau con nên làm:
• Cắn hoặc cào cấu, dẫm lên chân…. là những hành động nên dạy con để làm cho người xấu phân tâm, đồng thời tận dụng cơ hội để bỏ chạy.
• La hét hoặc làm ồn ào để gây sự chú ý của người khác, khiến kẻ xấu không có cơ hội làm hại bé.
10. Cho con tham gia lớp học tự vệ
Ba mẹ có thể cho con học một số môn võ để trang bị khả năng tự vệ và giúp bé tự tin hơn. Taekwondo, Judo, Jiu Jitsu, Karatedo… là những môn võ thuật phù hợp để dạy cho học sinh lứa tuổi mầm non.
Theo các chuyên gia, khi bé được 4 tuổi, ba mẹ nên cho con tham gia lớp học võ. Đây là cách giúp con rèn luyện thể chất, tăng sức bền, sự dẻo dai và phát triển các kỹ năng mềm khi đi ra ngoài xã hội.
Đặc biệt, khi được học võ, con không chỉ biết tự vệ mà còn biết cách phòng thủ hoặc đối phó trước các tình huống bị bắt nạt và thoát thân an toàn.
ILA vừa gửi tới ba mẹ phương pháp dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Đây là những điều rất quan trọng mà bất cứ phụ huynh nào cũng nên dạy con để an toàn mọi lúc, mọi nơi. Không phải lúc nào bạn cũng có thể ở cạnh con, vậy nên dạy bé những điều này là vô cùng quan trọng.
>>> Tìm hiểu thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ 4 tuổi: 10 kỹ năng quan trọng