Bất kỳ ai cũng mong muốn con cái ngoan ngoãn. Thế nhưng, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Có những đứa trẻ “hơi trái tính, trái nết” khiến ba mẹ nặng lòng. Vậy, phải làm thế nào? Dưới đây là 12 cách dạy trẻ bướng bỉnh, giúp mẹ nhàn, con nghe lời ngoan ngoãn.
Thế nào là một đứa trẻ bướng bỉnh?
Không phải ngẫu nhiên mà trên mạng xã hội các mẹ thường truyền tai nhau “các cách dạy trẻ bướng bỉnh”. Bởi vì những bé này rất có cá tính, người lớn cũng cần có các tuyệt chiêu đặc biệt mới khiến con nghe lời.
Một số bé thường quyết tâm làm điều gì đó bằng được, mặc cho người lớn không đồng ý. Và nhiều người gọi đó là bướng bỉnh. Song, không hẳn là như vậy.
Những bé cứng đầu hay bướng bỉnh có đặc điểm sau:
• Cố chấp làm theo ý mình cho dù biết đó là điều không nên, không đúng.
• Có nhu cầu được lắng nghe, được đáp ứng. Thường xuyên muốn được người lớn chú ý tới những đòi hỏi đó.
• Có xu hướng độc lập một cách cực đoan.
• Thường xuyên nổi giận, tỏ ra chống đối.
• Làm mọi thứ theo ý thích cho bằng được, không nghe góp ý của người khác.
• Từ chối thay đổi suy nghĩ, hành động dưới bất kỳ tác động bên ngoài nào.
Dạy một đứa trẻ bướng bỉnh nhìn chung khó hơn những bé ngoan ngoãn. Thế nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng bởi vì điều này khá thú vị. Hơn nữa, những em bé bướng bỉnh lớn lên thường độc lập và rất cá tính, có thể trở thành lãnh đạo xuất chúng.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Các cách dạy trẻ bướng bỉnh
Sự bướng bỉnh có thể là do di truyền và cũng có thể là do bắt chước. Nếu bạn đang có một đứa con cứng đầu, hãy tham khảo các tuyệt chiêu dưới đây nhé. Chắc chắn rằng những phương án này sẽ khiến bé ngoan ngoãn và nghe lời trong vui vẻ đấy!
1. Cố gắng lắng nghe con, đừng tranh cãi
Những đứa trẻ ương bướng luôn sẵn sàng đối mặt trực tiếp với các cuộc tranh cãi, vì thế đừng cho con có cơ hội ấy. Thay vào đó, hãy lắng nghe điều con nói và biến nó thành một cuộc trò chuyện cởi mở.
Một khi bạn thể hiện rằng mình sẵn sàng lắng nghe con sẽ khiến bé cũng làm như vậy với ba mẹ. Trong phần lớn các trường hợp, một cuộc trò chuyện nghiêm túc giữa ba mẹ và con cái có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề hơn là cãi vã.
Trò chuyện nhẹ nhàng giúp bạn hiểu được điều mà con nghĩ và muốn là gì; nguyên nhân nào khiến bé trở nên khó bảo… Thông qua giao tiếp, ba mẹ mới có cơ hội giảng giải đúng sai cho con hiểu.
2. Cách dạy trẻ bướng bỉnh hay: Đừng ép buộc con, hãy kết nối
Một trong những cách dạy trẻ 5 tuổi bướng bỉnh hay là hãy kết nối với con thay vì ép buộc.
Bởi vì khi ép con làm một việc gì đó, các bé có xu hướng chống đối và muốn làm ngược lại. Nói chính xác hơn thì đây là hành vi phản kháng, một đặc điểm chung mà những đứa trẻ cứng đầu thường có. Đây là bản năng, vì vậy tốt hơn hết ba mẹ nên kết nối với con thay vì ép buộc.
Chẳng hạn, nếu bé cảm thấy khó chịu, cáu bẳn khi phải ăn hết bữa cơm của mình thì bạn đừng ép con ăn. Thay vào đó, hãy hỏi con tại sao không muốn ăn, đồng thời đưa ra phương án giải quyết thích hợp. Giải thích với con việc con bỏ bữa sẽ nhận hậu quả như thế nào (bị đói vì phải chờ tới bữa tiếp theo).
>>> Tìm hiểu thêm: Hiểu đúng về phương pháp Montessori cho bé 0 – 6 tuổi
3. Cho con các lựa chọn
Bắt buộc một cô bé cứng đầu phải làm những việc mà con không muốn chắc chắn sẽ xảy ra phản kháng. Vì vậy, hãy cho con các phương án lựa chọn bạn nhé. Điều này cũng giúp bé hiểu rằng con là độc lập và có quyền quyết định cuộc sống của mình trong một phạm vi nào đó.
Tuy nhiên, hãy giới hạn các lựa chọn (nên đưa ra 2 hoặc 3 lựa chọn) và quan trọng hơn đó phải là những phương án đúng đắn.
Chẳng hạn, nếu bên ngoài trời đang lạnh nhưng bé không muốn mặc áo khoác khi đi ra ngoài. Bạn có thể đưa cho con 2 lựa chọn:
• Con muốn mặc áo len màu hồng hay màu cam?
Bé sẽ phải lựa chọn 1 trong 2 áo trong vui vẻ và mẹ cũng đạt được mục đích là con không bị lạnh khi đi ra ngoài.
4. Luôn giữ bình tĩnh, chậm lại một chút
Đôi khi bé không thực sự cứng đầu hoặc bướng bỉnh, có thể con chưa biết làm những gì mà người lớn yêu cầu. Vì vậy, hãy chậm lại một chút, hít thở thật sâu, đặt câu hỏi và lắng nghe những gì con nói. Đây có thể là cách dạy trẻ bướng bỉnh và là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.
Đặc biệt, trong trường hợp bé mất bình tĩnh, bạn phải giữ kiên nhẫn với một cái đầu lạnh. Việc người lớn nóng giận, không kiểm soát được tâm trạng chỉ khiến cho các bé bướng bỉnh càng có xu hướng phản kháng.
Tốt hơn hết, giữ bình tĩnh hỏi han và giải thích cho bé những gì con đang làm là đúng hay sai. Đừng quá gay gắt khi con không biết nghe lời mà hãy từ từ phân tích cho con hiểu.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách xây dựng lộ trình học tiếng Anh cho bé từ mầm non tới tiểu học
5. Cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh: Thiết lập một số quy tắc
Mặc dù bạn muốn để con có sự lựa chọn, thế nhưng cũng phải đặt ra một số quy tắc để bé biết đâu là giới hạn được và không được làm.
Hãy thiết lập một số thói quen cố định trong gia đình, ví dụ như khung giờ con phải ngồi vào bàn học, giờ thức dậy đến lớp, giờ xem tivi, giờ chơi, giờ lên giường đi ngủ… Những đứa trẻ bướng bỉnh sẽ phải tự mình học cách đi vào nề nếp và bớt mè nheo hơn.
Khi bé lớn hơn, ba mẹ có thể cho con tham gia vào các cuộc thảo luận để xây dựng bộ quy tắc. Hãy trao cho con một số quyền lựa chọn và quyết định đối với cuộc sống của mình và nhắc bé chịu trách nhiệm với điều đó ba mẹ nhé!
6. Cố gắng đặt mình vào vị trí của con và tôn trọng trẻ
Là cha mẹ, thi thoảng bạn nên đặt mình vào vị trí của con để hiểu lý do tại sao bé lại hành xử như vậy. Một đứa trẻ bướng bỉnh thường khó chấp nhận bị ép buộc, thế nên tốt hơn hết là hiểu và tôn trọng con bằng cách:
• Nên tìm kiếm sự hợp tác, đừng khăng khăng bắt con tuân theo chỉ định.
• Cố gắng đồng cảm với con, không nên coi thường cảm xúc của bé.
• Đưa ra các quy tắc và áp dụng nhất quán.
• Để bé làm những gì trong phạm vi cho phép, không nên quá khắt khe với con.
• Luôn giữ lời hứa với con, cho con biết mình được tôn trọng.
• Làm gương để bé quan sát và thực hiện.
>>> Tìm hiểu thêm: Cha mẹ dạy bảng màu tiếng Anh cho bé nên bắt đầu từ đâu?
7. Cách dạy trẻ bướng bỉnh nên thực hiện: Đàm phán
Những đứa trẻ bướng bỉnh thường khó chấp nhận việc bị từ chối thẳng thừng khi con yêu cầu điều gì đó. Vì vậy, hãy cố gắng thương lượng với con thay vì nói “không”.
Ví dụ, nếu bé nói con muốn đi công viên sau giờ ăn cơm tối; thay vì từ chối yêu cầu, nói “không”, bạn có thể nói:
• Mẹ sẽ suy nghĩ về yêu cầu của con
Hoặc: Trời tối rồi, mẹ nghĩ là chúng mình nên đọc sách và đi ngủ sẽ tốt hơn.
Bằng cách này, bé sẽ hiểu được vì sao mong muốn của con không được đáp ứng. Do vậy, bé sẽ dễ dàng chấp nhận hơn mà không khóc lóc, mè nheo.
Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ rằng đàm phán với con, nhưng không được nhượng bộ. Hãy cho bé hiểu rằng con được lắng nghe, được tôn trọng, thế nhưng với những yêu cầu “quá quắt” thì tuyệt đối không được đáp ứng.
8. Đặt thời gian chờ
Nếu bé đang vui hoặc đang mải mê với một bộ phim hoạt hình hấp dẫn, có lẽ bé cần thời gian chờ để chuyển tiếp sang hoạt động khác. Hãy cho con thêm một chút thời gian:
• Con yêu, con còn 5 phút để tắt tivi đi ngủ đấy nhé!
Với phương pháp này, bé sẽ dễ dàng chấp nhận yêu cầu và nghe theo lời người lớn hơn. Bạn cũng có thể sử dụng đồng hồ cảnh báo để dạy bé biết tuân theo quy tắc.
>>> Tìm hiểu thêm: 9 cách dạy bé nhận biết các con vật
9. Phớt lờ những yêu cầu quá đáng, vô lý của con
Đâu là cách dạy trẻ bướng bỉnh nên làm? Ba mẹ cần nhớ rằng những đứa trẻ cứng đầu luôn có xu hướng vòi vĩnh cho bằng được điều mà con muốn. Nếu bạn đáp ứng cho con một lần, lần sau chắc chắn bé lại muốn nhiều hơn nữa. Nếu không được, các bé sẽ dỗi hờn, quấy khóc.
Đối với những yêu cầu vô lý, ba mẹ cần kiên quyết từ chối. Khi việc giảng giải, phân tích với con không hiệu quả, nên áp dụng chiêu phớt lờ. Dần dần con sẽ học được cách chấp nhận và từ bỏ thói quen vòi vĩnh vô lý của mình. Con sẽ hiểu được rằng không phải bất cứ yêu cầu nào của mình cũng được ba mẹ chiều theo.
10. Không tranh cãi trước mặt con
Hãy để gia đình là nơi yên bình, nơi con cảm thấy thoải mái, an toàn và vui vẻ. Người lớn cần đối xử tôn trọng, lịch sự với nhau và không có các hành vi xích mích, cãi cọ.
Trẻ em học hỏi từ việc quan sát. Các bé thường có xu hướng bắt chước những gì nhìn thấy. Do vậy, người lớn tuyệt đối không được tranh cãi hoặc xung đột với nhau trước mặt con.
Mặt khác, tránh lăng mạ, xúc phạm con ba mẹ nhé. Tuyệt đối đừng bao giờ nói với trẻ rằng con là một đứa bướng bỉnh, khó dạy. Bởi vì bướng không phải là nhân cánh của trẻ, đó đơn giản chỉ là đặc điểm về tính cách và có thể sửa chữa được nếu ba mẹ biết cách dạy dỗ.
11. Khuyến khích, khen ngợi những việc làm tích cực
Cách dạy trẻ 4 tuổi bướng bỉnh là như thế nào? Các chuyên gia khuyên rằng dạy một đứa trẻ cứng đầu cần làm gương và luôn phải thể hiện thái độ tích cực.
Điều đó có nghĩa là hãy nhìn sự bướng bỉnh của con bằng con mắt tích cực thay vì tiêu cực. Bởi thực tế một đứa bé ngang bướng thường có cá tính và chính kiến riêng, nhưng đôi khi con chưa phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai nên khiến mọi người nghĩ rằng con là trẻ hư.
Do vậy, tốt hơn hết muốn con trở nên ngoan và biết nghe lời hơn thì nên thường xuyên động viên, khen ngợi con. Khi bé biết nghe lời hoặc làm được việc gì tốt (cho dù đó là nhỏ nhặt), ba mẹ cũng nên khen con.
>>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
12. Nhất quán là quan trọng trong cách dạy trẻ bướng bỉnh
Để một đứa trẻ cứng đầu biết nghe lời, người lớn trong nhà cần nhất quán một cách dạy. Tránh trường hợp ông bà chiều cháu, đáp ứng các yêu cầu vô lý, khiến cho bé ngày càng bướng bỉnh và khó dạy bảo hơn.
Khi người lớn đồng nhất quan điểm, nghiêm túc và không bênh vực trẻ một cách vô lối, sẽ khiến những cô bé/cậu bé cứng đầu trở nên ngoan ngoãn hơn.
Mẹo đối phó với một số tình huống trẻ bướng bỉnh
Cách dạy trẻ bướng bỉnh là không khó nhưng cần sự khéo léo và bình tĩnh. Dưới đây ILO gợi ý tới ba mẹ một vài tuyệt chiêu đối phó với cô bé/cậu bé cứng đầu trong 3 trường hợp cụ thể:
1. Cách để trẻ bướng bỉnh ăn ngoan
Một số trẻ biếng ăn hoặc có xu hướng kén chọn thức ăn. Bé có thể hào hứng ăn món con thích, ngược lại chống đối khi phải ăn những món bé không thích (như rau, cá…). Hãy làm một số cách sau để đứa trẻ bướng bỉnh nhà bạn chịu ăn ngoan nhé:
• Trình bày bữa ăn sao cho thật sinh động, bắt mắt.
• Kể cho con nghe những câu chuyện liên quan tới đồ ăn hoặc tác dụng của thức ăn (ăn cá thông minh, ăn rau cao lớn, ăn hoa quả đẹp da…).
• Khuyến khích con thử đồ ăn. Cho con một vài lựa chọn hoặc cho bé ăn 2/3 bữa ăn thay vì phải ăn hết.
• Thưởng cho con nếu bé ăn uống ngoan ngoãn.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 bí kíp dạy bé học màu sắc nhanh và hiệu quả
2. Cách để trẻ bướng bỉnh đi ngủ đúng giờ
Bạn sẽ làm gì nếu đã đến giờ đi ngủ mà bé vẫn đòi nghe truyện và không chịu ngủ? Nếu bắt con lên giường ngủ ngay lập tức, những đứa trẻ bướng bỉnh sẽ có xu hướng khóc lóc. Vậy thì bạn nên:
• Giải thích cho bé hiểu vì sao phải đi ngủ đúng giờ.
• Đưa ra cho con một số lựa chọn, chẳng hạn như nếu con muốn mẹ tiếp tục đọc truyện khi đã đến giờ đi ngủ thì ngày mai (thậm chí cả mấy ngày sau), con sẽ không được mẹ đọc cho nghe nữa.
3. Cách dạy trẻ bướng bỉnh ngồi bô
Việc dạy một đứa trẻ 2 – 3 tuổi bướng bỉnh ngồi bô là điều khá khó khăn. Bạn tham khảo một số tuyệt chiêu sau nhé:
• Mua cho bé những chiếc bô ngộ nghĩnh hoặc hình con vật mà con yêu thích.
• Nói với con việc vì sao phải đi vệ sinh vào bô, việc nhịn đi vệ sinh sẽ gây hại như thế nào.
• Tập cho con làm quen từ từ, đừng nôn nóng ép buộc.
Trên đây là 12 cách dạy trẻ bướng bỉnh giúp mẹ nhàn tênh, con ngoan ngoãn nghe lời. Ba mẹ áp dụng đối với cô bé/cậu bé cứng đầu nhà mình để con luôn tâm phục, khẩu phục nhé!
>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất