Một đứa con “ngoan ngoãn” thì dễ dạy, nhưng nếu ba mẹ không rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ thì con sẽ khó trở thành một người bản lĩnh trong tương lai. Vì thế, ba mẹ hãy giúp con rèn luyện kỹ năng quan trọng này càng sớm càng tốt nhé!
Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện là sự phân tích, đánh giá thông tin theo góc nhìn khách quan, đa chiều. Mục đích của hành động này là để khẳng định tính chính xác của thông tin tiếp nhận. Sau khi nhìn nhận rõ vấn đề, bạn có thể phản biện bằng các bằng chứng, luận điểm logic của mình. Nói cách khác, đây là quá trình tiếp nhận thông tin chủ động và có sự sàng lọc.
Trong quá trình dạy trẻ hình thành tư duy phản biện, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau:
• Tư duy phản biện không phải đi tìm lỗi sai: Nhiều người cho rằng, phản biện là đi tìm lỗi sai của người khác. Đây là cách nghĩ chưa chính xác. Nếu chăm chăm tìm chỗ sai, bạn dễ gặp tình trạng “vạch lá tìm sâu”, soi mói, tủn mủn. Bản chất của tư duy phản biện là sự cầu thị, ham học hỏi, muốn phân tích sự việc đa chiều. Vấn đề nào cũng có nhiều mặt. Khi bạn tôn trọng góc nhìn của người khác, ý kiến của bạn cũng sẽ được tôn trọng.
• Tránh để cảm xúc cá nhân khi phản biện: Tư duy phản biện dựa trên kiến thức, bằng chứng xác thực, lập luận logic. Bạn nên hướng dẫn con hạn chế đưa cảm xúc cá nhân khi tranh luận. Nếu không được kiểm soát, sự phản biện của bé có thể đi quá giới hạn.
Tầm quan trọng của tư duy phản biện cho trẻ
Tư duy phản biện là kỹ năng cần thiết với mọi người, kể cả trẻ nhỏ. Nhiều người quan niệm trẻ em không biết gì nên phải luôn nghe lời người lớn. Nếu trẻ lý luận với người lớn, con sẽ bị coi là hỗn. Quan niệm này có phần cứng nhắc. Khi phản ứng với đầy đủ diễn giải, lập luận, con đang thực hành tư duy phản biện.
Vậy vai trò của tư duy phản biện là gì? Dưới đây là một số ích lợi khi ba mẹ rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ.
1. Rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ sàng lọc thông tin
Ngày nay, các em bé có cơ hội tiếp xúc thông tin với đa dạng hình thức. Con được học tập, tham gia ngoại khóa, tiếp xúc internet thường xuyên. Ba mẹ khó có thể kiểm soát hết những gì con tiếp nhận.
Tư duy phản biện giúp con biết kiểm chứng lại thông tin. Từ đó, con sẽ đánh giá tính chính xác và mức độ tin tưởng của những gì mình được nghe. Đây là cách để con sàng lọc thông tin, từ đó học cách giải quyết vấn đề một cách độc lập.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con mạnh mẽ và độc lập
2. Rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ mở rộng nhận thức
Tư duy phản biện cho trẻ cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh. Con không xem xét thông tin trong một hệ quy chiếu nhất định. Cách làm này rất tốt cho sự phát triển tư duy và nhận thức của con.
Bên cạnh đó, con phải chủ động mở rộng kiến thức để có nhiều góc nhìn. Con sẽ hình thành ham muốn tìm tòi, khám phá, học hỏi nhiều hơn. Khi có tinh thần ham học hỏi, con sẽ mở rộng nhận thức và phát triển tâm lý vượt bậc.
3. Rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ tự tin hơn
Tư duy phản biện giúp con khám phá và thể hiện khả năng của bản thân. Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh ở một lĩnh vực nào đó. Quá trình thực hành tư duy phản biện cho con cơ hội tìm ra điểm mạnh của mình. Đồng thời, con sẽ được thực hành và liên tục mài giũa khả năng.
Thông qua phản biện, con học được kỹ năng giải quyết vấn đề. Từ đó, con dần tự tin hơn, cảm thấy mình có thể làm được. Tự tin là một trong những đức tính cần thiết để đi đến thành công. Ba mẹ có thể giúp con rèn luyện sự tự tin bằng cách hình thành tư duy phản biện.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ nhỏ
Cách rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ
“Kỹ năng tư duy phản biện tốt cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ tốt hơn, giảm thiểu stress và cải thiện sự hài lòng trong cuộc sống.” (Nhà trị liệu tâm lý Amy Morin).
Ba mẹ dạy trẻ tư duy phản biện là việc làm cần thiết. Dưới đây là một số cách để giúp con hình thành và rèn luyện tư duy phản biện.
1. Chơi cùng con để rèn luyện tư duy phản biện
Trẻ con học kỹ năng và trưởng thành thông qua các hoạt động tương tác, trò chơi. Ba mẹ nên dành thời gian chất lượng để tham gia vào các trò chơi với con. Bạn có thể cùng bé đọc sách, chơi trò giải câu đố, chơi cờ hoặc các trò vận động ngoài trời.
Trong quá trình chơi, hãy thảo luận cùng con những vấn đề xung quanh trò chơi. Đó có thể là cách vượt qua một thế cờ khó, cách nhìn nhận, lật lại một thông tin trong sách. Bạn cũng có thể dùng các trò chơi tiếng Anh cho trẻ em, phim hoạt hình tiếng Anh để giúp con vừa học vừa chơi.
Các hoạt động chơi cùng con giúp kết nối tình cảm gia đình. Từ đó, con dễ mở lòng và chia sẻ với ba mẹ nhiều hơn.
2. Đặt câu hỏi mở để dạy trẻ tư duy phản biện
Câu hỏi mở là dạng câu hỏi không gói gọn trong đáp án “Có” hoặc “Không”. Bạn cần vận dụng suy nghĩ và cung cấp nhiều thông tin khi trả lời. Đây cũng là dạng câu hỏi có nhiều đáp án. Câu hỏi mở khuyến khích con chia sẻ quan điểm, cách nghĩ và niềm tin.
Ba mẹ đặt câu hỏi mở là một trong những cách rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ. Thay vì hỏi: “Hôm nay con đi học vui không?” bạn có thể hỏi mở: “Hôm nay ở tiết học nhạc của con có gì thú vị?” hoặc “Con thấy tiết học tiếng Anh hôm nay thế nào?”
Ngoài ra, ba mẹ cũng cần khuyến khích con tự đặt câu hỏi. Đây là kỹ năng cơ bản để rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ. Những câu hỏi giúp kích thích trí tò mò, buộc bé phải suy nghĩ, phân tích nhiều hơn.
3. Tập cho con tự đưa ra quyết định độc lập
Ba mẹ cho rằng trẻ nhỏ chưa biết gì nên thường quyết định thay con. Tuỳ theo độ tuổi, con có thể tự giải quyết một số vấn đề liên quan đến bản thân. Bạn hãy tạo điều kiện cho con tự lập với các cơ hội chọn lựa.
Con có thể chọn mặc gì khi đi ra ngoài. Con cũng có thể tự quyết định món ăn khi đi ăn ngoài. Đi kèm với chọn lựa đó, bạn hãy khéo léo hỏi trẻ về lý do. Ví dụ: “Vì sao con lại chọn bài hát tiếng Anh này?”, “Vì sao con thích cách học tiếng Anh này?”. Khi lý giải cho quyết định của mình, con đang thực hành tư duy phản biện.
4. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con
Lắng nghe là kỹ năng quan trọng trong giao tiếp. Ba mẹ nên dành thời gian trò chuyện, tìm hiểu tâm tư tình cảm của con. Khi con phát biểu ý kiến, ba mẹ cần để tâm và lắng nghe. Bạn tuyệt đối không nên phớt lờ lời nói của con trẻ.
Ngoài lắng nghe, bạn cũng nên tôn trọng các ý kiến mà con đưa ra. Điều này giúp con tự tin, dám thể hiện quan điểm, suy nghĩ. Dần dần, các ý kiến của con sẽ trở nên sắc bén, lập luận vững chắc hơn. Đây chính là nền tảng cho quá trình rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ.
Bên cạnh đó, kỹ năng lắng nghe cũng là tương tác hai chiều. Khi bạn có thái độ tôn trọng trẻ, thì ngược lại, con cũng sẽ biết lắng nghe người lớn.
5. Hướng dẫn con kỹ năng giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề thường áp dụng khi xử lý những sự việc xảy ra ngoài mong muốn. Lúc này, con phải vận dụng kiến thức, khả năng để tìm ra hướng giải quyết linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh.
Các vấn đề phát sinh thường không đi theo quy chuẩn được báo trước. Con phải tự mình phân tích và tìm ra cách xử lý. Trong quá trình đó, con sẽ học cách suy nghĩ, nhìn vấn đề từ nhiều phía. Con cũng học được cách chọn điều đúng và phản biện với cái chưa đúng.
Ví dụ trong trường hợp con bị bạn tranh giành đồ chơi. Lúc này, ba mẹ có thể giúp con đi tìm hiểu sự việc như: “Đồ chơi này là của ai?”, “Bạn chỉ mượn chơi một lúc hay lấy luôn?”, “Con sẽ thương lượng để được chơi chung hay không chơi món đồ đó nữa?”. Sau cùng, bé sẽ là người giải quyết việc món đồ chơi bị tranh giành đó.
6. Khuyến khích con có góc nhìn mới
Trẻ con luôn có những suy nghĩ, góc nhìn khác biệt với người lớn. Đôi lúc, trẻ không dám nói ra suy nghĩ của mình vì sợ sai. Ba mẹ cần đón nhận, cởi mở với những ý tưởng mới mẻ từ con.
Ba mẹ có thể hỏi bé những câu hỏi như: “Con có muốn học màu sắc theo cách khác không?”, “Con nghĩ là có còn cách nào để giải bài toán này nữa không?”, “Con có muốn học toán bằng tiếng Anh không?”
Việc khuyến khích, cổ vũ con sáng tạo, không đi theo lối mòn là cách để rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ. Bằng cách này, con sẽ có cái nhìn đa chiều trước mỗi sự việc.
7. Ba mẹ là tấm gương rèn luyện tư duy phản biện
Con cái có xu hướng bắt chước hành vi của ba mẹ. Bạn không thể dạy con tư duy phản biện nếu bạn không có kỹ năng này. Bạn có thể cùng con tìm hiểu, trao đổi về ý kiến có phần “sai” trong một thông tin nào đó.
Ngoài ra, khi truyền đạt thông tin, ba mẹ nên đưa ra nhiều hướng tiếp cận. Bạn hãy hỏi ý kiến con, đồng thời thể hiện cách nghĩ của bản thân. Bạn hãy cùng con sáng tạo, cùng con học hỏi, làm mới kiến thức mỗi ngày.
Khi rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ, ba mẹ cũng cần giảm bớt kỳ vọng con luôn “ngoan ngoãn”. Hãy dạy con tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm riêng một cách bản lĩnh nhé!