Sau niềm vui khi nhận được lời mời phỏng vấn tiếng Anh cho một vị trí hấp dẫn, bạn sẽ chuẩn bị gì? ILA bật mí ngay cho bạn cách chuẩn bị cho buổi phỏng vấn và gợi ý một số câu hỏi – trả lời để bạn tham khảo.
Trong thế giới hoàn toàn hội nhập như hiện nay, phỏng vấn tiếng Anh là việc thường thấy ở nhiều công ty, nhất là các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng bạn biết đó, bạn chỉ là một ứng viên nhỏ trong buổi tuyển chọn nhân tài nên tất nhiên sẽ không tránh khỏi cảm giác không là gì của chiếc đinh ốc nhỏ xíu bên trong con tàu khổng lồ. Vậy, làm thế nào để gây ấn tượng và tạo dấu ấn để nhà tuyển dụng lựa chọn bạn trong hàng ngàn hồ sơ ứng tuyển phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh?
Phỏng vấn tiếng Anh là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì phỏng vấn tiếng Anh là một buổi trò chuyện hoàn toàn bằng tiếng Anh giữa ứng viên và nhà tuyển dụng về chi tiết công việc, kinh nghiệm làm việc và trình độ của ứng viên, cũng như quan điểm và giá trị cá nhân của ứng viên…
Buổi phỏng vấn nhằm đưa ra đánh giá về khả năng giao tiếp tiếng Anh, đồng thời tìm hiểu về trình độ và khả năng ứng dụng tiếng Anh của ứng viên khi làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Phỏng vấn tiếng Anh thường diễn ra tại các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty có nhiều liên kết với nước ngoài hoặc đơn giản chỉ là vị trí công việc có liên quan nhiều đến tiếng Anh.
Các bước chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn tiếng Anh
Tương tự như các buổi phỏng vấn thông thường, sự chuẩn bị chưa bao giờ là thừa thãi. Do đó, thay vì loay hoay không biết phải chuẩn bị những gì và bắt đầu từ đâu, bạn hãy tham khảo ba bước chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn tiếng Anh được gợi ý ngay bên dưới nhé.
1. Dự đoán các câu hỏi và câu trả lời khi phỏng vấn tiếng Anh
Bên cạnh nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến công ty và vị trí công việc khi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh, bạn cũng cần chuẩn bị bộ các câu hỏi phỏng vấn tiếng Anh liên quan đến vị trí ứng tuyển và dành thời gian để tìm câu trả lời giả định cho các câu hỏi đó. Các câu hỏi có thể bao gồm:
• Can you introduce yourself? (Hãy giới thiệu về bản thân bạn)
• What are your strengths and weaknesses? (Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?)
• How do you improve your weaknesses? (Bạn đã cải thiện điểm yếu của bản thân như thế nào?)
Việc dự đoán này sẽ giúp bạn trả lời tốt hơn và ghi điểm trước nhà tuyển dụng, đồng thời cũng chứng minh rằng bạn là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí này. Lưu ý là các câu trả lời tránh rập khuôn, bài bản hoặc trả bài thuộc lòng, vì sẽ vô tình khiến bạn bị mất điểm.
Mặt khác, khi gặp khó khăn trong việc hiểu câu hỏi, hãy hỏi lại hoặc yêu cầu người phỏng vấn lặp lại câu hỏi. Việc này là hoàn toàn bình thường và rất hay xảy ra trong cuộc phỏng vấn tiếng Anh, vì đây vốn dĩ không phải là tiếng mẹ đẻ của bạn. Và nhằm tránh tình trạng dùng sai câu yêu cầu nhắc lại, khiến bạn trở thành người mất lịch sự và khiến nhà tuyển dụng có ấn tượng xấu, bạn cũng cần chuẩn bị thêm một số mẫu câu đưa ra yêu cầu lịch sự trong tiếng Anh nhé.
Ví dụ:
• Could you please repeat the question? (Xin bạn vui lòng lặp lại câu hỏi?)
• I’m sorry, could you clarify that question for me? (Xin lỗi, bạn có thể làm rõ câu hỏi cho tôi không?)
• I didn’t quite catch that, could you rephrase it? (Tôi không nghe rõ, bạn có thể diễn đạt lại không?)
• I apologize, but I didn’t understand the question. Could you repeat it in a different way? (Tôi xin lỗi, nhưng tôi không hiểu câu hỏi. Bạn có thể nói lại theo cách khác không?)
• Would you mind restating the question, please? (Bạn có thể lặp lại câu hỏi không?)
• I’d appreciate it if you could repeat the question. (Tôi rất biết ơn nếu bạn có thể lặp lại câu hỏi.)
>>> Tìm hiểu thêm: Tất tần tật tất cả các giới từ trong tiếng Anh bạn cần nắm vững
2. Đóng vai người phỏng vấn tiếng Anh
Cách tốt nhất để trở nên thành thạo một việc nào đó chính là kiên trì luyện tập thường xuyên. Vì thế, cách để bạn trả lời phỏng vấn thành thạo và chuyên nghiệp là nhập vai vào cuộc phỏng vấn. Việc tập luyện thường xuyên qua các buổi mô phỏng sẽ giúp bạn tự tin hơn khi bước vào cuộc phỏng vấn thật sự.
Trước tiên, hãy tìm một người bạn giao tiếp tốt để đóng vai người phỏng vấn tiếng Anh và bạn là người trả lời. Sau đó, hãy sắp xếp như một cuộc trò chuyện đúng nghĩa, bằng cách một người hỏi và một người trả lời. Ngoài ra, hãy nhờ người phỏng vấn giả định chủ động đặt câu hỏi dựa trên câu trả lời của bạn, nhằm tạo phản xạ giúp bạn trả lời tự nhiên hơn.
Các buổi mô phỏng này nên được ghi hình lại hoặc ghi âm lại. Điều này sẽ giúp bạn nghe lại được cuộc trò chuyện, tìm kiếm điểm chưa phù hợp trong phần trả lời hoặc tìm lỗi sai khi phát âm, từ đó rút kinh nghiệm và cải thiện cho những lần mô phỏng tiếp theo hoặc buổi phỏng vấn thật.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hành nói tốc độ chậm và rõ ràng mạch lạc, giúp người phỏng vấn nghe rõ câu trả lời và hiểu rõ bạn hơn.
3. Luyện tập ngôn ngữ cơ thể
Nhà tâm lý học Albert Mehrabian nói rằng: Trong giao tiếp, chỉ có 7% thông điệp được truyền tải qua lời nói, 93% còn lại đến từ giao tiếp phi ngôn ngữ như giọng điệu, tư thế, cử chỉ, ánh mắt… Từ đó cho thấy, ngôn ngữ hình thể cũng rất quan trọng, hãy bắt đầu luyện tập trước khi đến phỏng vấn.
Khi phỏng vấn tiếng Anh, các nhà tuyển dụng chỉ đánh giá thấp các ứng viên không thể hiện được sự tự tin trong giao tiếp hoặc sự ấp úng khi trả lời về chuyên môn. Chắc chắn họ sẽ không lắc đầu chỉ vì bạn phát âm sai một từ tiếng Anh. Một số ngôn ngữ cơ thể bạn có thể tham khảo gồm:
• Tư thế ngồi thoải mái, thư giãn, nhưng đừng uể oải hoặc kém duyên.
• Duy trì giao tiếp bằng mắt.
• Luôn nở một nụ cười ấm áp và chân thành trên môi.
Phỏng vấn tiếng Anh: Gợi ý mẫu câu hỏi và trả lời
ILA sẽ gợi ý 5 mẫu câu hỏi thường xuất hiện trong các buổi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh và cách trả lời để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
1. Can you tell us about yourself? (Hãy kể cho chúng tôi về bạn)
Giới thiệu bản thân khi phỏng vấn bằng tiếng Anh luôn là câu hỏi kinh điển mà bất kỳ buổi phỏng vấn nào cũng có. Ở câu hỏi này, người tuyển dụng nửa muốn hiểu rõ bạn, về học vấn, sự nghiệp và tính cách của bạn, nhưng nửa không muốn hiểu rõ bạn vì họ không có quá nhiều thời gian để nghe tường tận chi tiết.
Chính vì vậy, bạn nên trả lời vắn tắt về trình độ học vấn, con đường phát triển sự nghiệp và tính cách vì sao bạn phù hợp với vị trí này. Dưới đây là một đoạn gợi ý dành cho bạn:
My name is Yen. I studied Business Administration at ABC Academy six years ago. I’ve been working as a content writer for three years at H Group, and my responsibilities include creating, writing, and editing content to gain more traffic for the website. I have always been interested in writing, so that is the reason why I chose to follow this career path.
(Tôi tên Yến. Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại học viện ABC vào sáu năm trước. Hiện tại, tôi đang làm việc tại H Group ở vị trí người viết nội dung được ba năm và nhiệm vụ chính của tôi bao gồm tạo lập, viết và chỉnh sửa nội dung để thu hút được nhiều người dùng truy cập website công ty. Tôi đã luôn yêu thích với viết lách nên đó cũng là lý do vì sao tôi lựa chọn con đường sự nghiệp này.)
>>> Tìm hiểu thêm: 92 tính từ chỉ tính cách con người trong tiếng Anh
2. What are your strengths? (Điểm mạnh của bạn là gì?)
Mỗi nhà tuyển dụng đều có một ứng viên lý tưởng cho riêng mình, người ấy sẽ có tính cách như thế nào, điểm mạnh ra sao. Do đó, thực chất ở dạng câu hỏi này, nhà tuyển dụng chỉ muốn biết ưu điểm của bạn có giống với ứng viên lý tưởng mà họ đang tìm kiếm hay không.
Vì vậy, trước khi bắt đầu trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, hãy nghiên cứu xem người phù hợp với vị trí đó sẽ có hình dáng thế nào, điểm mạnh của họ là gì, rồi tìm câu trả lời phù hợp để tận dụng cơ hội quảng cáo bản thân và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Sau đây là ví dụ về một đoạn mô tả điểm mạnh:
I think as a content creator, you need to be able to stay calm and be proactive. And luckily, I have both. It can get really stressful, but my strengths are that I can keep my cool, not allow the pressure to get to me, and be proactive to find out everything, which helps me achieve all my goals and advance in my career.
(Tôi nghĩ, với vị trí người viết nội dung, bạn cần thực sự bình tĩnh và chủ động. Và may mắn là tôi có cả hai. Mặc dù điều này sẽ mang đến nhiều căng thẳng, nhưng điểm mạnh của tôi là có thể giữ bình tĩnh, không để mình bị áp lực, cũng như chủ động tìm hiểu mọi thứ trong công việc. Chính những lý do này đã giúp tôi gặt hái được nhiều mục tiêu và thăng tiến trên con đường sự nghiệp.)
>>> Tìm hiểu thêm: Cách viết số thứ tự trong tiếng Anh và phân biệt với số đếm
3. What are your weaknesses? (Điểm yếu của bạn là gì?)
Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không vạch lá tìm sâu về yếu điểm của bạn để chỉ trích hoặc đánh giá thấp bạn. Mục đích của câu hỏi này là tìm hiểu về suy nghĩ của bạn khi tự nhìn nhận thực lực của bản thân và cách mà bạn đã làm để cải thiện điểm yếu của chính mình.
Do đó, thay vì kể chi tiết các yếu điểm, giải thích vì sao mình kém, hãy liệt kê ngắn gọn và đào sâu vào cách khắc phục, cũng như kết quả của quá trình cải thiện ra sao. Dưới đây là một đoạn văn liệt kê điểm yếu mà bạn có thể tham khảo:
I’m a perfectionist, so sometimes, I complete my tasks late to deadlines. I will double or triple-check documents and files to ensure everything is accurate. But now, I’ve shortened the completion time because I have studied time management. I will make a to-do list, organize my deadlines, and mark it a priority before determining what to do first.
(Tôi là một người cầu toàn, nên đôi khi tôi đã hoàn thành công việc trễ so với thời hạn được giao. Tôi thường sẽ kiểm tra hai đến ba lần các dữ liệu để đảm bảo mọi thứ đều chính xác. Nhưng hiện tại, tôi đã rút ngắn được thời gian hoàn thành vì đã học được cách quản lý thời gian. Tôi sẽ lập danh sách các việc cần làm, quản lý thời hạn và đánh dấu mức độ ưu tiên trước khi quyết định việc nào sẽ làm đầu tiên.)
4. Why did you leave your last job? (Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?)
Câu hỏi này thường dành cho những ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc. Đáp án của câu hỏi này sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về lý do tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ và đánh giá mức độ nhìn nhận vấn đề của bạn là tiêu cực hay tích cực, có phù hợp với văn hóa công ty hay không.
Mặc dù bạn có thể nghỉ việc vì nhiều lý do như bị sa thải do sếp cũ làm sai, được tái ký nhưng chọn ngừng làm việc, hoặc bị yêu cầu nghỉ việc vì bị cho là dư thừa, nhưng bạn cũng không nên nêu ra bất kỳ lý do tiêu cực nào liên quan đến nơi làm việc cũ hay sếp cũ. Vì như vậy, vô tình mang đến cái nhìn tiêu cực của người phỏng vấn dành cho bạn. Sau đây là một số câu trả lời phỏng vấn tiếng Anh tham khảo dành cho bạn:
• I’m looking for new challenges – Tôi đang tìm kiếm những thử thách mới.
• I feel I wasn’t able to show my talents. – Tôi cảm thấy mình không thể thể hiện được tài năng của bản thân.
• I’m looking for a job that suits my qualifications. – Tôi đang tìm kiếm một công việc phù hợp với năng lực của mình.
• I’m looking for a job where I can grow with the company. – Tôi đang tìm kiếm một công việc mà tôi có thể phát triển cùng với công ty.
>>> Tìm hiểu thêm: 100 động từ bất quy tắc thường gặp và 30 danh từ bất quy tắc thông dụng nhất
5. Why should we hire you? (Tại sao chúng tôi nên thuê bạn?)
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá xem ứng viên có hiểu rõ vị trí mình đang ứng tuyển hay không và khả năng ứng viên có thể đáp ứng các yêu cầu đó của họ. Vậy nên, bạn cần nghiên cứu thật kỹ danh sách công việc và các yêu cầu đối với vị trí đó, đồng thời, liệt kê những kinh nghiệm của bạn tương ứng với những yêu cầu này và sử dụng chúng trong buổi trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh.
You should hire me because I have the experience to take on this role and the passion to write meaningful content. My collaborative problem-solving and project management skills make me a senior content writer. If you choose me for this position, I’m ready to use my expertise to create better posts to introduce the company’s quality products to consumers.
(Công ty nên thuê tôi vì tôi có kinh nghiệm cho vị trí này và niềm đam mê sáng tạo những bài viết hay. Hai kỹ năng gồm giải quyết vấn đề và quản lý dự án đã giúp tôi trở thành chuyên viên viết content. Nếu công ty lựa chọn tôi cho vị trí này, tôi sẵn sàng dùng kinh nghiệm của bản thân để tạo nhiều bài viết hay hơn, nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng của công ty đến khách hàng.)
Trên đây là tổng hợp kinh nghiệm và câu trả lời mẫu khi bạn tham dự một buổi phỏng vấn tiếng Anh. ILA hy vọng rằng những chia sẻ vừa rồi sẽ giúp bạn tự tin và thành công trong buổi phỏng vấn của mình.
Ngoài việc chuẩn bị câu trả lời chất lượng, đừng quên thể hiện tinh thần tự tin, sự đam mê và khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia. Hãy nhớ rằng, buổi phỏng vấn tiếng Anh không chỉ là cơ hội để bạn thể hiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh mà còn là cơ hội để bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và sự sẵn sàng học hỏi. Chúc bạn thành công trong hành trình tìm kiếm công việc như mong muốn!