Phát âm không chuẩn, hay nói ngọng, là một trong những vấn đề ngôn ngữ phổ biến ở trẻ nhỏ. Nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách, tật nói ngọng có thể trở thành một thói quen khó sửa, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng giao tiếp của bé sau này. Có nhiều cách dạy trẻ hết nói ngọng, nhưng quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng hành liên tục từ phía gia đình và thầy cô. Sự quan tâm và can thiệp sớm chính là chìa khóa để trẻ tránh xa thói quen ngôn ngữ không mong muốn của bé. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của ILA nhé.
Biểu hiện và nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng
1. Biểu hiện của trẻ nói ngọng
Trẻ nói ngọng thường có những biểu hiện đặc trưng dễ thấy như:
• Bé khó phát âm một số âm, có thể thay thế, bỏ qua hoặc biến một số âm trong lời nói. Ví dụ: nói “lờ” thành “nờ”, bỏ chữ “r”, hay nói lắp bắp, ngọng dấu hỏi thành dấu nặng.
• Bé có thể khiến người khác khó hiểu khi nói chuyện do phát âm không rõ ràng.
• Bé có thể cảm thấy ngại ngùng, tự ti khi giao tiếp vì sợ bị bạn bè trêu chọc.
• Nói ngọng khiến trẻ chậm nói hơn, có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc đọc, viết và giao tiếp với thầy cô, bạn bè.
2. Nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nói ngọng, có thể kể đến như:
Nguyên nhân sinh lý:
• Ngắn hãm lưỡi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất. Dây hãm lưỡi quá ngắn hạn chế sự vận động của lưỡi, gây khó khăn cho bé khi phát âm.
• Rối loạn chức năng của các cơ quan phát âm như răng, hàm, môi, vòm miệng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát âm.
• Rối loạn thần kinh như bại não, tự kỷ có thể gây ra các vấn đề về ngôn ngữ, bao gồm cả nói ngọng.
Nguyên nhân tâm lý:
• Sự quan tâm và khuyến khích bé nói chuyện có ảnh hưởng lớn đến khả năng ngôn ngữ của con. Cha mẹ ít trò chuyện với con cái, hay nói sai từ hoặc mang giọng địa phương là những yếu tố tác động khiến trẻ bị ngọng.
• Bé có thể nói ngọng khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc căng thẳng trong các tình huống giao tiếp.
Nguyên nhân bệnh lý:
• Nhiễm trùng hay viêm tai giữa mãn tính có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe và nói của bé.
• Một số bệnh lý khác như dị tật bẩm sinh, rối loạn hô hấp cũng có thể gây ra nói ngọng.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách dạy bé tập nói theo từng giai đoạn
Cách chữa ngọng cho bé
Cách chữa ngọng hay cách dạy trẻ hết nói ngọng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tật này. Việc nhận biết và can thiệp kịp thời đối với bé nói ngọng rất quan trọng để giúp con phát triển ngôn ngữ và giao tiếp hiệu quả.
1. Cách chữa ngọng: Hãy tham khảo từ bác sĩ
Việc cho bé đi khám là điều cần thiết để biết tình trạng của con. Từ đó, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn các cách dạy trẻ hết nói ngọng thích hợp.
Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân gây nói ngọng ở bé (ví dụ: vấn đề về răng, lưỡi, thần kinh…). Nhờ vậy, bác sĩ sẽ phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào liên quan đến ngôn ngữ, bác sĩ sẽ phát hiện và điều trị kịp thời.
Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn những bài tập chữa nói ngọng phù hợp. Các bài tập này thích hợp với từng trường hợp cụ thể, giúp bé cải thiện phát âm hiệu quả.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin về các bác sĩ, trung tâm phục hồi chức năng thông qua các trang web, diễn đàn. Một số bệnh viện uy tín bạn nên lựa chọn có thể kể đến như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 hoặc các trung tâm phục hồi chức năng.
2. Cách chữa nói ngọng cho bé 3 tuổi: Tạo môi trường rèn luyện với trẻ
Tạo một môi trường rèn luyện phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc giúp bé khắc phục tình trạng nói ngọng. Khi bé được tạo điều kiện để luyện tập nói trong một không gian thoải mái, không bị áp lực, bé sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp và sớm cải thiện tình trạng.
Một số hoạt động bạn có thể làm để tạo môi trường thực hành cho trẻ như:
• Đọc sách, kể chuyện cho bé nghe thường xuyên với giọng rõ ràng, nhấn nhá vào các âm khó. Bé sẽ nghe và tiếp nhận được nhiều từ vựng hơn.
• Hát, chơi trò chơi giúp bé làm quen với âm thanh và cách phát âm một cách tự nhiên.
• Lặp lại các từ khó mà bé thường phát âm sai nhiều lần.
• Tạo không gian thoải mái để bé giao tiếp với người thân, bạn bè. Bạn nên nói chuyện với bé bằng giọng rõ ràng và chuẩn xác để bé bắt chước.
3. Cách dạy trẻ hết nói ngọng: Sử dụng phần mềm chữa nói ngọng
Phần mềm chữa nói ngọng ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều phụ huynh lựa chọn để hỗ trợ con em mình cải thiện khả năng nói. Chỉ cần có thiết bị di động hoặc máy tính có kết nối Internet, bé có thể luyện tập bất cứ khi nào và ở đâu.
Phần mềm cung cấp nhiều bài tập đa dạng, từ cơ bản đến nâng cao, giúp bé làm quen với nhiều âm thanh và cách phát âm khác nhau. Các bài tập thường được thiết kế dưới dạng trò chơi, hoạt hình, giúp bé hứng thú hơn trong quá trình luyện tập. Các phần mềm này cung cấp âm thanh chuẩn xác, giúp bé làm quen với cách phát âm đúng.
Bên cạnh đó, các phần mềm chữa nói ngọng thường có chức năng theo dõi tiến độ luyện tập của bé, giúp bạn đánh giá được kết quả đạt được. Dựa vào đó, bạn có thể điều chỉnh kế hoạch luyện tập cho phù hợp.
Việc lựa chọn phần mềm chữa nói ngọng phù hợp sẽ giúp bé cải thiện khả năng giao tiếp một cách hiệu quả. Một phần mềm đang được sử dụng phổ biến là Read Along by Google. Ứng dụng này giúp bé rèn luyện kỹ năng đọc sách với nhiều ngôn ngữ khác nhau. App tích hợp trợ lý ảo thông minh để hướng dẫn bé đánh vần từng từ, đưa ra các hướng dẫn bằng lời nói và hình ảnh.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách dạy trẻ bị rối loạn ngôn ngữ giúp bé nói hiệu quả
Cách dạy trẻ hết nói ngọng bằng cách thực hành bài tập chữa nói ngọng
Việc luyện tập thường xuyên là yếu tố quan trọng để giúp trẻ khắc phục tình trạng nói ngọng. Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà bạn có thể thực hiện cùng bé tại nhà:
1. Bài tập cơ bản
Bài tập lưỡi:
• Đưa lưỡi ra ngoài, lên xuống, sang trái, sang phải.
• Liếm môi trên, môi dưới.
• Đưa đầu lưỡi chạm vào các vị trí khác nhau trong miệng.
Bài tập môi:
• Mím môi, cười, thổi phồng má.
• Kéo căng môi theo chiều ngang và chiều dọc.
Bài tập họng:
• Nói các âm “a, ô, ê, i, u” kéo dài.
• Hát các bài hát đơn giản.
Bài tập kết hợp âm tiết và từ:
• Lặp lại các âm tiết khó mà bé thường phát âm sai nhiều lần như: la, ra, ma, na…
• Chọn những bài thơ, ca dao có vần điệu và âm thanh đơn giản, dễ nhớ.
• Kể chuyện cho bé nghe và khuyến khích bé kể lại câu chuyện.
• Luyện tập đọc to rõ ràng các chữ cái và con số.
2. Bài tập nâng cao
• Bài tập với đồ vật: Chỉ vào các đồ vật xung quanh và yêu cầu bé nói tên của chúng.
• Bài tập với hình ảnh: Cho bé xem các hình ảnh và mô tả những gì bé thấy.
• Trò chơi chữ: Chơi các trò chơi đố chữ, ghép chữ để kích thích khả năng ngôn ngữ của bé.
Một số trò chơi giúp bé luyện tập nói:
• Trò chơi “Chi chi chành chành”: Nói “Chi chi” và thực hiện các động tác tay tương ứng.
• Trò chơi “Ù à ù ập”: Nói “Ù à ù ập” và vỗ tay theo nhịp.
• Trò chơi “Xe hơi chạy”: Kêu “Bin – Bin” và làm động tác lái xe.
• Trò chơi “Tàu hỏa chạy”: Kêu “Tu – tu” và làm động tác tàu hỏa chạy.
Ngoài các bài tập trên, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia ngôn ngữ trị liệu để được tư vấn cụ thể hơn. Quan trọng nhất là tạo một môi trường vui vẻ, thoải mái để bé cảm thấy tự tin khi luyện tập.
Kết luận
Có nhiều cách dạy trẻ hết nói ngọng, tùy thuộc vào tình trạng của con. Việc theo dõi, phát hiện và đồng hành cùng con trên hành trình chữa nói ngọng là rất quan trọng. Bạn hãy quan tâm và khuyến khích con rèn luyện nhiều hơn để khắc phục tình trạng nói ngọng này nhé.