Con nhút nhát phải làm sao? Muốn con thoát khỏi sự nhút nhát không hề khó. Bạn cần hiểu nguyên nhân vì sao bé nhút nhát và biết cách giúp trẻ bạo dạn hơn để nuôi dưỡng sự tự tin và lòng dũng cảm của trẻ. Cùng ILA giải đáp những thắc mắc trên của bạn nhé!
Trẻ nhút nhát phải làm sao? Nguyên nhân nào khiến trẻ nhút nhát?
Nhút nhát là khi trẻ cảm thấy sợ hãi hoặc khó chịu khi ở chốn đông người, gặp người lạ, gặp bạn mới… Trẻ nhút nhát thường rụt rè, xấu hổ và né tránh thử làm việc mới và khó. Để biết cách giúp trẻ bạo dạn hơn, bạn cần biết rõ nguyên nhân khiến trẻ nhút nhát đến từ đâu.
• Di truyền: Khoảng 15% trẻ sơ sinh sinh ra có xu hướng nhút nhát. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt sinh học trong não của những người nhút nhát.
• Tính cách: Các em nhỏ nhạy cảm về mặt cảm xúc có nhiều khả năng lớn lên trở thành những đứa trẻ nhút nhát.
• Mối quan hệ gia đình: Cha mẹ độc đoán hoặc bảo vệ quá mức có thể khiến con cái trở nên nhút nhát. Nếu trẻ không có được nhiều trải nghiệm sống, bé dễ gặp khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng xã hội.
• Trẻ bị chỉ trích gay gắt: Các em bị trêu chọc, bắt nạt hoặc chỉ trích bởi những người quan trọng như cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè thường có xu hướng nhút nhát.
Vì sao cần tìm cách giúp trẻ bạo dạn hơn?
Trong xã hội cởi mở và năng động ngày nay, sự nhút nhát có thể ngăn cản trẻ học hỏi những kỹ năng sống mới. Điều đó khiến bé khó hòa nhập với các bạn, thậm chí gây trở ngại cho bé trong học tập và cuộc sống sau này. Vậy nên cách giúp trẻ bạo dạn hơn là điều cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ ngay từ đầu.
Bạo dạn có nghĩa là “dám làm gì đó” mặc dù trẻ lo lắng, sợ sệt. Nếu đợi cho trẻ không còn cảm thấy sợ hãi rồi mới bắt đầu làm, trẻ có thể bỏ lỡ những trải nghiệm và cơ hội học tập thú vị. Đồng thời, trẻ khó trở nên bạo dạn hơn.
Là một đứa trẻ bạo dạn, con sẽ có được ý chí mạnh mẽ, sự tự tin, tự lập và khả năng tập trung cao. Nhờ đó, con có thể học tập hiệu quả hơn. Sự bạo dạn còn tiếp thêm cho bé sức mạnh tinh thần để đương đầu với thử thách và học hỏi thêm những kỹ năng mới trong cuộc sống. Trẻ sẽ có được ý thức tự chủ, trách nhiệm và khả năng đưa ra quyết định sáng suốt.
>>> Tìm hiểu thêm: Numerophobia là gì? Cách giúp con vượt qua hội chứng sợ số
Làm sao để hết nhút nhát? 8 cách để bé mạnh dạn hơn
1. Cách giúp trẻ bạo dạn hơn là làm gương cho trẻ
Nếu bạn muốn dạy cách giúp trẻ bạo dạn hơn, hãy trở thành “người hùng” của con bạn. Trẻ thường học hỏi thông qua những gì con nhìn thấy. Các nhà tâm lý học gọi đây là “sự tham khảo xã hội”.
Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã quan sát người lớn và bạn bè đồng trang lứa để bắt chước theo những gì bé nhìn thấy. Ngay cả khi đã lớn hơn, trẻ vẫn tiếp tục quan sát người khác để biết cách hành động, cư xử.
Bạn muốn trẻ bạo dạn hơn thì bạn cũng cần phải bạo dạn. Hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở cho con về nỗi lo lắng và sợ hãi của chính bạn. Sau đó cho con biết bạn đã vượt qua nỗi sợ hãi đó như thế nào. Hoặc dạy cách để mạnh dạn hơn thông qua hành động của bạn. Ví dụ, lần đầu tiên nhìn thấy một chú cún, trẻ sẽ nhìn bạn để đánh giá xem chú cún có nguy hiểm hay không. Nếu bạn tỏ ra thoải mái, bé sẽ dễ dàng tiếp cận chú cún hơn.
2. Cách giúp trẻ bạo dạn hơn: Khuyến khích con thử làm những điều mới
Một trong những nỗi sợ hãi phổ biến nhất ở trẻ em là thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Bé thường từ chối làm những điều mới mẻ và khó. Đó là dấu hiệu của trẻ nhút nhát. Bởi vì trẻ không chắc chắn liệu mình có thể đạt được kết quả tốt hay không.
Khuyến khích con bạn thử những điều mới là một trong những cách để mạnh dạn hơn. Đó có thể là ăn một món ăn mới, phát biểu trước lớp hoặc chơi một môn thể thao mà bé chưa từng thử. Hãy trấn an bé rằng việc con giỏi hay không giỏi không quan trọng. Quan trọng là con sẽ đánh bại nỗi sợ hãi khi cố gắng làm điều gì đó. Đừng quên dành nhiều lời khen ngợi động viên cho nỗ lực của con.
>>> Tìm hiểu thêm: 6 cách động viên tinh tế thể hiện sự tự hào với con trẻ
3. Trẻ nhút nhát phải làm sao? Thừa nhận cảm xúc của con
Khi bạn thấy con mình phản ứng thái quá trước một tình huống mà bạn biết là không nguy hiểm; thông thường, bạn sẽ muốn gạt bỏ nỗi sợ hãi của con bằng cách nói: “Đừng sợ! Không có gì phải sợ cả!”. Đó không phải là cách giúp trẻ bạo dạn hơn.
Thay vào đó, hãy thừa nhận nỗi sợ hãi của con. Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Có phải con cảm thấy lo lắng vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?” hoặc “con lo lắng vì không biết phải làm thế nào phải không?”. Hãy thể hiện sự đồng cảm của bạn để giúp con bình tĩnh hơn khi đối mặt với nỗi sợ hãi.
4. Con nhút nhát phải làm sao? Gợi ý những hình mẫu tốt đẹp
Bạn không cần phải là hình mẫu duy nhất của con. Giới thiệu cho bé những tấm gương về lòng dũng cảm qua cuộc sống đời thường, chương trình truyền hình, phim ảnh, sách lịch sử… Trẻ cũng có thể học được về lòng dũng cảm và các bài học đạo đức khác từ hình mẫu đó.
5. Làm sao để hết nhút nhát? Xây dựng niềm tin ở trẻ
Khi trẻ cảm thấy nhút nhát, sợ hãi thì bản năng của cha mẹ thường là bảo vệ bé. Bạn không muốn con mình phải “chịu khổ” nên giúp con trốn thoát hoặc tránh những tình huống đáng sợ. Nhưng điều đó là sai lầm.
Thay vậy, hãy giúp bé dần làm quen với nghịch cảnh. Bạn có thể động viên con rằng: “Việc này khó nhưng mẹ biết con có thể làm được”. Hãy thể hiện niềm tin của bạn vào khả năng đối mặt với thử thách của con.
6. Cách giúp trẻ bạo dạn hơn: Rèn luyện cách để mạnh dạn hơn
Dạy cách giúp trẻ bạo dạn hơn không nhất thiết phải có kết quả ngay lập tức. Thực hiện cách tiếp cận từng bước có thể giúp xây dựng sự tự tin của trẻ.
Ví dụ, trẻ thích học võ nhưng lại lo lắng về việc tham gia lớp học. Trước tiên bạn có thể cùng đi xem lớp với con. Sau đó tham gia lớp học cùng nhau. Sau đó để con học lớp một mình trong khi bạn đợi gần đó. Cuối cùng là đưa con bạn đến lớp và quay lại vào cuối giờ.
>>> Tìm hiểu thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp thông dụng cho bé dễ học
7. Cách giúp trẻ bạo dạn hơn là chơi trò nhập vai
Trò chơi nhập vai không chỉ là để vui chơi mà còn là cách tuyệt vời để bạn dạy trẻ cách để mạnh dạn hơn thật nhẹ nhàng, tự nhiên. Hãy khuyến khích trẻ đóng vai nhà thám hiểm, siêu anh hùng… để “vượt qua” nỗi sợ hãi và giải cứu thế giới.
8. Luôn kiên nhẫn và thấu hiểu
Mỗi đứa trẻ là duy nhất và có thể cần những phương pháp cũng như khoảng thời gian khác nhau để vượt qua nỗi nhút nhát, sợ hãi. Bạn không nên gây áp lực hoặc ép buộc con tham gia các hoạt động mà con chưa sẵn sàng vì điều đó có thể phản tác dụng. Thay vào đó, hãy đưa ra những lời động viên và hỗ trợ nhẹ nhàng để trẻ dần cải thiện theo khả năng của mình.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con mạnh mẽ và độc lập
Hầu hết trẻ em sinh ra đều không có sẵn những phẩm chất như sự tự tin, mạnh mẽ, bạo dạn. Vậy nên cách giúp trẻ bạo dạn hơn là điều mà các bậc cha mẹ cần làm để giúp trẻ xây dựng sự tự tin, hòa nhập dễ dàng với xã hội. Chúc bạn thành công!