Dạy con không đòn roi thế nào mới hiệu quả?

dạy con không đòn roi

Tác giả: Huynh Suong

Ngày xưa khi nuôi dạy con trẻ, ông bà ta có câu: “Thương cho roi cho vọt.” Trải qua bao giai đoạn phát triển tư duy, nhiều ba mẹ ngày nay có xu hướng chọn cách dạy con không đòn roi.

Vì sao nên dạy con không đòn roi?

tránh tổn thương cho con

Nhiều người cho rằng không đòn roi nghĩa là không bạo lực, không đánh trẻ. Thật ra, chữ “đòn roi” ở đây được hiểu là bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc chỉ trích, mắng chửi nặng lời cũng để lại nỗi đau không kém sự đánh đập thân thể.

Vậy, dạy con không đòn roi là phương pháp dạy dỗ không bạo lực bằng hành động lẫn ngôn từ. Thay vì đánh mắng, ba mẹ cần bình tĩnh, tìm cách tương tác với con nhẹ nhàng hơn. Phương pháp dạy con này sẽ mang lại các lợi ích sau đây.

1. Tránh gây tổn thương cho con

Các ba mẹ thường tìm hiểu cách dạy bé viết chữ cái tiếng Việt, tô màu đúng cách, học tiếng Anh, cách chào hỏi lễ phép… Thế nhưng, quá trình dạy và học đó đôi khi lại thấm đẫm nước mắt của con.

Việc đánh đòn có thể gây ra những vết thương trên cơ thể con. Những lời trách mắng nặng nề cũng gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, tâm hồn non nớt của con. Nếu chọn cách dạy con không đòn roi, bạn sẽ không đem đến những cơn đau thể xác hay ám ảnh tinh thần này cho bé.

2. Giúp con tự nhìn nhận ra lỗi sai

Khi bé mắc lỗi, việc đánh mắng chỉ đem lại nỗi sợ hãi. Ba mẹ nên bình tĩnh phân tích, hướng dẫn cho con. Phương pháp dạy con không đòn roi giúp bé biết được nguyên nhân, đồng thời rút ra bài học cho những lần tiếp theo.

3. Dạy con không đòn roi để tự tin hơn

con tự tin

Có một câu nói rằng: “Khi đứa trẻ bị ba mẹ chỉ trích hay đánh chửi, chúng không dừng yêu thương ba mẹ mà sẽ dừng yêu thương chính bản thân mình”. Nếu bị đánh mắng thường xuyên, con sẽ cảm thấy mình kém cỏi, tự ti, nhút nhát. Trong khi đó, những câu nói trò chuyện, khuyên bảo nhẹ nhàng lại là một trong những cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ.

5. Giúp kết nối tình cảm

Phương pháp dạy con không đòn roi giúp kết nối, duy trì mối quan hệ gần gũi giữa ba mẹ và con cái. Nếu bạn thường xuyên đánh mắng bé, con sẽ sợ hãi và sinh ra tâm lý phòng thủ. Lâu dần, con cũng khó mở lòng và chia sẻ với ba mẹ hơn.

Phương pháp dạy con không đòn roi

Các phương pháp dạy con không đòn roi

Cách dạy con không đòn roi đòi hỏi ba mẹ phải giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi con bướng bỉnh, mè nheo… Phương pháp này cần thời gian để ba mẹ làm quen. Dưới đây là một số cách áp dụng mà ba mẹ có thể tham khảo.

1. Thiết lập quy tắc từ đầu với con

Một số trường hợp, bé làm sai là do chưa được phổ biến các quy tắc. Con không biết rằng hành động đó là sai, hoặc con chưa rõ hậu quả. Bạn có thể đưa ra một vài quy tắc cho con. Các quy tắc bao gồm những việc cần làm, kèm theo đó là hình phạt nếu không thực hiện đúng.

Ví dụ, con phải dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong. Nếu không thực hiện, con sẽ không được chơi món đồ đó trong ngày hôm sau.

2. Bao dung với những lỗi nhỏ của con

bao dung

Không phải tất cả những lỗi sai của bé đều phải bị phạt. Ba mẹ có thể cân nhắc để bỏ qua những lỗi nhỏ. Có thể chỉ do bé vô tình, hoặc bé chưa được hướng dẫn về điều đó. Vì vậy, nếu cảm thấy có thể bỏ qua được, bạn nên nhẹ nhàng nhắc nhở và cùng con khắc phục hậu quả nhé.

Ví dụ, bé không biết ly nước đang nóng và vô tình cầm vào. Lúc này, bé hoảng sợ buông tay và làm bể ly. Thay vì trách mắng con, bạn nên giúp con dọn dẹp. Sau đó, bạn chỉ bé cách kiểm tra nhiệt độ ly nước trước khi sờ vào.

3. Dạy con không đòn roi với “time out”

Dạy con không đòn roi với "time out"

Mục đích của “time out” (thời gian cách ly) là một trong những phương pháp dạy con không đòn roi là cho con không gian yên tĩnh để bé trấn tĩnh lại.

Đầu tiên, bạn cần tách bé ra khỏi môi trường gây phiền nhiễu. Đây có thể là góc phòng, có thể phòng riêng của bé. Sau đó, bạn sẽ thông báo với bé rằng đây là thời gian time out vì con có hành động chưa đúng. Thời gian time out tương đương với số tuổi của con (Ví dụ: bé 3 tuổi thì sẽ có khoảng 3 phút time out).

Trong thời gian time out, ba mẹ sẽ không nói chuyện với con để trấn tĩnh cơn giận. Hết thời gian time out, bạn sẽ nói chuyện chi tiết và giải thích về những lỗi sai của con một cách rõ ràng.

4. Lắng nghe và học cách thấu hiểu con 

tôn trọng

Nhiều khi người lớn thường bỏ qua hoặc phớt lờ lời nói của con trẻ. Đây là điều không nên. Sự lắng nghe con là cách để giao tiếp, xây dựng lòng tin và kết nối hiệu quả với bé. Đặc biệt, những khi con tức giận, bướng bỉnh, ba mẹ lại càng phải lắng nghe con nhiều hơn.

Ví dụ, con đạt kết quả kém trong bài kiểm tra tiếng Anh. Trước khi trách mắng, bạn có thể nhẹ nhàng hỏi thăm con. Có thể hôm đó con bị ốm nên làm bài không tốt; Có thể con chưa biết cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả. Bằng cách lắng nghe, bạn sẽ nắm được thông tin chính xác, từ đó giúp con cách cải thiện.

5. Hãy để con tự chịu trách nhiệm

giải quyết vấn đề

Tùy theo độ tuổi, trẻ có thể tự quyết định và chịu trách nhiệm cho một số việc nhỏ. Bạn nên báo trước với trẻ những hậu quả có thể xảy ra nếu con vi phạm. Đồng thời, bạn cũng để con tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình. Cách làm này cũng nhằm xây dựng tính tự lập và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề cho bé.

Ví dụ, nếu con chơi đồ chơi làm bẩn sàn nhà, bạn hãy yêu cầu con tự lau dọn. Nếu con rót sữa bị đổ, hãy để con tự xử lý. Nếu đến bữa ăn mà bé không chịu ăn, con phải chờ đến bữa tiếp theo mới được ăn.

6. Dạy con không đòn roi bằng sự tôn trọng

lắng nghe

Phương pháp dạy con không đòn roi thường đi kèm với cách xử lý mềm dẻo, linh hoạt. Hãy lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Đôi khi, bạn chỉ nên gợi ý, con sẽ là người quyết định hoặc đưa ra ý kiến. Đây cũng là cách giúp rèn luyện tư duy phản biện cho trẻ.

Ví dụ, bạn đưa ra quy định mỗi ngày chỉ được xem ti vi 15 phút. Sau đó, bé đề xuất rằng nên tăng số phút vào những ngày cuối tuần. Nếu thấy hợp lý, bạn nên đồng ý với con.

7. Khen ngợi và phê bình đúng cách

khen ngợi

Để dạy con không đòn roi, bạn cần biết cách khen thưởng cũng như góp ý con đúng cách. Nếu con làm tốt, ba mẹ hãy hào phóng lời khen cho bé nhé. Bạn có thể khen con: “Hôm nay con lau nhà rất sạch!”; “Tiếng Anh của con đã có cải thiện rồi, con đã biết cách lên kế hoạch học tập rất hiệu quả!”.

Ngược lại với khen ngợi, ba mẹ cũng nên chú ý đến cách phê bình con mỗi khi bé mắc lỗi. Ba mẹ tuyệt đối không nên chỉ trích nặng lời con sẽ đem đến cảm giác mình là người tồi tệ, xấu xa. Bạn hãy cùng con tìm ra nguyên nhân và động viên để bé tự rút ra bài học cho mình.

>>> Tìm hiểu thêm: 6 cách động viên tinh tế thể hiện sự tự hào với con trẻ

8. Kiểm soát cảm xúc của bản thân

Kiểm soát cảm xúc của bản thân

Hầu hết trường hợp bạo lực trẻ em diễn ra khi người lớn không kiềm chế được cơn tức giận. Lúc này, việc đánh đập hay buông lời trách mắng là điều khó tránh khỏi.

Kiểm soát cơn giận giúp bạn hạn chế tổn thương con trẻ. Đồng thời, hành động này cũng quyết định đến hành vi của con. Nếu ba mẹ thường xuyên tức giận, quát tháo, đánh mắng thì con cũng có khả năng cư xử tương tự.

Nếu cảm thấy không thể “hạ hỏa”, bạn nên tách con ra một chút. Có thể giải thích đơn giản với bé rằng: “Ba/mẹ đang không được bình tĩnh, con để ba/ mẹ yên tĩnh rồi mình nói chuyện lại nhé.”

9. Dạy con không đòn roi với ít kỳ vọng 

ít kỳ vọng

Trẻ con rất non nớt nên cần thời gian và sự dạy dỗ để trở nên cứng cáp, trưởng thành. Quá trình lớn lên của con rất cần sự đồng hành, chỉ dạy của ba mẹ. Vì vậy, ba mẹ rất cần kiên nhẫn và bao dung.

Nếu con làm gì không vừa ý, ba mẹ hãy từ từ chỉ bảo con. Một lần không được thì thêm vài lần. Bạn không nên đặt kỳ vọng con sẽ hiểu ngay, làm tốt ngay từ đầu.

Ba mẹ có thể nhận thấy phương pháp dạy con không đòn roi tuy không dễ dàng nhưng nếu áp dụng đúng thì sẽ rất hiệu quả. Vì thế, mỗi khi ba mẹ thấy cơn giận nổi lên thì hãy hít thở thật sâu và bắt đầu lựa chọn cách xử lý vấn đề nhẹ nhàng nhất có thể nhé!

Nguồn tham khảo

1. Steps for Using Time-Out – Ngày cập nhật: 17-8-2023

2.Teaching methods for children – Ngày cập nhật: 17-8-2023

location map