Khi có kỹ năng sống tốt, con không những biết cách tự bảo vệ bản thân mà còn có thể gặt hái nhiều thành công trong tương lai. ILA sẽ bật mí cách giúp ba mẹ dạy trẻ kỹ năng sống hiệu quả nhé!
Thông thường, bé từ 3 tuổi trở lên đã có khả năng ghi nhớ và học hỏi từ những trải nghiệm. Con đã có thể tự mình quyết định và làm một số việc phù hợp với khả năng. Điều này rất có lợi cho quá trình phát triển tâm lý trẻ em. Vì vậy, ba mẹ có thể tham khảo 9 cách dạy trẻ kỹ năng sống sau đây để hướng dẫn con các kỹ năng sống phù hợp theo từng độ tuổi.
1. Kỹ năng sống biết tự chăm sóc bản thân
Ba mẹ có thể bắt đầu dạy kỹ năng sống cho trẻ 3, 4 và 5 tuổi với những kỹ năng chăm sóc bản thân. Ở những độ tuổi mầm non này, con cần biết cách tự làm những việc nhỏ để chuẩn bị đi mẫu giáo.
Bạn có thể dạy kỹ năng sống cho trẻ 3 tuổi các việc cơ bản nhất như: tự xúc ăn, chọn quần áo, tự đánh răng, đi vệ sinh, đi ngủ … Bé 4, 5 tuổi có thể tự tắm rửa, dọn dẹp đồ chơi, chuẩn bị sách vở, thay quần áo …
Trẻ con thường rất thích khám phá và bắt chước người lớn. Ba mẹ chỉ cần hướng dẫn con bước đầu. Sau đó, con sẽ dần thạo việc và có thể tự làm mà không cần bạn hỗ trợ.
2. Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non tự tin
Việc rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ giai đoạn mầm non là việc làm cần thiết. Khi tự tin, con sẽ dễ dàng nói lên suy nghĩ, ý kiến của bản thân trước tập thể. Khi tin tưởng vào bản thân, con có cơ hội gặt hái nhiều thành công trong tương lai.
Ba mẹ nên giúp con nhìn ra những ưu điểm, từ đó tìm cách phát huy. Khi bé làm tốt, bạn hãy khéo léo khen thưởng và động viên con. Ba mẹ cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con. Khi đi đến nơi đông người, ba mẹ có thể cho bé tự làm những việc như: gọi món ăn, tự đề xuất ý kiến hoặc trao đổi khi cần sự giúp đỡ.
>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách rèn luyện sự tự tin cho trẻ ngay từ nhỏ
3. Dạy trẻ kỹ năng sống sẵn sàng phản biện
Một đứa trẻ luôn nghe lời, ai nói gì tin nấy chưa hẳn là điều tốt. Trẻ nhỏ cũng cần biết cách sàng lọc thông tin, suy nghĩ và nêu ra ý kiến của mình. Ba mẹ cần rèn luyện kỹ năng phản biện giúp con hình thành sự tự chủ, có chính kiến.
Ba mẹ có thể dạy trẻ kỹ năng sống, cụ thể là tư duy phản biện bằng cách hỏi những câu hỏi mở, khuyến khích góc nhìn mới và trao quyền quyết định cho con.
Ví dụ trường hợp khi bé đòi mua một món đồ chơi, ba mẹ nên yêu cầu con đưa ra những lý do thuyết phục. Ba mẹ có thể cùng con phản biện qua lại để đi đến quyết định có nên mua món đồ chơi đó không.
4. Dạy trẻ kỹ năng sống biết giải quyết vấn đề
Kỹ năng giải quyết vấn đề có ý nghĩa quan trọng cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Ba mẹ không thể bảo bọc con suốt đời. Vì vậy, bé cần tự mình học cách giải quyết vấn đề phù hợp với độ tuổi và khả năng của mình.
Khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non, ba mẹ cũng nhớ hướng dẫn bé các cách giải quyết vấn đề nhé. Ba mẹ có thể bắt đầu từ những vấn đề đơn giản như: quần áo bị bẩn, bạn giành đồ chơi, bạn bắt nạt…
Ba mẹ có thể gợi ý giúp con vài phương án phù hợp. Tuy nhiên, con nên là người đưa ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, con cũng cần chịu trách nhiệm cho những cách xử lý mà mình đưa ra.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con mạnh mẽ và độc lập hơn
5. Dạy trẻ kỹ năng sống trong giao tiếp
Khi dạy trẻ kỹ năng sống, bạn không thể bỏ qua kỹ năng giao tiếp hàng ngày. Giao tiếp tốt giúp con dễ hòa nhập và kết nối với mọi người. Tùy vào tính cách mà có bé rụt rè, có bé lại sôi nổi, thích chuyện trò. Dù tính cách nào, con cũng cần được rèn luyện những kỹ năng giao tiếp cơ bản.
Điểm mấu chốt khi giao tiếp, đó là thể hiện sự lắng nghe và tôn trọng người đối diện. Với người lớn tuổi hơn, con cần thể hiện sự lễ phép. Sau đó, con suy nghĩ về những gì muốn nói và tìm cách truyền đạt sao cho hiệu quả nhất.
Khi dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non (tầm 3, 4, 5 tuổi) về giao tiếp, ba mẹ có thể bắt đầu từ những thói quen như: cảm ơn, xin lỗi, đề nghị lịch sự, chào hỏi lễ phép …
>>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép
6. Dạy trẻ kỹ năng sống có kế hoạch
Ba mẹ có thể áp dụng dạy kỹ năng sống có kế hoạch cho bé từ 5 tuổi trở lên. Kỹ năng này cực kỳ hữu ích khi bé lớn lên và phải tham gia nhiều lớp học, bài tập, kỳ thi.
Khi tự mình lên kế hoạch, bé sẽ biết cách quản lý thời gian và sắp xếp thứ tự công việc hợp lý. Con có thể lên kế hoạch học tập, đi chơi trong một ngày. Khi gia đình đi du lịch, ba mẹ có thể trao đổi với con về lịch trình vui chơi, ăn uống.
Song song với lên kế hoạch, bạn có thể gợi ý cho con những việc cần chuẩn bị. Ví dụ, nếu muốn đi dã ngoại, con cần chuẩn bị ba lô, mũ, ô che mưa, găng tay, đèn pin…
>>> Tìm hiểu thêm: Cách lên kế hoạch học tập đơn giản nhưng đầy hiệu quả
7. Dạy trẻ kỹ năng sống khi gặp nguy hiểm
Cuộc sống xung quanh bé có thể sẽ phát sinh nhiều tình huống không an toàn mà bạn không thể lường trước. Vì vậy, ba mẹ đừng quên hướng dẫn cách nhận biết và xử lý tình huống nguy hiểm khi dạy trẻ kỹ năng sống.
Những khu vực không an toàn mà con cần được cảnh báo bao gồm: ổ điện, ban công, cửa sổ, công trường, hồ nước… Ba mẹ cũng nên dạy con một số nguyên tắc an toàn như: không dùng thức ăn từ người lạ, không đi theo người lạ, ghi nhớ số điện thoại của người thân, biết cách gọi sự trợ giúp (chú bảo vệ, thầy cô giáo, chú công an) …
Bên cạnh đó, ba mẹ có thể trang bị thêm cho con một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân như bơi lội, võ thuật, sơ cứu vết thương…
8. Dạy trẻ kỹ năng ứng xử nơi công cộng
Nhiều bé có thói quen ăn vạ và đòi hỏi ở những nơi đông người như siêu thị, quán cà phê, công viên … Ba mẹ vì ngại mọi người xung quanh nên thường chiều theo ý bé. Đây là điều không nên. Trẻ con cần được hướng dẫn cách cư xử lịch sự và đúng mực nơi công cộng.
Trước khi cùng con đi ra ngoài, ba mẹ nên trao đổi và nhắc nhở con một số quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ví dụ: giữ yên lặng, chỉ nói vừa đủ nghe khi vào hàng, quán; không chỉ trỏ người khác; phải xếp hàng theo thứ tự, phải vứt rác đúng nơi quy định…
Đi kèm các quy tắc là những hình phạt nếu con vi phạm hoặc bướng bỉnh không chịu nghe lời. Con có thể không được đi chơi trong vài ngày, không được mua món đồ chơi yêu thích nếu có hành động đòi hỏi, ăn vạ. Dần dần, bé sẽ bớt bướng bỉnh và ứng xử lịch sự hơn khi đến nơi công cộng.
>>> Tìm hiểu thêm: Mách mẹ 12 cách dạy trẻ bướng bỉnh nhàn tênh
9. Dạy trẻ kỹ năng sống biết giúp đỡ mọi người
Kỹ năng sống không chỉ phục vụ cho bản thân mà còn nên giúp ích cho mọi người xung quanh. Khi biết chia sẻ và giúp đỡ, con sẽ trở nên có trách nhiệm và lòng trắc ẩn với người khác. Kỹ năng này cũng hướng đến hình thành sự lương thiện của con.
Ba mẹ có thể hướng dẫn con từ những việc tốt nho nhỏ như: chia sẻ đồ chơi với bạn, giúp đỡ cụ già qua đường, cho người tàn tật một chiếc bánh… Trong gia đình, ba mẹ hãy tạo điều kiện để con san sẻ việc nhà như: nhặt rau, quét nhà, nấu cơm, phơi quần áo…
Khi dạy trẻ kỹ năng sống biết giúp đỡ mọi người, con sẽ nhận ra giá trị của lòng nhân ái. Khi con trao đi yêu thương, con cũng sẽ nhận lại những điều tốt đẹp đó từ mọi người.
Ba mẹ dạy trẻ kỹ năng sống càng sớm, con sẽ càng vững vàng hơn khi bước ra ngoài xã hội. Nếu con chưa thực hành được như mong muốn, ba mẹ cũng đừng vội vàng. Mỗi bé có cá tính và lộ trình phát triển riêng. Ba mẹ hãy cứ luôn yêu thương và dẫn lối cho con để gặt hái nhiều thành công hơn trong tương lai nhé.