Bảng chữ cái là nền tảng để trẻ học từ, đọc sách và diễn đạt ý tưởng. Vì thế, nhiều ba mẹ tìm cách cách dạy bé học chữ cái sớm để chuẩn bị cho con đến trường.
Ở từng độ tuổi khác nhau, các bé sẽ có sự tiếp nhận về bảng chữ cái khác nhau. Ba mẹ nên nắm các giai đoạn quan trọng và phương pháp khác nhau để giúp con thông thạo các chữ cái.
Khi nào nên bắt đầu tìm cách dạy bé học chữ cái?
Việc học bảng chữ cái đánh dấu cột mốc học tập quan trọng của bé. Đây là bước chuẩn bị cơ bản cho quá trình đọc và viết sau này. Vậy độ tuổi nào là phù hợp để ba mẹ dạy bé học chữ cái? Tùy theo giai đoạn phát triển khác nhau con mà việc tiếp thu bảng chữ cái sẽ khác nhau.
1. Làm quen với chữ cái
Thông thường, khi bé lên 3 tuổi, ba mẹ có thể cho con dần làm quen với bảng chữ cái. Một số bé tiếp thu sớm hơn là khoảng 2 tuổi, còn một số bé muộn hơn thì sau 3 tuổi.
Ở giai đoạn làm quen với bảng chữ cái, con sẽ học thông qua sự lặp lại các âm tiết theo ba mẹ. Nếu ba mẹ thường xuyên hát bài hát bảng chữ cái tiếng Anh cho con, bé sẽ dễ lặp lại theo. Cũng giống như những âm thanh từ thế giới xung quanh, bé sẽ bắt đầu tiếp nhận và ghi nhớ thông qua sự tiếp xúc thường xuyên.
2. Nhận diện bảng chữ cái
Đa số bé trong độ tuổi từ 3 đến 4 đã có thể nhận diện được các chữ cái. Khoảng nửa số lượng chữ cái trong bảng chữ cái sẽ được trẻ nhận biết khi khoảng 3 tuổi. Khi 4 tuổi, nhiều bé có thể nhận biết toàn bộ các chữ cái trong bảng chữ cái.
Các bé thường sẽ nhận ra chữ cái có trong tên của mình trước tiên. Để giúp con nhận diện chữ cái tốt hơn, ba mẹ hãy tạo cơ hội để bé lặp lại các chữ cái khi dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho trẻ mầm non. Ba mẹ có thể hỏi những chữ cái có trong tên của bé hay tên ba mẹ và lặp lại như thế thường xuyên.
3. Tập viết chữ cái
Độ tuổi từ 4 đến 5 là giai đoạn trẻ sẽ bắt đầu viết chữ cái. Đa số các bé lúc này đã có thể liên kết tên gọi mà trẻ nghe được với các chữ cái và viết chúng ra.
Trẻ có thể học viết chữ cái tiếng Việt hay tiếng Anh ở trường mẫu giáo, nhưng ba mẹ cũng nên giúp trẻ học ở nhà. Đây là lúc trẻ thấy phấn khích vì nhận ra các con chữ sẽ truyền tải thông điệp nào đó. Lúc này, ba mẹ hãy khuyến khích trẻ tự viết ra thông điệp của riêng mình.
4. Đọc chữ cái thành từ
Đến 6 tuổi, bé học lớp 1 có thể đọc từ thành tiếng một cách dễ dàng. Bé sẽ nhận biết được các từ vựng xung quanh mình. Từ đó, con bắt đầu đánh vần tên mình và những từ đơn giản.
Khi lên lớp 2, bé sẽ đọc được các sách dành cho trẻ em dễ đọc. Lên lớp 3, con có thể tự đọc một mình một cách trôi chảy. Lúc này, bé đã hoàn toàn nắm vững được bảng chữ cái và bắt đầu hình thành thói quen đọc.
>>> Tìm hiểu thêm: Tiết lộ 11 cách dạy trẻ đọc nhanh siêu hiệu quả
Cách dạy bé học chữ cái nhanh thuộc
Ba mẹ không có kinh nghiệm giảng dạy vẫn có thể dạy bé học chữ cái nhanh thuộc và nhớ lâu. Dưới đây là 8 cách dạy bé học chữ cái nhanh thuộc mà ba mẹ có thể áp dụng để dạy cho con.
1. Cách dạy bé học chữ cái qua bài hát
Trẻ em dễ bị thu hút bởi những giai điệu bắt tai. Một bài hát vui tươi sẽ khiến bé ngân nga cả ngày. Ba mẹ có thể tận dụng cách này để làm cách dạy bé học chữ cái nhanh thuộc. Trong lúc bật bài hát, bạn hãy cùng bé hát theo giai điệu và chỉ vào các chữ cái để bé nhận biết.
Nếu muốn dạy bé học chữ cái tiếng Việt, ba mẹ hãy cho bé nghe thử một số bài hát:
• A Ă Â
• A Bê Xê
• Bài Hát Chữ A
• Bảng Chữ Cái Việt Nam
• Bạn Là Chữ Cái Gì?
Khi bé đã sẵn sàng để làm quen với bảng chữ cái tiếng Anh, hãy cùng bé tập làm quen bằng những bài hát vui nhộn dưới đây:
• The ABC Song
• The Alphabet Song
• The Alphabet Is So Much Fun
• ABCD In the Morning Brush your Teeth
• ABC Dance with Pinkfong & Phonics Song
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
2. Cách dạy bé học chữ cái bằng trò chơi
Trò chơi ghép chữ cái cũng là một cách dạy bé học chữ cái hiệu quả. Ba mẹ hãy đặt một bảng lớn có bảng chữ cái trong phòng khách. Sau đó, cắt các chữ cái ra giấy và đưa bé dán vào chữ cái tương ứng trên bảng.
Ngoài ra, để bé tiếp thu chữ cái một cách tự nhiên, ba mẹ nên tìm cách để bé tiếp xúc với bảng chữ cái nhiều nhất có thể. Một gợi ý là dùng miếng nam châm dán tủ lạnh hình chữ cái và chỉ bé dán những chữ cái khác nhau mỗi ngày.
>>> Tìm hiểu thêm: Sử dụng trò chơi trong dạy tiếng Anh cho con
3. Cách dạy bé học chữ cái khi luyện viết
Kỹ năng viết là kỹ năng quan trọng dù người học ngôn ngữ ở vào bất kỳ độ tuổi nào. Khi bé học bảng chữ cái, viết cũng là một cách để bé tự ghi nhớ và hiểu cách các chữ cái kết hợp với nhau.
Viết chữ cái cũng là hoạt động kích thích tư duy trẻ phát triển nhanh ở giai đoạn đầu đời. Các nét chữ đầu tiên của bé thường sẽ nguệch ngoạc và trông hơi lộn xộn. Ba mẹ đừng vội thất vọng mà hãy động viên một cách tinh tế những nỗ lực đầu tiên này của con. Đây sẽ là động lực để bé yêu cầm bút viết nhiều hơn.
4. Cách dạy bé học chữ cái bằng thẻ flashcard
Khi tìm cách dạy bé 4 tuổi học chữ cái, ba mẹ nên cân nhắc các thẻ thông tin (flashcards). Lợi thế của thẻ là giúp bé dễ liên kết chữ cái với đồ vật bắt đầu bằng chính chữ cái đó. Hình ảnh minh họa trực quan cũng tạo sự hứng thú cho con.
Với những bé nhỏ hơn, ba mẹ nên lưu ý chọn những thẻ chữ cái đơn giản. Những thông tin cụ thể và dễ hiểu sẽ giúp con học nhanh và nhớ lâu. Bé ở độ tuổi này hay khám phá đồ vật xung quanh nên ba mẹ cần chọn thẻ chữ có chất liệu an toàn.
5. Cách dạy bé học chữ cái khi đọc tên
Bé được nghe thấy tên của mình thường xuyên hơn bất kỳ từ ngữ nào khác kể từ khi được sinh ra. Vì vậy, ba mẹ giới thiệu cho con về các chữ cái trong tên để giúp bé làm quen với chữ cái.
Cái tên còn có mang lại cho trẻ sự công nhận đặc biệt nên những chữ cái trong tên sẽ dễ đi sâu vào trí nhớ trẻ. Một khi con đã nhớ hết các chữ cái trong tên mình, bé sẽ bắt đầu học các chữ cái và tập đánh vần nhanh hơn.
>>> Tìm hiểu thêm: 5 phương pháp dạy bé đánh vần nhớ lâu cấp tốc
6. Cách dạy bé học chữ cái qua sách và truyện
Sách và truyện là cách dạy bé học chữ cái truyền thống nhưng cũng hiệu quả không kém. Với những cuốn sách có bảng chữ cái và hình minh họa đầy màu sắc, con sẽ rất thích thú.
Ngoài ra, sách dạy bảng chữ cái thường đi kèm các hoạt động để bé thực hành. Sau khi giới thiệu cho bé nhận biết các chữ cái, ba mẹ nên hướng dẫn con các hoạt động có thêm trong sách nhưng không cần thực hiện toàn bộ. Ba mẹ cũng có thể cho con học tiếng Anh qua truyện song ngữ Anh Việt để vừa học chữ cái vừa phát triển tư duy rất hiệu quả.
7. Cách dạy bé học chữ cái khi tô màu
Các bài học về màu sắc giúp não bộ tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin. Bằng cách kết hợp hoạt động dạy bé tô màu khi dạy bé học chữ cái, ba mẹ cũng rèn cho con khả năng phân loại và so sánh các chữ cái.
Những cuốn sách dạy tô màu nhận biết chữ cái là tài liệu mà ba mẹ nên sưu tầm. Đây cũng được xem là cách vừa chơi vừa học hiệu quả mà lại rèn cho bé được nhiều kỹ năng cần thiết.
Ba mẹ nên để con tự tô màu theo cách mà bé cảm thấy thoải mái nhất. Khi thấy những nét màu nguệch ngoạc xuất hiện nhiều hơn vì có thể tay bé đã bắt đầu thấy mỏi, ba mẹ cần cho con nghỉ ngơi.
8. Cách dạy bé học chữ cái thông qua các câu hỏi
Hoạt động đặt câu hỏi cho bé là cách hay để kích thích sự tò mò và giúp trí não phát triển. Thái độ hào hứng của ba mẹ khi đặt câu hỏi cũng khiến con muốn biết nhiều hơn về các chữ cái.
Đây cũng là cách dạy bé 5 tuổi học chữ cái mà ba mẹ nên áp dụng. Ở độ tuổi này, bé đã có vốn hiểu biết nhất định và suy luận tốt hơn lúc nhỏ. Não bộ của bé sẽ bắt đầu tiếp nhận thông tin và xử lý để đưa ra câu trả lời. Ba mẹ có thể thử hỏi con một số câu như:
• “Chữ cái nào đứng trước chữ T?”
• “Ba từ nào bắt đầu bằng chữ B?”
• “Màu nào bắt đầu bằng chữ C?”
• “Mùa nào trong năm bắt đầu bằng chữ X?”
• “Trong chữ THUYỀN có bao nhiêu chữ cái?”
Việc học chữ cái của bé có hiệu quả hay không phụ thuộc không ít vào cách dạy của ba mẹ. Mỗi bé tiếp nhận thông tin khác nhau nên ba mẹ đừng quá lo lắng nếu con mình chưa học được các chữ cái như kỳ vọng. Hãy thử thay đổi những cách dạy bé học chữ cái khác nhau để rèn luyện sự tự tin và giúp con học thuộc chữ cái một cách thoải mái nhé.