9 kỹ năng sống cho trẻ tiểu học: Hành trang cần thiết cho con

kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

Tác giả: Huynh Suong

Mọi hành trình của con đều luôn cần sự đồng hành từ ba mẹ. Bên cạnh chăm sóc, yêu thương, bạn cũng cần rèn luyện cho con những kỹ năng sống cần thiết. Với các bé tiểu học, bạn cần chuẩn bị cho con những gì? Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học cụ thể là những kỹ năng nào? Hãy cùng ILA khám phá ngay câu trả lời nhé!

Vì sao cần rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ tiểu học?

Kỹ năng sống (tiếng Anh là life skills) là những hành động, ứng xử tích cực, giúp bé thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, ví dụ như cách giao tiếp, khả năng diễn đạt, tổ chức, chăm sóc và bảo vệ bản thân…

Kỹ năng sống cần thiết với trẻ ở mọi lứa tuổi. Tùy theo từng độ tuổi, bạn có thể chọn những kỹ năng phù hợp để rèn luyện cho bé.

Nếu bé sắp vào lớp 1, bạn có thể tìm hiểu về kỹ năng sống tiền học đường. Con vào cấp 2, bạn nên tham khảo giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS, lớp học kỹ năng sống cho trẻ 15 tuổi. Vậy học kỹ năng sống để làm gì? Dưới đây là một số lý do:

1. Giúp con phát triển tư duy

Rèn luyện kỹ năng sống giúp bé phát triển khả năng tư duy, kích thích sáng tạo, tinh thần ham học hỏi. Khi có tư duy tốt, con sẽ thuận lợi trong học tập và công việc sau này.

2. Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học giúp con tự tin

Khi có kỹ năng sống, con sẽ dễ thích nghi trong nhiều hoàn cảnh. Bé có thể phát huy những ưu điểm của bản thân. Điều này rèn luyện sự tự tin, độc lập cho con hơn.

3. Giúp con kết nối tốt với mọi người

Rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ tiểu học giúp bé có thể hòa nhập và kết nối tốt với mọi người. Con có thể tự tin giao tiếp, thể hiện bản thân, truyền tải cảm xúc. Từ đó, con tạo dựng được nhiều mối quan hệ chất lượng và tích cực.

4. Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học tạo ra giá trị sống

Kiến thức và kỹ năng sống là hai yếu tố quan trọng, giúp con hình thành những giá trị sống đúng đắn. Đó có thể là sự yêu thương, sự ham tìm tòi học hỏi, sống có trách nhiệm, thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ…

Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

1. Kỹ năng làm chủ cảm xúc

Kỹ năng làm chủ cảm xúc

Làm chủ cảm xúc là kỹ năng nhận diện cảm xúc và điều chỉnh hành vi phù hợp. Làm chủ cảm xúc không phải là yêu cầu trẻ không được tức giận hay buồn bã. Bạn cần cho bé biết là con hoàn toàn có thể thừa nhận cảm giác của mình. Con có thể buồn, có thể giận. Chỉ là con biết cách xử lý để không có những hành động tiêu cực.

Ví dụ, con có thể giận dữ, nhưng không được vì cơn giận mà đánh người khác. Con có thể không vừa ý, nhưng không nên phản đối bằng cách ăn vạ, la hét.

Bạn nên hướng dẫn bé cách xử lý các cơn khó chịu. Ví dụ, con có thể tìm chỗ yên tĩnh để tự suy nghĩ. Con có thể ôm ba mẹ và mô tả rõ ràng về cảm xúc của mình.

2. Kỹ năng lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe

Lắng nghe là một trong những kỹ năng sống cho trẻ tiểu học. Khi tập trung lắng nghe, con tiếp thu bài giảng và học tốt hơn. Trong giao tiếp, lắng nghe tốt giúp con thể hiện sự tôn trọng đến người khác. Đồng thời, con cũng mở rộng thế giới quan của mình để tiếp thu ý kiến mới.

Để rèn luyện kỹ năng lắng nghe cho bé, bạn có thể tham khảo các cách sau:

• Lắng nghe con: Muốn con lắng nghe mình, bạn cần làm điều đó trước nhé, tức là nên chú tâm khi nói chuyện với bé, thể hiện sự tương tác qua nét mặt, cử chỉ.

• Khuyến khích con nói lên suy nghĩ: Bạn không nên áp đặt quan điểm hay ngắt lời khi con nói. Hãy nhẹ nhàng động viên mỗi khi con trình bày một điều gì đó nhé.

• Xây dựng thói quen đọc sách: Kể chuyện, đọc sách cho con thường xuyên là cách để rèn kỹ năng lắng nghe cho bé. Con sẽ hình thành thói quen tập trung để hiểu một câu chuyện, từ đó lắng nghe tốt hơn.

>>> Tìm hiểu thêm: Tiết lộ 11 cách dạy trẻ đọc nhanh siêu hiệu quả

3. Kỹ năng làm quen, kết bạn

Kỹ năng làm quen, kết bạn

Bước vào tiểu học, con có cơ hội làm quen với môi trường mới, tiếp xúc với một tập thể rộng hơn so với lớp mẫu giáo. Kỹ năng làm quen giúp con kết nối với mọi người, không bị thu mình, tự ti. Một số cách giúp bé dễ dàng kết bạn như:

Biết cách tự giới thiệu bản thân (tên, tuổi, sở thích).

Chủ động chào hỏi, bắt chuyện.

Có ý thức giúp đỡ bạn bè trong khả năng cho phép.

Thái độ vui vẻ, tích cực, biết chia sẻ.

Không ăn hiếp, bắt nạt bạn bè.

Cho con tham gia các khóa học phát triển kỹ năng, như lớp học kỹ năng giao tiếp cho trẻ.

4. Kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Trong các kỹ năng sống cho trẻ tiểu học, tự bảo vệ bản thân là kỹ năng rất quan trọng. Bạn cần hướng dẫn con cách nhận diện nguy hiểm và tự bảo vệ mình. Bạn có thể dặn dò bé các điều sau:

• Ghi nhớ thông tin của ba mẹ: Bé cần nhớ số điện thoại của ba, mẹ hoặc ông bà để liên lạc trong lúc cần thiết. Bé cũng nên nhớ địa chỉ nhà, phòng trường hợp đi lạc, cần người tin tưởng dẫn về.

• Cảnh giác với người lạ: Bạn cần hướng dẫn bé cách cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ mà không có ba mẹ ở đó. Đó là: hạn chế nói chuyện, không nghe lời, không đi theo, không nhận đồ ăn hay bất cứ thứ gì từ người lạ.

• La lớn và tìm kiếm sự giúp đỡ: Nếu phát hiện ai đó tiếp cận với ý đồ xấu, con cần la lớn. Cách này sẽ thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Đồng thời, con cũng nhanh chóng tìm sự giúp đỡ. Đó có thể là chú công an, bác bảo vệ, cô giáo hay ba mẹ của các bạn khác.

>>> Tìm hiểu thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân

5. Kỹ năng tập trung – kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

Kỹ năng tập trung - kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

Trẻ nhỏ thường hiếu động, khó tập trung vào một việc gì đó quá lâu. Để rèn luyện kỹ năng này, bạn cần kiên nhẫn. Mỗi ngày giúp con rèn luyện một chút. Lâu dần, bé sẽ tăng thời gian tập trung lên.

Khi có khả năng tập trung, bé sẽ học tốt hơn. Kỹ năng này cũng rất quan trọng khi con trưởng thành và đi làm. Một số phương pháp để giúp bạn rèn tính tập trung cho bé như:

Có thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tránh gây mệt mỏi cho bé.

Góc học tập cần đặt ở nơi yên tĩnh.

Hạn chế các đồ vật gây chú ý khi bé đang tập trung (tivi, điện thoại, trò chơi…).

Khen thưởng sau mỗi lần con tập trung nghiêm túc.

6. Kỹ năng phản biện

Kỹ năng phản biện là khả năng bé đánh giá và có góc nhìn riêng trước mỗi sự việc. Với bé tiểu học, kỹ năng phản biện giúp bé có tư duy logic, phát huy khả năng sáng tạo, mở rộng nhận thức. Dưới đây là một số cách để rèn luyện tư duy phản biện.

• Đặt câu hỏi mở: Câu hỏi mở có tác dụng kích thích suy nghĩ, lập luận của bé. Con không phải suy nghĩ để trả lời có hay không, mà phải diễn giải, phân tích sâu hơn. Ví dụ, thay vì hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?”, bạn có thể hỏi: “Giờ ra chơi của con hôm nay như thế nào?”, “Con thấy tiết học tiếng Anh hôm nay ra sao?”.

• Khuyến khích con đưa ra quyết định: Bạn nên để bé tự quyết định những việc trong khả năng. Điều này giúp bé hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề, xây dựng sự tự tin.

• Cổ vũ những góc nhìn mới: Ba mẹ cần có sự cởi mở trước những suy nghĩ có phần khác biệt của bé. Cổ vũ con có ý tưởng mới, không đi theo lối mòn sẽ phát huy sự sáng tạo của con.

>>> Tìm hiểu thêm: Dạy tư duy phản biện cho trẻ để trở nên bản lĩnh hơn

7. Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm có vai trò quan trọng trong hầu hết mọi việc. Con cần học cách hợp tác hiệu quả với người khác. Làm việc nhóm giúp con phát triển khả năng tổ chức, giao tiếp, thấu hiểu, lãnh đạo.

Cách rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ tiểu học làm việc nhóm khá đơn giản. Khi ở nhà, bạn cho bé tham gia các công việc như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm đồ chơi. Bé đảm nhận một vai trò, một phần công việc trong tổng thể việc lớn. Bạn cũng nên cho con tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa như cắm trại, sinh hoạt khu phố…

8. Kỹ năng lên kế hoạch

Thời khóa biểu ở cấp 1 sẽ chi tiết và nhiều hoạt động hơn lớp mầm non. Nếu không biết cách sắp xếp hợp lý, bé dễ bị quá tải. Có kế hoạch tốt, con sẽ được học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Bé cũng tự giác hơn, biết giờ nào việc nấy và nghiêm túc hoàn thành.

Để lên kế hoạch học tập đơn giản nhưng đầy hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

Không sắp xếp thời gian quá eo hẹp, dễ gây áp lực cho con.

Lên kế hoạch tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, nhu cầu của con.

Sắp xếp các hoạt động thể chất xen kẽ các giờ học.

Không nên cứng nhắc mà có sự thay đổi và điều chỉnh phù hợp nếu thấy kế hoạch không hợp lý.

Khen thưởng bé mỗi khi con hoàn thành được mục tiêu kế hoạch đề ra.

9. Kỹ năng sống cho trẻ tiểu học – biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi

kỹ năng sống cho trẻ tiểu học

Ông bà ta có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chào hỏi lễ phép, biết nói cảm ơn, xin lỗi là những điều quan trọng mà bạn cần hướng dẫn con. Đây là kỹ năng cơ bản, cần được rèn luyện càng sớm càng tốt.

Cách dạy kỹ năng sống cho trẻ để biết nói lời chào, cảm ơn, xin lỗi như sau:

• Ba mẹ làm gương: Trẻ con rất giỏi bắt chước. Nhiều trường hợp, ba mẹ chưa cần nói, bé cũng tự học theo. Vì vậy, để con biết nói lời hay ý đẹp, bạn cần thực hành thật nhiều để làm gương cho bé nhé.

• Dạy con lòng biết ơn: Khi con nhận được điều gì tốt đẹp, bạn hãy nhắc nhở con về lòng biết ơn. Ăn một bữa cơm ngon, hãy biết ơn người nấu. Bước vào một nơi sạch sẽ, hãy biết ơn những cô chú dọn dẹp.

• Không đổ lỗi: Khi phạm lỗi, bé cần học cách dũng cảm nhận lỗi và sửa chữa. Con không nên đổ thừa cho người khác.

>> Tìm hiểu thêm: 13 cách dạy trẻ kỹ năng chào hỏi lễ phép

Dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học là bước chuẩn bị cần thiết khi con bước vào lớp 1. Ba mẹ cần kiên nhẫn và đồng hành thật nhiều cùng con trên chặng đường mới này nhé.

Kết luận

Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ tiểu học là bước chuẩn bị quan trọng và cần thiết. Bạn không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người đồng hành cùng con trên chặng đường mới này. Chúc bạn và con có những trải nghiệm học tập tuyệt vời và đầy ý nghĩa trong những năm tháng sắp tới.

Nguồn tham khảo

1. 8 important skills to be an elementary school teacher – Cập nhật ngày: 11-10-2023

2. Teaching Soft Skills to Elementary School Students – Cập nhật ngày: 11-10-2023

 

location map