Để thành công trong cách dạy con tuổi dậy thì, ba mẹ cần “kề vai sát cánh” cùng con trong mọi tình huống. Phương pháp dạy con tuổi mới lớn nên kết hợp cân bằng giữa lý trí và tình cảm, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng sao cho con luôn tin tưởng và hợp tác. Tham khảo ngay 10 cách giáo dục trẻ tuổi dậy thì từ ILA nhé!
Trẻ ở tuổi dậy thì thay đổi ra sao?
Tuổi dậy thì của hầu hết bé gái bắt đầu từ 8 – 13 tuổi và kéo dài khoảng 2 – 5 năm. Bé trai sẽ dậy thì trong khoảng 9 – 14 tuổi và kéo dài khoảng 3 – 4 năm. Việc hiểu rõ những thay đổi về tâm sinh lý của con ở giai đoạn này sẽ giúp bạn biết cách dạy con tuổi dậy thì hiệu quả, hạn chế xung đột trong gia đình.
Về cơ bản, trẻ vẫn luôn cần bạn nhưng sẽ kết nối theo một cách khác. Con vẫn cần sự khẳng định tích cực, sự hướng dẫn kiên nhẫn và thấu hiểu từ ba mẹ.
Tuy nhiên, phần não của con vẫn đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Chúng chịu trách nhiệm quản lý cảm xúc, đưa ra quyết định, lý luận và kiểm soát sự ức chế. Đặc biệt, não sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự tự do. Do đó, con sẽ thường xuyên bày tỏ quan điểm và ý kiến khác với ba mẹ. Đôi khi, trẻ còn có tâm trạng thất thường, cảm xúc mãnh liệt, hành vi bốc đồng và liều lĩnh.
Đồng hành cùng con tuổi dậy thì chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bạn cần xây dựng mối quan hệ tích cực, thoải mái với con theo một số cách sau đây.
>>> Tìm hiểu thêm: Dạy con không đòn roi thế nào mới hiệu quả?
Cách dạy con tuổi dậy thì hiệu quả
1. Tôn trọng sự riêng tư của con
Khi con bước vào tuổi dậy thì, bạn sẽ nhận thấy thời gian trẻ dành cho bạn không còn nhiều như trước. Ngoài giờ học, những mối quan hệ bạn bè hoặc giải trí sẽ chiếm rất nhiều thời gian của con. Việc con “nhốt mình” cả ngày trong phòng là điều thường thấy. Bạn nên tôn trọng sự riêng tư để giữ được lòng tin của trẻ.
Khi con không muốn nói chuyện, đừng cố ép con phải làm như vậy. Bạn cũng không nên tự ý lục lọi đồ đạc cá nhân hoặc kiểm soát mọi thứ xung quanh trẻ; trừ khi bạn cảm thấy con đang gặp nguy hiểm, chẳng hạn như bị bắt nạt. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở cho con biết bạn vẫn luôn ở đó khi con cần được lắng nghe.
2. Cách dạy con tuổi dậy thì là duy trì kết nối với gia đình
Gia đình là nơi đầu tiên trẻ học về tình yêu, sự tôn trọng và các mối quan hệ. Bạn hãy khuyến khích trẻ kết nối với gia đình theo những cách sau đây:
• Cùng nhau ăn uống và trò chuyện, tắt tivi và các thiết bị điện tử khác.
• Cùng tham gia các hoạt động như đạp xe, trekking hoặc cắm trại.
• Cùng tham gia hoạt động từ thiện.
• Tôn trọng và trân trọng những phẩm chất của các thành viên trong gia đình.
• Thường xuyên thể hiện tình yêu của bạn bằng lời nói. Sử dụng những lời khẳng định, cái ôm và cử chỉ nhỏ để biểu lộ tình cảm. Hãy ăn mừng những thành tựu, dù nhỏ bé, để củng cố cảm giác yêu thương và tự hào.
3. Thường xuyên khen ngợi và tránh chỉ trích
Trẻ ở tuổi mới lớn luôn mong muốn được mọi người công nhận. Bạn hãy khen ngợi khi con làm tốt việc gì đó và cảm ơn khi con giúp đỡ việc nhà. Đừng tiếc lời khen khi con muốn thử làm những gì mới mẻ hoặc theo đuổi một phong cách mới. Điều này sẽ giúp con xây dựng sự tự tin và vượt qua áp lực tự bạn bè.
Tương tự, cách dạy con tuổi dậy thì là bạn nên tránh chỉ trích bằng những từ ngữ nặng nề. Bạn không cần thiết phải hoàn toàn đồng ý với trẻ. Nhưng, bạn nên tôn trọng ý kiến, cảm xúc và lựa chọn của con. Thậm chí, bạn cũng không nên trêu đùa quá mức về ngoại hình hoặc hành động của con. Trẻ có thể trở nên nhạy cảm, tự ti và thu mình lại.
4. Lắng nghe và chia sẻ, cách giáo dục trẻ tuổi dậy thì
Phần lớn trẻ ở tuổi dậy thì đều cảm thấy cha mẹ không lắng nghe hoặc hiểu mình. Theo thời gian, cảm giác này sẽ tạo ra sự rạn nứt giữa trẻ và bạn. Điều đó khiến cho con không muốn tâm sự với bạn. Vì vậy, bạn cần biết cách lắng nghe tích cực.
Sau khi con bày tỏ điều gì đó, hãy dành một chút thời gian để xác minh cảm xúc của trẻ và lý do tại sao để đảm bảo rằng bạn hiểu con (và con biết rằng bạn hiểu).
Ví dụ, nếu trẻ đang sợ hãi hoặc buồn bã, hãy hỏi điều gì sẽ giúp con cảm thấy tốt hơn. Bạn không nên áp đặt ý kiến của mình và bắt trẻ phải làm theo. Chỉ nên nhẹ nhàng gợi ý vào phương án và thời gian để thực hiện. Hãy cho con biết rằng bất kể con quyết định làm gì, bạn sẽ ủng hộ con hết mình.
5. Phương pháp dạy con tuổi mới lớn là không la mắng to tiếng
Sẽ không tránh khỏi những lúc trẻ bộc phát cảm xúc tiêu cực và hành vi bốc đồng. Điều quan trọng là bạn cần giữ bình tĩnh. Đừng phản ứng với con bằng cách la mắng lớn tiếng. Hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân vì sao con có hành động như vậy? Việc đồng cảm với những lý do đó có thể xoa dịu thái độ của trẻ và mở ra cơ hội giao tiếp tích cực hơn.
Nếu con bạn có những hành vi không thể kiểm soát như phá hoại, làm tổn thương bản thân hoặc người khác… bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Họ sẽ giúp bạn tìm ra hướng giải quyết tốt nhất trong cách dạy con tuổi dậy thì.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ năng giải quyết vấn đề giúp con mạnh mẽ và độc lập
Cách giáo dục trẻ tuổi dậy thì kỹ năng sống và thói quen tốt
Cách dạy con tuổi dậy thì không chỉ là duy trì mối quan hệ gia đình tôn trọng và yêu thương nhau. Bạn cần dạy cho con một số kỹ năng sống và bài học để con trở nên độc lập, hạnh phúc.
1. Cách dạy con tuổi dậy thì những đức tính tốt
Sẽ có những lúc bạn và con không cùng quan điểm – và điều đó không sao cả. Bạn có thể không phải lúc nào cũng đồng ý với sở thích của trẻ về bạn bè, hướng đi nghề nghiệp mà con đã chọn. Nhưng, bạn nên cho trẻ tự do phát triển con đường riêng của mình.
Thay vì cố gắng thay đổi quan điểm của con, hãy tập trung vào việc củng cố các giá trị đạo đức tốt đẹp giống như bạn đã dạy con từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn như sự trung thực, tôn trọng người khác, tử tế, hào phóng, lịch sự, khoan dung… Khi làm như vậy, trẻ sẽ khẳng định được các giá trị của riêng mình.
2. Phương pháp dạy con tuổi mới lớn là làm gương cho con
Dù trẻ mới lớn luôn luôn khao khát khẳng định cái tôi của riêng mình nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ hành vi và thái độ của người lớn. Con luôn chú ý nhiều hơn đến những gì bạn làm hơn là những gì bạn nói. Vì vậy, bạn cần là một tấm gương tốt để con noi theo. Không nên buôn chuyện, thô lỗ hoặc chỉ trích quá mức (về bản thân hoặc người khác). Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng những mối quan hệ lành mạnh.
3. Đồng hành cùng con tuổi dậy thì là để con học hỏi từ sai lầm
Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng nên để trẻ mới lớn trải nghiệm hậu quả của hành động của mình, miễn sao hậu quả đó không gây nguy hiểm.
Ví dụ, thay vì cố gắng ép con làm bài tập ở trường hoặc đi ngủ đúng giờ, bạn nên nhẹ nhàng nhắc nhở con về những gì con nên làm. Hỏi xem trẻ có hiểu đầy đủ về hậu quả có thể xảy ra của những lựa chọn của mình không. Nếu con hiểu – và vẫn không thực hiện – thì bạn không nên cằn nhằn và tranh cãi. Thay vào đó, hãy để trẻ trải nghiệm việc nhận điểm kém hoặc thức dậy trong tình trạng mệt mỏi vào buổi sáng. Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm chính là người thầy giỏi nhất.
Lưu ý, nếu bạn nghĩ trẻ thực sự đang gặp khó khăn, hãy nói chuyện và yêu cầu con cùng bạn lập kế hoạch cải thiện.
4. Cách dạy con tuổi dậy thì quản lý tài chính
Nghiên cứu cho thấy rằng những thanh thiếu niên được cho một khoản tiền nhỏ hàng tuần có thói quen quản lý tài chính tốt hơn – nếu được dạy đúng cách. Bạn hãy giúp con xác định các khoản chi tiêu của mình và lập kế hoạch để chi trả hợp lý. Đừng “mềm lòng” khi con xin thêm tiền hoặc các món đồ đắt tiền. Hãy dành tặng quà cho những dịp đặc biệt.
>>> Tìm hiểu thêm: Dạy tư duy phản biện cho trẻ để trở nên bản lĩnh hơn
Giáo dục giới tính, phương pháp dạy con tuổi mới lớn
√ Ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có nhận thức khác nhau về giới tính. Bạn đừng chờ đến thời điểm cụ thể mới tìm cách dạy con về tuổi dậy thì. Không bao giờ là quá sớm, vì trẻ tiếp xúc với những chủ đề này ở trường, trên ti vi và mạng xã hội sớm hơn bạn nghĩ rất nhiều.
√ Tuổi dậy thì là một phần bình thường của quá trình trưởng thành. Khi đồng hành cùng con tuổi dậy thì, bạn hãy nhắc nhở trẻ rằng không có gì “sai” trong những thay đổi cơ thể mà con trải qua. Sử dụng thuật ngữ thích hợp để nói rõ bộ phận trên cơ thể con sẽ có sự thay đổi. Thông thường, người mẹ giải thích về tuổi dậy thì cho con gái và người cha giải thích về tuổi dậy thì cho con trai sẽ hữu ích.
√ Sử dụng các tình huống hàng ngày để khơi gợi cuộc trò chuyện. Nếu bạn là người cởi mở khi thảo luận về chủ đề giới tính thì trẻ cũng sẽ thoải mái trò chuyện cùng bạn. Chắc chắn con sẽ đặt ra cho bạn rất nhiều câu hỏi.
√ Cùng con xem các phương tiện truyền thông hoặc sách về tuổi dậy thì phù hợp với lứa tuổi. Luôn giải đáp thắc mắc và lắng nghe suy nghĩ của trẻ về nội dung con đã xem. Cố gắng đừng tỏ ra khó chịu hay xấu hổ để trẻ cũng không cảm thấy như vậy.
√ Đi cùng con mua những vật dụng cần thiết trong thời kỳ dậy thì. Con gái sẽ mua các mặt hàng như áo ngực, đồ lót, băng vệ sinh… Con trai mua các mặt hàng như quần đùi, áo ba lỗ, dao cạo râu…
√ Cách giáo dục trẻ tuổi dậy thì còn là việc thường xuyên nói về tình dục, mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bạn cần hướng dẫn con biết cách tự bảo vệ mình trước bạo lực trong hẹn hò, kể cả tác động của uống rượu và ma túy.
√ Chia sẻ những trải nghiệm tuổi dậy thì của bạn và cách bạn thích nghi với những thay đổi. Con bạn sẽ rất vui và hạnh phúc khi nghe câu chuyện của bạn.
Không có công thức chung nào về cách dạy con tuổi dậy thì vì mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng. Nhưng, mối quan hệ cha mẹ – con cái dựa trên sự tôn trọng, yêu thương, giao tiếp, khoan dung và tin tưởng lẫn nhau chắc chắn sẽ là nền tảng tốt để con trưởng thành hạnh phúc. Hy vọng bài viết cách giáo dục trẻ tuổi dậy thì trên đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn.
>>> Tìm hiểu thêm: 11 cách giúp trẻ tập trung khi học đạt hiệu quả cao