Con lười học là vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu và ra sức tìm kiếm giải pháp để giúp con học hành chăm chỉ, tự giác.
Vậy cha mẹ phải làm gì khi con không thích học? Lời khuyên là bạn hãy tìm cách khơi dậy nguồn động lực bên trong để giúp bé tìm thấy niềm vui trong học tập. ILA sẽ gợi ý cho bạn một vài cách áp dụng dễ dàng.
Con lười học do đâu?
Theo các chuyên gia, con lười học phần lớn là do không có động lực. Các nguyên nhân làm giảm động lực học tập thường đến từ những vấn đề tâm lý và môi trường sống mà trẻ phải đối mặt. Cụ thể là:
• Bài học quá dễ hoặc quá khó cũng khiến con lười học.
• Con có nhiều lo lắng liên quan đến trường lớp.
• Môi trường học tập không mang đến sự thoải mái.
• Phương pháp học tập chưa phù hợp, trẻ khó tiếp thu và không muốn học.
• Trẻ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và không tự tin nắm vững các môn học trên lớp.
• Bé bị thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc cũng ảnh hưởng đến động lực học tập.
• Ba mẹ kiểm soát quá mức khiến trẻ bị căng thẳng.
• Bé bị trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)…
Việc biết rõ được lý do khiến con lười học sẽ giúp bạn tìm được cách thay đổi hành vi của trẻ hiệu quả. Tuy nhiên, hãy khuyến khích con lấy lại động lực theo cách tích cực để nuôi dưỡng ý chí và rèn luyện tính tự giác. Từ đó, trẻ sẽ xây dựng được thói quen học tập lành mạnh trong tương lai.
>>> Tìm hiểu thêm: Thí nghiệm mầm non giúp trẻ sáng tạo và học tập năng suất
Cha mẹ phải làm gì khi con không thích học?
1. Tạo môi trường học tập phù hợp để tránh con lười học
Bạn hãy cung cấp cho bé mọi thứ cần thiết để con học tập tốt hơn:
• Tạo ra không gian học tập yên tĩnh, không có tiếng ồn gây xao nhãng, khiến trẻ mất tập trung.
• Đảm bảo con không bị đói bụng trước khi học.
• Luôn cất giữ đồ dùng học tập để ở nơi dễ lấy để không mất thời gian tìm kiếm.
2. Con không chịu học phải làm sao? Lên kế hoạch học tập cụ thể
Trẻ nhỏ cần có cấu trúc và sự nhất quán. Vì vậy kế hoạch học tập của bé cần có sự nhất quán giữa các hoạt động và thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Bé sẽ thấy được giá trị của việc học mỗi ngày. Kế hoạch học tập bao gồm:
• Bài tập về nhà nên được hoàn thành mỗi ngày.
• Nên ưu tiên làm bài tập nào trước?
• Thời gian để làm bài tập là bao nhiêu?
• Lúc nào nên nghỉ giải lao và nghỉ trong bao lâu?
3. Bắt đầu với môn học trẻ yêu thích
Nhiều phụ huynh nhận thấy con mình học rất giỏi môn học này nhưng lại kém môn khác. Khi trẻ không tự tin với môn học mình “ghét”, con lười học là điều bình thường.
Bạn hãy bắt đầu dạy trẻ học bằng việc dành nhiều thời gian cho các môn học yêu thích. Dần dần xen kẽ các môn học yếu hơn và kéo dài thêm thời gian học. Chắc chắn trẻ sẽ tiến bộ hơn mỗi ngày.
4. Con lười học nên làm gì? Hãy để con hỏi “tại sao?”
Trẻ con luôn tò mò về thế giới xung quanh. Bạn hãy khuyến khích con đặt nhiều câu hỏi để khơi dậy niềm yêu thích khám phá của trẻ. Quá trình học tập nên là một trải nghiệm tương tác thay vì một chiều. Khi đam mê học tập, bé thậm chí còn dành thời gian ngoài giờ học để suy nghĩ về những điều thú vị mình được học.
5. Khen thưởng hành vi tốt
Chìa khóa để duy trì động lực học tập là sự động viên hoặc khen thưởng nếu trẻ chăm chỉ. Bạn có thể tặng cho con một sticker (nhãn dán) sau mỗi lần hoàn thành bài tập. Khi con có đủ số sticker, con sẽ nhận một phần thưởng đặc biệt. Phần thưởng có thể là món đồ chơi yêu thích, một ngày đi chơi…
>>> Tìm hiểu thêm: 16 cách giúp trẻ thông minh sớm cha mẹ dễ thực hiện
6. Cha mẹ phải làm gì khi con không thích học? Giúp con giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng sẽ khiến con lười học. Bạn cần tạo điều kiện cho con nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc mỗi ngày. Ví dụ, sau khi làm bài tập, con sẽ thư giãn bằng cách đọc sách, tô màu hoặc làm bất kỳ hoạt động nào con yêu thích.
7. Tập trung vào quá trình học tập thay vì thành tích
Bạn hãy dành lời khen ngợi khi con đạt được một dấu mốc quan trọng trong học tập thay vì thành tích cao trên lớp, chẳng hạn như khi bé viết được một đoạn văn dài hay giải được một bài toán khó. Điều này sẽ giúp bé tăng cường thêm động lực học tập.
8. Con học không tập trung phải làm gì? Khuyến khích con thực hiện từng bước nhỏ
Đặt ra từng mục tiêu nhỏ và cụ thể sẽ giúp bé có định hướng rõ ràng về những gì cần phải làm. Con cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn khi hoàn thành những mục tiêu này. Ví dụ về những mục tiêu nhỏ trong học tập như:
• Đọc một chương của bài đọc.
• Xem lại ghi chú trong 20 phút.
• Hoàn thành 3 câu hỏi trong sách giáo khoa.
9. Thử các phương pháp học tập khác nhau nếu con lười học
Con bạn thích học theo phương pháp nào? Nếu phương pháp học tập không phù hợp, bé sẽ cảm thấy chán nản và mất hứng thú vì không hiểu rõ bài học.
Mỗi em nhỏ sẽ có những cách tiếp thu bài học khác nhau. Ngoài việc học theo phương pháp giáo dục trên trường, bạn có thể cải thiện tình trạng con lười học chỉ bằng việc thay đổi cách dạy bé ở nhà. Một số loại hình học tập để lựa chọn:
• Học bằng thị giác: Trẻ ghi nhớ tốt hơn khi áp dụng phương pháp học trực quan bằng hình ảnh, video.
• Học bằng thính giác: Trẻ học hiệu quả hơn khi lắng nghe bài giảng, bản ghi âm và bài học được diễn đạt bằng lời.
• Học đọc và viết theo sách giáo khoa. Học bằng phương pháp ghi chép và xem lại bài học.
• Học thực hành: Gồm các hoạt động thực hành để tìm ra cách giải quyết vấn đề.
10. Nghỉ ngơi hợp lý khi học
Khi cố nhồi nhét quá nhiều kiến thức, bộ não của trẻ sẽ trở nên trì trệ và kém hiệu quả. Câu trả lời cho thắc mắc con học không tập trung phải làm gì là bạn nên chia nhỏ thời gian học và cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Sử dụng bộ đếm thời gian để nhắc nhở bé khi đến giờ nghỉ giải lao; nghỉ ngơi sau 30 phút học; giữ thời gian nghỉ giải lao từ 5 – 10 phút.
11. Khuyến khích bé tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng, giúp các em học tập tốt hơn. Bạn nên cho trẻ tập thể dục mỗi ngày trước giờ học. Ngay cả việc đi dạo trong giờ nghỉ cũng là cách được khuyến khích. Hoạt động này giúp tăng cường máu lưu thông lên não để trẻ tập trung hiệu quả.
12. Nuôi dưỡng sự độc lập
Nuôi dưỡng tính độc lập ở bé là một trong những cách quan trọng nhất để giúp con siêng năng hơn. Trẻ cần phải cảm thấy có trách nhiệm với việc học của mình. Ví dụ, bạn không phải cùng con làm bài tập về nhà nếu bé không cần giúp đỡ. Sau khi thấy hậu quả của sự lười biếng, trẻ sẽ hiểu rằng tốt hơn nhiều nếu làm bài tập đúng cách. Hãy để trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình.
>>> Tìm hiểu thêm: Viết chữ đúng ô ly: Nên dạy bé như thế nào mới chuẩn?
Có nên áp dụng cách phạt con khi lười học?
Nếu bạn muốn áp dụng cách phạt con khi lười học, hãy dừng lại! Theo các chuyên gia tâm lý, đòn roi hay mắng mỏ không phải là cách hiệu quả để con tự giác học tập.
Một đứa trẻ khi bị cha mẹ ép ngồi vào bàn học, kèm cặp từng ly từng tí thường cảm thấy căng thẳng do sợ làm sai sẽ bị mắng. Lâu dần con lười học, chỉ học khi có người thúc giục. Còn mắng mỏ, đòn roi có thể giúp bé tập trung ngay lúc đó nhưng không làm con hứng thú với việc học, mà chỉ khiến trẻ gia tăng áp lực tâm lý.
Đôi khi, cha mẹ phạt con lười học bằng cách làm một số việc nhà nhất định. Đây là một sai lầm lớn. Đừng bao giờ phạt con bạn bằng cách làm việc nhà vì trẻ em sẽ xem những hoạt động như vậy luôn là một hình phạt.
Trẻ sẽ siêng học hơn khi con cảm thấy thích thú, chứ không phải vì bị thúc giục nên con mới chịu học. Hãy truyền cảm hứng học tập cho trẻ nhưng đừng kiểm soát chúng. Trò chuyện cùng con mỗi ngày và đừng ngần ngại nói về sự thất bại thay vì quá tập trung vào sự thành công.
Một lời khuyên hữu ích với cha mẹ có con lười học là hãy bắt đầu bằng cách ghi nhận những gì con làm được trước khi điều chỉnh những gì con cần giúp đỡ. Điều này sẽ mất thời gian nhưng chắc chắn con sẽ “vượt lười” đúng như bạn mong đợi.
>>> Tìm hiểu thêm: Bạo lực học đường: Cách bảo vệ con khỏi vấn nạn này