Gần đây, ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm và cho con hoc tiếng Anh từ rất sớm. Thậm chí có những trẻ chỉ 3 – 4 tuổi đã có thể trò chuyện bằng ngoại ngữ này. Vậy đâu là một trong những phương pháp dạy có thể áp dụng cho trẻ? Đó là tiếng Anh tiềm thức.
Tiếng Anh tiềm thức được coi là một hình thức học mới nhưng đem lại hiệu quả lớn đối với trẻ nhỏ. Khi áp dụng phương pháp tiếng Anh tiềm thức cho con, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức học tiếng Anh của bé và giúp bé học hào hứng mà không cần phải bắt ép. Cùng tìm hiểu phương pháp này trong bài viết dưới đây nhé.
Tiềm thức tiếng Anh là gì? Cơ sở khoa học của nó là gì?
Tiềm thức tiếng Anh hay tiếng Anh tiềm thức là cách tiếp thu ngôn ngữ này một cách tự nhiên và có phần thụ động. Người học không cần ngồi học nghiêm chỉnh mà có thể tiếp nhận kiến thức trong nhiều trạng thái khác nhau như trong lúc chơi, giải trí, xem video hay thậm chí là khi ngủ.
Nhà ngôn ngữ học người Mỹ Stephen Krashen đã nghiên cứu về thuyết học tập tiềm thức (trong đó có tiếng Anh tiềm thức). Theo Krashen và những người ủng hộ lý thuyết học tập tiềm thức, khả năng ghi nhớ của con người có hạn, nhưng khả năng rèn luyện các kỹ năng trong tiềm thức là không giới hạn. Tiếp nhận thông tin một cách vô thức khiến não bộ nhớ lâu hơn. Do đó, bé có thể nói tiếng Anh trôi chảy trong thời gian ngắn hơn khi nghe tiếng Anh vô thức.
Tại sao nên áp dụng tiếng Anh tiềm thức trẻ em?
Trẻ em là đối tượng thích hợp để áp dụng phương pháp tiếng Anh tiềm thức bởi nhiều lý do sau đây:
1. Phát triển trí não và khả năng ngôn ngữ của trẻ
Khi bé tiếp xúc với tiếng Anh tiềm thức thông qua nghe, đọc và giao tiếp, não bộ của chúng được kích thích và hoạt động tích cực. Việc tiếp thu và xử lý thông tin ngôn ngữ tự nhiên và không cần suy nghĩ đòi hỏi não bộ hoạt động một cách tự động, từ đó giúp phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và tư duy.
2. Tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên
Với phương pháp học này, trẻ dễ dàng tiếp thu kiến thức và học tập một cách hiệu quả hơn. Khi tiếng Anh trở thành một phần của tiềm thức, bé có khả năng tự động hiểu và sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động học tập, từ đó giúp tăng cường khả năng tiếp thu và ghi nhớ thông tin.
Tiếng Anh tiềm thức trẻ em giúp bé phát triển cảm nhận và hiểu biết ngôn ngữ một cách tự nhiên, không cần suy nghĩ. Điều này giúp bé hình thành khả năng ngôn ngữ thụ động và sử dụng ngôn ngữ một cách trôi chảy, tương tự như việc học tiếng mẹ đẻ.
>>> Tìm hiểu thêm: 20 phim hoạt hình tiếng Anh cho bé học ngoại ngữ hiệu quả
3. Đa dạng hóa khả năng diễn đạt, sự tự tin
Tiềm thức tiếng Anh khuyến khích trẻ sáng tạo và tư duy linh hoạt khi diễn đạt. Khi trẻ tự động sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, chúng có thể tự do diễn đạt ý tưởng, tưởng tượng và sáng tạo thông qua ngôn ngữ. Từ đó, trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, cũng như tự tin khi giao tiếp.
4. Mở rộng kiến thức cho trẻ
Tiếng Anh thụ động không bó buộc trẻ cần học kiến thức nào, mà để bé tiếp nhận đa dạng các nội dung. Do đó, trẻ có thể học được nhiều thông tin bổ ích và có hứng thú hơn. Chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng tiền học đường cần thiết.
5. Giúp trẻ làm quen và yêu thích tiếng Anh
Với trẻ nhỏ, bạn khó ép buộc con học tiếng Anh nghiêm chỉnh. Nếu bị ép quá, đôi khi con có tâm lý chán ghét học ngôn ngữ này. Để trẻ cảm nhận tiếng Anh tiềm thức sẽ giúp con làm quen nhẹ nhàng, khơi gợi sự tò mò. Từ đó, trẻ có hứng thú, muốn được khám phá nhiều hơn về môn học này.
>>> Tìm hiểu thêm: Phương pháp STEAM và cách ứng dụng cho các bé mầm non
Phương pháp tiếng Anh tiềm thức hiệu quả cho bé
Không khó áp dụng tiếng Anh tiềm thức vào việc dạy ngôn ngữ cho bé. Có khi bạn đang sử dụng phương pháp này hằng ngày mà không nhận ra.
1. Cho trẻ xem và nghe tiếng Anh mỗi ngày
Chọn nhạc và phim dành cho trẻ em bằng tiếng Anh để bé có thể nghe và xem trong môi trường vui nhộn và giải trí. Lắng nghe những bài hát và xem những bộ phim mà trẻ thích sẽ giúp bé quen với âm điệu, ngữ điệu và từ vựng tiếng Anh một cách tự nhiên.
Với bé học mẫu giáo, bạn có thể cho con xem kênh YouTube như Pinkfong, CoComelon… Hiện tại, những kênh này có rất nhiều bài hát vui nhộn, thích hợp để bé nghe và tương tác theo. Học tiếng Anh qua bài hát giúp trẻ hào hứng hơn.
>>> Tìm hiểu thêm: 22 lời bài hát tiếng Anh sôi động dễ thuộc dành cho bé yêu
2. Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh thực tế
Hãy bắt đầu từ việc bạn tập trò chuyện với con bằng tiếng Anh trong cuộc sống thường ngày. Bạn có thể tham khảo nhiều gia đình giao tiếp song ngữ với con như Em bé tiếng Anh MinHee, Tệu.
Bạn nên bắt đầu bằng các câu đơn giản, sau đó dần dần mở rộng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp. Điều này giúp bé quen với việc sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế như nấu ăn, làm vườn, đi chợ hoặc chơi trò chơi.
Tìm kiếm các hoạt động ngoại khóa hoặc câu lạc bộ tiếng Anh cho bé. Điều này giúp con có cơ hội giao tiếp và tương tác với người nói tiếng Anh khác; cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình và làm quen với việc sử dụng tiếng Anh trong môi trường thực tế.
3. Học qua tranh ảnh, trò chơi
Học qua tranh ảnh và trò chơi là cách thú vị để trẻ tiếp xúc với phương pháp học này và phát triển kỹ năng ngôn ngữ của mình. Dễ nhất là bạn dạy bé học chữ cái, từ vựng qua tranh vì hình ảnh sẽ kích thích não bộ trẻ tối đa.
Sử dụng các ứng dụng, video hoặc trò chơi điện tử tiếng Anh phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Các ứng dụng này cung cấp cơ hội cho trẻ nghe và tương tác với tiếng Anh; trong môi trường thực tế thông qua trò chơi, bài hát hoặc video học tiếng Anh.
4. Sử dụng phương pháp lặp lại
Với trẻ nhỏ, khi dạy học cho bé, bạn cần kiên trì. Trong đó, việc lặp lại từ vựng hay cấu trúc một cách thường xuyên có thể giúp bé nạp sâu vào bộ nhớ. Bạn có thể khuyến khích con lặp lại sau mỗi câu hoặc cung cấp các ví dụ khác nhau để áp dụng cấu trúc ngôn ngữ vào các tình huống khác nhau.
Đây là phương pháp quan trọng trong việc áp dụng tiếng Anh tiềm thức trẻ em. Tuy nhiên, dù là lặp lại nhưng bạn cần kết hợp với các hoạt động khác nhau để đảm bảo tính đa dạng và hấp dẫn trong quá trình học của bé.
>>> Tìm hiểu thêm: 100 mẫu câu tiếng Anh giao tiếp thông dụng cho bé dễ học
Các nguồn tài liệu tham khảo khi dạy tiếng Anh tiềm thức
Khi dạy tiếng Anh tiềm thức cho con, bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu hữu ích. Dưới đây là một số nguồn:
• Sách và tài liệu tham khảo. Có rất nhiều giáo trình được thiết kế đặc biệt để dạy tiếng Anh tiềm thức. Bạn có thể tìm hiểu các bộ sách như “Teaching English through Art” của Helen Emery hoặc “Teaching English through Drama” của Susan Holden và Mary Hyde.
• Trang web và nguồn tài nguyên trực tuyến. Internet cung cấp một số nguồn tài nguyên miễn phí để dạy tiếng Anh tiềm thức. Một số trang web như TeachingEnglish của BBC và BusyTeacher cung cấp bài giảng, hoạt động và tài liệu tham khảo dành cho giáo viên tiếng Anh. Bạn cũng có thể lựa chọn những kênh YouTube uy tín để bé nghe và xem tiếng Anh thụ động.
• Cộng đồng giáo viên. Giao tiếp và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng giáo viên là một cách tuyệt vời. Bạn có thể tìm hiểu về các nguồn tài liệu, ý tưởng dạy tiếng Anh thụ động cho trẻ.
Tham gia các diễn đàn trực tuyến, nhóm Facebook hoặc các hội thảo giáo dục. Đây là cách tốt nhất để kết nối với giáo viên khác và trao đổi kiến thức.
>>> Tìm hiểu thêm: 6 phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới
Tiếng Anh tiềm thức là phương pháp học tập hiện đại mà bạn có thể áp dụng. Qua đó, bé có thể học ngôn ngữ một cách hiệu quả mà thông minh và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng đây không phải là một phương pháp phát triển não bộ và khả năng ngôn ngữ duy nhất. Ngoài việc áp dụng phương pháp tiếng Anh tiềm thức, bạn có thể cho con tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin và cung cấp môi trường học tập phù hợp. Điều này cũng rất quan trọng để phát triển não bộ và khả năng ngôn ngữ của bé.