Chủ động trong học tập (active learning) được cho là phương pháp học tập thông minh và mang lại hiệu quả cao. Vậy bí quyết để áp dụng thành công phương pháp học tập là gì? ILA gợi ý đến bạn 3 cách học chủ động theo kim tự tháp học tập dễ ứng dụng. Cùng xem nhé!
Chủ động trong học tập là như thế nào?
Active learning (chủ động trong học tập) hiểu đơn giản là “learning by doing!” (học bằng cách làm!). Đây là một loại hình học tập mà học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động đòi hỏi các em phải suy nghĩ và áp dụng những gì mình đang học. Các nhà giáo dục nổi tiếng như Friedrich Fröbel, John Dewey, Maria Montessori và Johann Heinrich Pestalozzi là những người tiên phong áp dụng phương pháp học tập thông minh này.
Khác với cách dạy học truyền thống, trong đó giáo viên là người nói nhiều nhất và học sinh là người lắng nghe thụ động. Kiểu học chủ động đòi hỏi bạn cần phải tích cực đọc, suy nghĩ, nghiên cứu, viết, thảo luận và hợp tác theo nhóm để giải quyết vấn đề. Phương pháp này tập trung vào “cách học” hơn là “nội dung” mà bạn học. Chúng mang tính tương tác và thực hành cao. Đồng thời giúp bạn ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
>>> Tìm hiểu thêm: Chương trình tích hợp là gì và có nên học không?
Ví dụ về phương pháp chủ động trong học tập
Trong lớp tiếng Anh: Học sinh đóng vai thành khách du lịch đến một quốc gia và cùng trò chuyện về đất nước đó. Đây là một cách học nhập vai thực tế để thực hành các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.
Trong lớp Địa lý: Thay vì học thuộc lòng các quốc gia, học sinh chia thành các nhóm nhỏ. Các em được giao một quốc gia để nghiên cứu. Sau đó, mỗi nhóm tạo một bài thuyết trình tương tác ngắn. Bài thuyết trình sử dụng bản đồ, ảnh và thông tin về văn hóa, ngôn ngữ, tiền tệ, biên giới… để chia sẻ những kiến thức với lớp.
Trong lớp Văn học: Thay vì tập trung vào toàn bộ bài đọc, học sinh chia thành các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm phân tích từng đoạn văn và trình bày những quan điểm của nhóm mình trước lớp. Sự tương tác này cho phép các em học hỏi từ góc nhìn của người khác.
>>> Tìm hiểu thêm: Lên cấp 3 cần chuẩn bị những gì? 12 checklist quan trọng
Học chủ động – Lợi ích của phương pháp học tập là gì?
Nhiều cứu cho thấy rằng không thể truyền đạt sự hiểu biết cho học sinh chỉ bằng cách nói cho các em những gì cần biết. Do đó, những phương pháp học tập hiệu quả như học chủ động sẽ mang đến nhiều lợi ích to lớn như sau.
1. Chủ động trong học tập giúp bạn trở thành “người học suốt đời”
Học tập chủ động phát triển tính tự chủ và khả năng học tập của bạn. Chúng giúp bạn kiểm soát tốt hơn quá trình học tập của mình, ngay cả khi đã rời khỏi ghế nhà trường.
2. Hiểu và ghi nhớ bài học tốt hơn
Học tập chủ động cũng liên quan đến nhiều bộ phận của não. Não bộ trở nên linh hoạt hơn khi bạn tham gia vào nhiều hoạt động thay vì chỉ đọc và nghe. Khoa học đã chứng minh rằng các phương pháp học tập cá nhân hóa nội dung và tạo ra nhiều cảm xúc tích cực sẽ khiến cho trải nghiệm trở nên đáng nhớ. Cụ thể, khi bạn được tham gia tranh luận và thảo luận, bạn có thể ghi nhớ ít nhất 50% nội dung bài học.
3. Phương pháp học tập thông minh phát triển kỹ năng tư duy phản biện
Chủ động trong học tập bồi dưỡng kỹ năng tư duy phản biện. Bạn không chỉ tiếp thu thông tin mà còn phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin. Bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định. Tư duy phản biện được xem là một kỹ năng mềm vô cùng cần thiết cho bất kỳ chương trình giáo dục hiện đại nào.
4. Nâng cao kỹ năng hợp tác và giao tiếp
Học tập chủ động thường liên quan đến làm việc nhóm và sự hợp tác. Thông qua các hoạt động và thảo luận nhóm, bạn sẽ phát triển các kỹ năng giao tiếp và học cách làm việc nhóm hiệu quả.
5. Phương pháp học tập cá nhân hấp dẫn và thú vị
Thiếu sự tương tác dẫn đến trải nghiệm học tập cá nhân kém. Chúng gây chán nản và làm sụt giảm tinh thần học tập. Phương pháp học tập chủ động tạo ra các hoạt động tương tác kích thích sự quan tâm và thúc đẩy người học. Điều này tạo nên trải nghiệm học tập thú vị và hiệu quả hơn.
6. Chủ động trong học tập xây dựng sự tự tin
Học tập chủ động khuyến khích bạn thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Bạn được chia sẻ suy nghĩ, thể hiện ý tưởng và bảo vệ quan điểm. Khi thoải mái nói ra ý kiến, bạn dần xây dựng sự tự tin vào chính bản thân mình.
7. Những phương pháp học tập hiệu quả cải thiện kết quả học tập
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh chủ động trong học tập thường đạt được kết quả học tập tốt hơn so với học theo phương pháp truyền thống.
>>> Tìm hiểu thêm: Những câu nói hay về học tập truyền cảm hứng mạnh mẽ
Áp dụng phương pháp học tập thông minh theo kim tự tháp học tập
1. Kim tự tháp học tập là gì?
Kim tự tháp học tập (The Learning Pyramid) là một mô hình học tập được tạo ra bởi nhà giáo dục người Mỹ Edgar Dale vào những năm 1940. Mô hình minh họa bảy phương pháp học tập và hiệu quả của từng phương pháp về mặt ghi nhớ kiến thức.
Kim tự tháp được chia thành hai phần: chủ động và thụ động. Trong đó, các phương pháp chủ động trong học tập có tỷ lệ ghi nhớ kiến thức cao hơn so với phương pháp học thụ động.
Phương pháp học thụ động:
• Lecture – Bài giảng (Tỷ lệ ghi nhớ: 5%).
• Reading – Đọc (Tỷ lệ ghi nhớ: 10%).
• Audio Visual – Học tập bằng âm thanh, hình ảnh (Tỷ lệ ghi nhớ: 20%).
• Demonstration – Thuyết trình (Tỷ lệ ghi nhớ: 30%).
Phương pháp học chủ động:
• Group Discussion – Thảo luận nhóm (Tỷ lệ ghi nhớ: 50%).
• Practiced By Doing – Thực hành (Tỷ lệ ghi nhớ: 75%).
• Teaching Others – Dạy người khác (Tỷ lệ ghi nhớ: 90%).
>>> Tìm hiểu thêm: Nên đi du học nước nào? Tầm quan trọng của việc chọn quốc gia du học
2. Cách áp dụng những phương pháp học tập hiệu quả
Theo mô hình kim tự tháp học tập thì học chủ động có thể là phương pháp học giúp bạn ghi nhớ kiến thức tốt hơn. Có 3 phương pháp học tập cá nhân mà bạn có thể áp dụng:
a. Học qua thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm là sự tham gia tích cực và trao đổi ý tưởng giữa những người học. Chúng cho phép bạn làm rõ những thắc mắc, đào sâu hiểu biết của mình và có được những góc nhìn khác nhau về chủ đề đang thảo luận.
Các cuộc thảo luận nhóm luôn khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Bạn có thể bày tỏ suy nghĩ, đặt câu hỏi và phản biện quan điểm của người khác. Các cuộc thảo luận hiệu quả thúc đẩy tư duy bậc cao. Đồng thời, chúng giúp bạn củng cố kiến thức thu được. Các cuộc thảo luận trong môi trường lớp học có thể tăng cường khả năng ghi nhớ khoảng 50% nội dung bài học.
b. Học qua thực hành – Phương pháp chủ động trong học tập
Học qua thực hành là giai đoạn then chốt trong kim tự tháp học tập. Trong giai đoạn này, bạn được khuyến khích áp dụng kiến thức vào các bài tập, dự án, thí nghiệm, mô phỏng hoặc các tình huống thực tế. Các bài tập thực hành cho thấy rằng học sinh có thể ghi nhớ tới 75% nội dung bài học được truyền đạt.
c. Phương pháp học tập cá nhân dạy cho người khác
Dạy cho người khác là một yếu tố quan trọng trong mô hình kim tự tháp học tập. Chúng đại diện cho một giai đoạn nâng cao của quá trình học tập. Giai đoạn này thừa nhận khái niệm rằng việc dạy một chủ đề cho người khác sẽ nâng cao sự hiểu biết và khả năng ghi nhớ tài liệu của chính người dạy.
Cách áp dụng phương pháp học chủ động này là bạn sẽ chia sẻ kiến thức của mình với bạn bè, thông qua các phương pháp hướng dẫn như thuyết trình. Chúng đòi hỏi bạn phải có trình độ hiểu biết sâu hơn và khả năng truyền đạt thông tin hiệu quả. Do đó, bạn còn phát triển được kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo.
Theo mô hình Kim tự tháp học tập, học sinh có tiềm năng ghi nhớ khoảng 90% những gì các em có thể dạy thành thạo cho người khác.
Trong bài viết này, ILA đã liệt kê về các phương pháp chủ động trong học tập có ảnh hưởng tích cực đến trải nghiệm học tập của bạn. Từ đó, bạn hãy tìm ra phương pháp học tập cá nhân phù hợp để lĩnh hội kiến thức hiệu quả nhất. Chúc bạn thành công!
>>> Tìm hiểu thêm: 5 cách ghi chép từ vựng tiếng Anh mau thuộc, nhớ lâu