Giúp con phát triển trí thông minh nội tâm để hạnh phúc hơn

trí thông minh nội tâm

Tác giả: Tran Trinh

Ba mẹ có biết những danh nhân như Socrates, Albert Einstein và Mahatma Gandhi có điểm gì chung? Những nhân vật xuất chúng này cùng nhiều tên tuổi vĩ đại trên thế giới đều sở hữu trí thông minh nội tâm tuyệt vời.

Khả năng thay đổi thế giới không chỉ nhờ vào trí thông minh logic. Trí thông minh nội tâm cũng góp phần mang đến thành công và hạnh phúc.

Trí thông minh nội tâm là gì?

bé vẽ

Trí thông minh nội tâm hay trí thông minh tự nhận thức bản thân (intrapersonal intelligence) là một trong 8 loại hình trí thông minh do nhà tâm lý học Howard Gardner khởi xướng. Trí thông minh này là khả năng thấu hiểu bản thân, nhận biết cảm xúc, mong muốn và ý định của chính mình.

Trí thông minh nội tâm ở trẻ giúp định hướng đưa ra quyết định đúng đắn. Loại trí thông minh này giúp con xác định mục tiêu cuộc sống quan trọng và tìm cách đạt được nó.

Ngoài ra, trí thông minh nội tâm cũng là một phần quan trọng trong các kết nối xã hội. Khi hiểu bản thân, bé sẽ thấu hiểu và kết nối với người khác tốt hơn. Trí thông minh này còn giúp nuôi dưỡng các mối quan hệ lành mạnh.

Khi bé đạt được ước mơ và có nhiều mối quan hệ tốt, con không những trở thành người thành công mà còn hạnh phúc hơn nhờ trí thông minh nội tâm.

Biểu hiện của trí thông minh nội tâm

trí thông minh nội tâm

Trí thông minh nội tâm không đo lường bằng chỉ số IQ mà được biểu hiện bởi rất nhiều khía cạnh. Trái với trí thông minh tương tác xã hội (interpersonal intelligence), bé có trí thông minh tự nhận thức bản thân thường “hướng vào bên trong” nên không dễ để ba mẹ thấu hiểu.

Vậy làm thế nào để nhận diện trí thông minh nội tâm ở con? Ba mẹ hãy tham khảo những biểu hiện thường gặp dưới đây nhé.

1. Bé nhận thức được giá trị bản thân

Biểu hiện dễ nhận thấy ở bé có trí thông minh tự nhận thức bản thân là con nhận định đúng giá trị của mình. Điều này nghĩa là bé sẽ chống lại những điều đi ngược lại giá trị bản thân.

Chẳng hạn như bé đề cao lòng trung thực nhưng ai đó lại bảo con che giấu sự thật. Khi ấy bé sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái và sẵn sàng dùng tư duy phản biện để bảo vệ giá trị bản thân.

2. Bé có lòng trắc ẩn sâu sắc với mọi người

lòng trắc ẩn là gì

Những bé có trí thông minh tự nhận thức bản thân cao cũng thường có lòng trắc ẩn sâu sắc. Theo bản năng, con sẽ xem bản thân mình thấy thế nào trong tình huống tương tự. Bé hiểu được cảm xúc bên trong mình sẽ áp dụng điều này để đồng cảm với những người khác.

Không dừng lại ở suy nghĩ, con sẽ muốn đưa ra hành động giúp đỡ. Biểu hiện của trí thông minh nội tâm ở đây là bé biết cách lắng nghe và đưa ra lời động viên.

>>> Tìm hiểu thêm: Dạy trẻ lòng trắc ẩn là gì để trở thành người tử tế

3. Bé không cô đơn khi ở một mình

Bé có trí thông minh nội tâm vượt trội thường sẽ không sợ cảm giác ở một mình. Con có đầy đủ bản lĩnh và sự tự tin ngay cả trong tình huống không có ba mẹ. Thay vì sợ hãi, con sẽ sử dụng thời gian đó để thấu hiểu cảm xúc của bản thân.

Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý phân biệt con thấy thoải mái khi ở một mình hay con muốn né tránh các liên kết xã hội. Nếu ba mẹ nhận thấy con có xu hướng thu mình thì nên can thiệp đúng lúc.

4. Trí thông minh nội tâm thể hiện qua cảm xúc

thể hiện qua cảm xúc

Trong nhiều trường hợp, bé sẽ tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân để đưa ra quyết định phù hợp. Điều này có nghĩa là con sẽ không dễ nóng giận mà sẽ biết cách cân bằng trạng thái cảm xúc của mình.

Khi bé điều tiết cảm xúc hợp lý, con sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt và giảm được lo âu. Con cũng thường xuyên chia sẻ với ba mẹ những vấn đề mình gặp phải và nhờ hỗ trợ.

5. Bé có trí thông minh nội tâm biết sửa sai

Biểu hiện của trí thông minh nội tâm ở trẻ còn là ở khía cạnh nhận ra sai lầm và tìm cách sửa sai. Thay vì bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực, bé sẽ xem sai lầm như cơ hội để học hỏi.

Trí thông minh này cho phép con có thêm thời gian để suy ngẫm và ra kế hoạch để không mắc lại sai lầm. Kỹ năng sửa sai này cũng cho thấy kỹ năng giải quyết vấn đề ở bé đấy.

Cách phát triển trí thông minh nội tâm ở trẻ

mẹ và con

Bé có trí thông minh nội tâm cũng có thể nhận thức được trí thông minh của mình. Con biết mục tiêu của mình và những gì cần làm để đạt được chúng. Để đồng hành cùng con trên hành trình phát triển trí thông minh toàn diện, ba mẹ có thể thử một số gợi ý dưới đây.

1. Hướng dẫn bé viết nhật ký

Thói quen viết nhật ký sẽ nhắc nhở bé về mục tiêu trong học tập và cuộc sống. Nhật ký là nơi tuyệt vời để lưu giữ những cuộc trò chuyện với thế giới nội tâm. Đây cũng sẽ là nơi để con nhìn thấy những mặt tốt và chưa tốt cần cải thiện.

Chẳng hạn nếu bé đang gặp khó khăn khi học tiếng Anh, ba mẹ có thể hướng dẫn con ghi ra những vấn đề mình gặp phải. Sau đó, ba mẹ cùng con tìm hiểu các cách học tiếng Anh cho trẻ như: trò chơi tiếng Anh, phim hoạt hình tiếng Anh, bài hát tiếng Anh… Sau đó, ba mẹ cho con ghi vào nhật ký 2-3 phương pháp phù hợp nhất với tính cách riêng.

2. Khích lệ bé đọc sách thường xuyên

bé đọc sách

Bé có trí thông minh tự nhận thức bản thân không ngừng tìm cách để phát triển bản thân. Do đó, ba mẹ nên khuyến khích con đọc sách để nâng cao hiểu biết mỗi ngày.

Thói quen đọc sách giúp bé học được những bài học thú vị trong cuộc sống. Ngoài ra, việc đọc còn phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Chẳng hạn, cách học tiếng Anh qua truyện song ngữ giúp bé vừa nâng cao kỹ năng đọc vừa phát triển tư duy.

>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất 

3. Nhắc bé làm việc có kế hoạch

Kế hoạch thường là một thách thức không nhỏ đối với các bé. Thật khó để bắt đầu nếu con cứ muốn trì hoãn. Để rèn luyện trí thông minh nội tâm ở trẻ, ba mẹ hãy gợi ý con bắt đầu tạo một bảng kế hoạch.

Bé có thể lên lịch các hoạt động và mục tiêu cần thực hiện trong học tập. Sau đó con phải tuân thủ theo kế hoạch và bỏ qua những yếu tố gây xao nhãng. Sau một thời gian, ba mẹ có thể nhận thấy sự thay đổi tích cực trong cách con quản lý thời gian.

>>> Tìm hiểu thêm: Cách lên kế hoạch học tập đơn giản nhưng đầy hiệu quả

4. Nuôi dưỡng tình yêu thương mọi người

Cách dạy trẻ về lòng trắc ẩn

Ba mẹ hãy thường xuyên khuyên bảo trẻ “đặt mình vào vị trí của người khác”. Đây là cách hay để thúc đẩy lòng trắc ẩn bên trong trẻ. Để khơi gợi trí thông minh tự nhận thức bản thân, ba mẹ có thể giải thích niềm vui nhận lại khi giúp đỡ mọi người.

Tình yêu thương đối với người khác ngược lại sẽ cho bé trải nghiệm cảm xúc của chính mình và yêu thương bản thân.

5. Giúp bé tự khuyến khích bản thân

Một trong những cách phát triển trí thông minh nội tâm hiệu quả là để bé tự động viên chính mình. Khi nhận phải những lời phê bình từ người khác, con không nên tự dằn vặt. Đây là lúc bé nên học cách nhìn nhận sai lầm.

Bé cần biết cách trân trọng nỗ lực đã bỏ ra và khắc phục những điều làm chưa tốt. Như vậy, chính bản thân con sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trong mọi tình huống.

6. Đưa ra các mục tiêu phát triển bản thân

học chữ cái bằng thẻ flashcard

Đối với trẻ con, việc đặt mục tiêu không cần quá to lớn. Mọi thứ nên bắt đầu từ những việc dễ thực hiện. Bé có thể đề ra mục tiêu học tập như: từ vựng tiếng Anh, mẫu câu tiếng Anh giao tiếp, luyện nghe tiếng Anh,…

Mục tiêu thúc đẩy bé hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn. Việc đưa ra các mục tiêu và quá trình thực hiện cũng sẽ chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục ở con.

7. Cho bé tham gia các hoạt động xã hội

Việc phát triển trí thông minh nội tâm không chỉ giới hạn ở những suy nghĩ và cảm xúc bên trong. Bé cũng cần học cách hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của người khác trong cộng đồng.

Thông thường bé có trí thông minh tự nhận thức bản thân sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xã hội. Do đó, ba mẹ hãy cùng con tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng để loại bỏ lo âu.

8. Cho bé những khoảng thời gian riêng

trí thông minh nội tâm

Bé có trí thông minh nội tâm sẽ hiểu được cảm xúc của mình khi con có thời gian tự nghiền ngẫm. Ba mẹ nên dành cho con khoảng thời gian riêng để bé đối diện với những cảm xúc của mình.

Trí thông minh nội tâm là một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển tâm lý trẻ em. Càng hiểu rõ bản thân, bé sẽ càng được trang bị tốt hơn để đưa ra những quyết định đúng đắn. Ba mẹ hãy luôn đồng hành để giúp con theo đuổi ước mơ, gặt hái nhiều thành công và sống hạnh phúc hơn nhé!

Nguồn tham khảo

  1. Intrapersonal Intelligence: Definition & Examples – Ngày truy cập: 9/9/2023
  2. The Best Examples of Intrapersonal Intelligence – Ngày truy cập: 9/9/2023
location map