Listening được xem là kỹ năng khó nhất so với với ba kỹ năng Speaking, Reading và Writing trong IELTS. Một trong những phương pháp luyện nghe được áp dụng nhiều là nghe tiếng Anh thụ động. Bài viết sau, ILA sẽ giúp bạn hiểu rõ nghe tiếng Anh thụ động là gì và cách thực hành để nâng trình kỹ năng này.
Nghe tiếng Anh thụ động là gì?
Hãy nghĩ về những cách bạn luyện nghe tiếng Anh. Bạn có nghe podcast khi nấu ăn? Nghe nhạc khi tập thể dục? Xem video Youtube khi đang gấp quần áo? Nếu bạn làm bất kỳ điều nào trong số những điều này, bạn đang nghe tiếng Anh thụ động.
Nghe thụ động (passive listening) là khi bạn nghe nội dung âm thanh nhưng thực sự không tập trung vào nội dung đó. Mục đích chính của việc học tiếng Anh thụ động là giúp bạn làm quen với tiếng Anh theo cách thoải mái nhất. Tức là “chỉ lắng nghe” và không có sự tương tác.
Vậy bạn có nên luyện nghe thụ động không? Câu trả lời của ILA là bạn nên nghe mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng xem nghe tiếng Anh thụ động là phương pháp chính để cải thiện kỹ năng nghe của bạn. Hãy xem đó là công cụ hỗ trợ trong cách học của bạn.
>>> Tìm hiểu thêm: 5 cách cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh hiệu quả nhất
Nghe tiếng Anh thụ động mang lại lợi ích gì?
Nghe tiếng Anh thụ động sẽ phát huy tác dụng khi não bộ của bạn “quá tải” với các thông tin mới. Đó là quá trình xử lý tiềm thức của âm thanh để giúp bạn tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Theo thời gian, luyện nghe bằng phương pháp này sẽ mang đến cho bạn một số lợi ích như:
1. Cải thiện khả năng phản xạ tiếng Anh
Có bao giờ bạn nghe một câu tiếng Anh và dịch nghĩa trong đầu, nhưng phần âm thanh đã chuyển sang câu tiếp theo? Hoặc trong giao tiếp, bạn phải tốn thêm một bước suy nghĩ để dịch ý tưởng từ tiếng Việt sang tiếng Anh không? Lý do gặp phải những tình huống như vậy là vì bạn chưa tiếp xúc đủ với tiếng Anh.
Nếu luyện nghe tiếng Anh thụ động hàng ngày, bạn sẽ tạo ra phản xạ cho não bộ. Não bộ sẽ phản ứng tự nhiên với nguồn thông tin được tiếp nhận, theo phản xạ không điều kiện. Bạn sẽ dần loại bỏ được bước dịch trong đầu.
2. Cải thiện ngữ điệu trong tiếng Anh
Bạn nghe podcast khi thức dậy, nghe nhạc trong giờ nghỉ trưa và xem video yêu thích trên Youtube trước khi đi ngủ. Mỗi ngày, việc lặp lại và luyện tập học tiếng Anh thụ động sẽ giúp bạn làm quen với cách phát âm, cách nhấn nhá, ngữ điệu lên xuống và dừng lại đúng nhịp của người bản xứ.
Theo thời gian, điều này sẽ giúp bạn “hấp thụ” hệ thống ngôn ngữ bản địa một cách tự nhiên hơn để áp dụng cho việc nói sau này.
3. Nghe tiếng Anh thụ động tăng khả năng ghi nhớ kiến thức
Thay vì phải học thuộc lòng, bạn áp dụng cách nghe tiếng Anh thụ động với các đoạn audio có chứa các từ và cụm từ mới. Việc lắng nghe nhiều lần sẽ làm giàu vốn từ vựng. Thêm vào đó, bạn hiểu được cách diễn đạt trong tiếng Anh để ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
4. Học tiếng Anh thụ động là phương pháp học nhẹ nhàng
Với cách nghe thụ động, bạn thoải mái chọn bài nghe theo chủ đề mình yêu thích. Không cần quá chú trọng vào nội dung truyền tải. Bạn còn có thể nghe mọi lúc mọi nơi sẽ mang đến cảm giác thoải mái khi học tiếng Anh.
>>> Tìm hiểu thêm: 6 sai lầm người học tiếng Anh hay mắc phải nhất và giải pháp
Hướng dẫn 7 bước luyện nghe tiếng Anh thụ động
1. Chọn nguồn nghe phù hợp
a. Chọn nguồn nghe chính thống
Bước đầu tiên trong cách luyện nghe tiếng Anh thụ động là phải tìm các nguồn nghe chính chống. Bạn hãy tìm các kênh:
• Radio: TuneIn (nhiều chương trình từ các nước), BBC Radio (Anh), CBC Radio (Canada), NPR (Mỹ), ABC Radio (Úc)…
• Podcast: Learn English Podcast (British Council), Voice of America: Learning English, 6-Minute English (BBC)…
• Audiobook: Với các tựa sách hay như Loyal Books, Open Culture, Overdrive, Scribl, SYNC…
• Youtube: Spotlight English, Eko Languages, Learn English With Calle, Learn English with EnglishClass101.com, Zen English, TED× Talks…
Cố gắng nghe nhiều giọng điệu với các cách diễn đạt khác nhau. Điều đó sẽ giúp cải thiện kỹ năng nghe của bạn.
b. Phù hợp với trình độ
Làm sao để xác định nguồn nghe tiếng Anh thụ động phù hợp với trình độ của bạn? Bạn cần biết level nghe của mình đang ở mức nào.
• Nếu hiểu được 60 – 80% nội dung trong audio, video thì đó là nguồn nghe phù hợp với bạn.
• Nếu khả năng nghe hiểu thấp hơn 60% thì bạn đã chọn nguồn nghe có trình độ cao hơn kỹ năng của mình. Về lâu dài, bạn sẽ không thể cải thiện vì càng nghe càng không hiểu, dễ chán nản, bỏ cuộc.
2. Chủ đề luyện nghe tiếng Anh thụ động là gì?
Ví dụ, bạn tìm một podcast hoặc video trên Youtube nói về kỹ năng bạn muốn học. Kỹ năng đó có thể là nấu một món ăn, khâu nút áo, cách trồng hoa… Hoặc nếu bạn ngưỡng mộ người nổi tiếng như Emma Watson, Jennifer Lawrence… thì cũng đừng ngần ngại chọn video có sự góp mặt của họ. Tóm lại, hãy chọn một chủ đề bạn cảm thấy hứng thú muốn lắng nghe.
Nếu bạn đang học một khóa học cụ thể (IELTS, TOEIC, tiếng Anh giao tiếp) thì hãy chọn audio bài học để nghe tiếng Anh thụ động. Luyện nghe lặp lại mỗi ngày sẽ giúp bạn nâng trình kỹ năng nghe tốt hơn.
3. Nghe không có bản dịch, phụ đề
Sau khi tìm được nguồn nghe chất lượng, bạn chỉ nên lắng nghe đơn thuần. Không bật phụ đề hay bản dịch. Hãy để đôi tai tiếp xúc với âm thanh trong vô thức. Dần dần, bạn sẽ định hình được ý khái quát nhất trong đoạn âm thanh là gì.
>>> Tìm hiểu thêm: Bật mí 11 cách học nói tiếng Anh như người bản xứ
4. Nghe tiếng Anh thụ động thường xuyên
Việc thường xuyên nghe đi nghe lại một bài audio sẽ giúp bạn “đắm mình” trong ngôn ngữ để bắt chước ngữ điệu một cách tự nhiên. Ngoài ra, nghe lặp lại cũng giúp bạn hiểu thêm nhiều nội dung về chủ đề đó.
5. Học từ vựng
Ở bước này, hãy tiến hành một nghiên cứu nhỏ và thu thập tất cả từ vựng liên quan đến chủ đề bạn sẽ nghe. Bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về tài liệu nghe. Hơn nữa, trong quá trình luyện tập, bạn dễ dàng “bắt” được các từ vựng đã học. Khoảnh khắc đó giúp bạn chuyển từ nghe tiếng Anh thụ động (passive listening) sang nghe chủ động (active listening).
6. Nghe cùng phụ đề và bản dịch
Ở bước này, bạn mở bản dịch hoặc phụ đề kèm theo để trau dồi kỹ năng Listening. Bạn kiểm tra xem những gì mình nghe trước đó có chính xác hay không. Việc nghe lại với bản dịch hay phụ đề sẽ giúp bạn biết được lỗi sai và ghi nhớ nội dung lâu hơn.
7. Nghe lại không có phụ đề, bản dịch
Ở bước cuối cùng này, bạn lại tắt phụ đề, bản dịch và chuyển sang nghe “chay”. Nếu đến đây bạn hiểu được gần như toàn bộ nội dung audio, video thì bạn đã đạt được kết quả như mong đợi.
>>> Tìm hiểu thêm: Trọn bộ quy tắc phát âm tiếng Anh chuẩn và đầy đủ nhất
Mẹo học tiếng Anh thụ động hiệu quả
• Nghe tiếng Anh thụ động tập trung vào khả năng nhận biết âm thanh của ngôn ngữ. Mục đích không phải ở mức độ hiểu hết 100% nội dung trong audio, video. Bạn không nên nản lòng nếu không hiểu hết từng từ. Thay vào đó, hãy chú ý đến người nói.
• Hãy dành thời gian để nghe thụ động, kể cả khi bạn đang làm việc nhà, tập thể dục… Cách làm này giúp cho bộ não làm quen với âm thanh và ngữ điệu của người nói tiếng Anh.
• Sử dụng âm thanh và hình ảnh: Những video có thể mang lại trải nghiệm học tập đa giác quan. Chúng đặc biệt hiệu quả đối với việc luyện nghe thụ động vì giúp tăng cường khả năng nhận dạng từ vựng và hiểu ngữ cảnh.
• Nghe tiếng Anh khi ngủ: Một nghiên cứu của nhà khoa học Đức cho thấy não của bạn vẫn có thể học ngay cả khi bạn không thức. Luyện nghe là kỹ năng được khuyến khích thực hành nhiều nhất nếu áp dụng khi đi ngủ. Hiệu quả của nó phụ thuộc phần nhiều vào tài liệu và lộ trình bạn sử dụng.
>>> Tìm hiểu thêm: Top 10 app đọc báo tiếng Anh trau dồi ngoại ngữ tuyệt vời
Bạn có nên chỉ nghe tiếng Anh thụ động không?
Mặc dù học tiếng Anh thụ động đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện các kỹ năng hiểu ngôn ngữ nói chung, thế nhưng vẫn có vài nhược điểm sau:
• Thiếu khả năng ghi nhớ chi tiết: Bạn có thể nhớ được nội dung chính nhưng lại bỏ lỡ những chi tiết cần thiết để đạt được điểm IELTS Listening cao.
• Bỏ lỡ cơ hội phát triển kỹ năng: IELTS không chỉ là bài kiểm tra khả năng ngôn ngữ của bạn. Đó còn là bài đánh giá toàn diện các kỹ năng như hiểu, lập luận… Chỉ dựa vào nghe thụ động sẽ khiến bạn không thể mài giũa những kỹ năng phức tạp này.
• Không có sự phản hồi: Không giống như lắng nghe chủ động, phương pháp nghe tiếng Anh thụ động thường thiếu sự phản hồi. Vì vậy, bạn sẽ không biết ngay là mình đã nắm được chi tiết hay đã bỏ qua nội dung quan trọng.
Tóm lại, một phương pháp học cân bằng, kết hợp cả nghe chủ động và nghe thụ động, sẽ mang đến hiệu quả cao trong quá trình luyện thi IELTS. Ví dụ, với mỗi giờ bạn dành để nghe tiếng Anh thụ động, hãy cân nhắc dành 10 phút để luyện nghe chủ động nhằm nâng cao kỹ năng nghe của bạn.
Trên đây, ILA đã giúp bạn biết được phương pháp nghe tiếng Anh thụ động là gì và các bước để học tiếng Anh thụ động hiệu quả nhất. Hãy thường xuyên áp dụng các bước trên để cải thiện kỹ năng nghe, bạn nhé!
>>> Tìm hiểu thêm: Bật mí cách học tiếng Anh giỏi 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết