Ngữ điệu trong tiếng Anh vô cùng quan trọng trong giao tiếp. Chỉ cần một sự thay đổi trong ngữ âm cũng sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa lời nói của bạn. Hãy đọc hết bài viết này để khám phá các quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh, từ đó giúp bạn nâng cao khả năng giao tiếp của mình.
Ngữ điệu trong tiếng Anh là gì?
Ngữ điệu trong tiếng Anh (intonation) là cách bạn dùng tông giọng lên hoặc xuống, mạnh hoặc nhẹ để thể hiện cảm xúc trong lời nói của mình. Những cảm xúc đó có thể là hạnh phúc, vui vẻ, cảm thông, giận hờn, lo lắng…
Ngữ điệu trong tiếng Anh chẳng khác gì “ý tại ngôn ngoại” giúp bạn truyền tải cảm xúc của mình bên cạnh “nghĩa đen” của ngôn từ. Theo quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh thì hiện có 2 ngữ điệu bao gồm ngữ điệu lên (the rising tune) và ngữ điệu xuống (the falling tune). Nếu bạn áp dụng cách đọc ngữ điệu trong tiếng Anh không chính xác sẽ gây hiểu lầm cho người nghe.
>>> Tìm hiểu thêm: Nhận biết nguyên âm đôi trong tiếng Anh & phát âm chuẩn nhất
Vai trò của ngữ điệu trong tiếng Anh là gì?
Ngữ điệu có 4 chức năng sau đây:
1. Thể hiện cảm xúc, thái độ của người nói
Ngữ điệu trong tiếng Anh sẽ thể hiện mọi cảm xúc của bạn khi giao tiếp. Qua đó, người nghe có thể hiểu rõ được thái độ của bạn là gì. Ví dụ, khi một nhân viên nhà hàng hỏi bạn là: “How’s the salad, madam?”, bạn trả lời “mMMmmm” kèm ngữ điệu lên ở giữa và hạ tone giọng ở cuối. Người nhân viên sẽ hiểu là bạn đánh giá cao món salad đó.
2. Thể hiện ngữ pháp câu nói
Cách đọc đúng ngữ điệu trong tiếng Anh còn có chức năng thể hiện cho cấu trúc ngữ pháp của câu. Ví dụ, từ để hỏi Wh – question thường xuống giọng ở cuối câu. Còn với câu hỏi Yes/No thì lại có ngữ điệu hướng lên.
Nói cách khác, ngữ điệu để phân biệt câu hỏi “Wh” với câu hỏi “Yes/No”. Ngoài ra, nó nhằm báo hiệu sự khác biệt giữa một câu hỏi và câu trần thuật.
3. Ngữ điệu trong tiếng Anh có chức năng trọng âm
Chức năng trọng âm nhằm để nhấn mạnh và hướng sự chú ý của người nghe vào những từ ngữ quan trọng. Từ đó nó làm rõ nội dung mà người nói muốn truyền đạt.
Ví dụ:
• That’s my favourite movie. (Đó là bộ phim yêu thích của tôi).
→ Đây chỉ là một câu nói thể hiện thái độ bình thường, trung lập.
• That’s my favorite movie.
→ Bằng cách nhấn mạnh từ “favorite”, bạn thể hiện rõ hơn cảm nhận của mình về bộ phim.
Ngoài ra, ngữ điệu trong tiếng Anh còn dùng để nhấn mạnh 2 sự tương phản trong câu nói.
Ví dụ:
• Mai grew up in Hanoi, but now she lives in Ho Chi Minh City. (Mai lớn lên ở Hà Nội nhưng giờ cô ấy sống ở Thành phố Hồ Chí Minh).
4. Cách đọc đúng ngữ điệu trong tiếng Anh giúp nội dung câu nói trở nên rõ ràng hơn
Nếu một người nói quá dài nhưng không thay đổi ngữ điệu và nhấn trọng âm vào các từ chính, bạn sẽ khó hiểu được ngay nội dung câu nói của họ. Ngược lại, cách đọc ngữ điệu trong tiếng Anh chuẩn xác sẽ làm cho các ý tưởng trở nên rõ ràng, dễ nhớ hơn rất nhiều.
>>> Tìm hiểu thêm: Bật mí mẹo phát âm ed giúp bạn dễ nhớ khi học tiếng Anh
Một số quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh
1. Quy tắc ngữ điệu lên giọng
Ngữ điệu lên giọng là ngữ điệu mà cao độ của giọng nói sẽ tăng lên ở cuối câu. Ngữ điệu lên giọng thường thể hiện cảm xúc mạnh mẽ, tích cực hoặc dùng nhấn mạnh các từ trong câu. Ngữ điệu trong tiếng Anh này sẽ xuất hiện trong các tình huống sau.
a. Lên giọng ở cuối câu hỏi Yes/No Question
Với hầu hết câu hỏi Yes/No thì người nói sẽ lên giọng ở cuối câu.
Ví dụ:
• Do you like your new ↑teacher? (Bạn có thích giáo viên mới của mình không?)
• May I borrow your ↑dictionary? (Tôi có thể mượn từ điển của bạn được không?)
• Do you have any ↑magazines? (Bạn có cuốn tạp chí nào không?)
>>> Tìm hiểu thêm: Tổng hợp những câu hỏi tiếng Anh thông dụng trong giao tiếp
b. Lên giọng ở cuối câu hỏi đuôi
Bạn dùng ngữ điệu trong tiếng Anh bằng cách lên giọng ở cuối câu hỏi đuôi nhằm thể hiện một sự không chắc chắn. Đồng thời, bạn mong muốn người đó trả lời cho câu hỏi của mình.
Ví dụ:
• We’ve met already, ↑haven’t we? (Chúng ta từng gặp nhau rồi, phải không?)
• You like fish, ↑don’t you? (Bạn không thích cá, đúng không?)
• You’re a new student, ↑aren’t you? (Bạn là học sinh mới, phải không?)
• The view is beautiful, ↑isn’t it? (Quang cảnh thật là đẹp, phải không?)
c. Lên giọng để thể hiện cảm xúc
Khi muốn diễn tả một sự vui mừng, ngạc nhiên hay bất ngờ nào đó, bạn thường lên giọng trong câu nói.
Ví dụ:
• Excuse ↑me? (Xin lỗi)
• I love ↑it. (Tôi yêu nó)
2. Quy tắc ngữ điệu xuống giọng
Quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh xuống giọng là cao độ của giọng nói sẽ giảm ở cuối câu. Ngữ điệu này thường dùng để báo hiệu việc kết thúc một câu nói. Người nói không còn muốn nói gì thêm trong câu. Ngữ điệu xuống giọng cực kỳ hữu ích trong tình huống khi bạn trả lời câu hỏi của người khác hoặc muốn kết thúc một chủ đề thảo luận.
a. Xuống giọng ở cuối câu hỏi Wh-Questions
Wh-Questions là dạng câu hỏi yêu cầu thông tin. Chúng chứa các từ để hỏi bao gồm “what”, “where”, “when”, “who”, “whose”, “why”, “how”. Với dạng câu hỏi này, bạn sẽ xuống giọng ở từ cuối cùng trong câu.
Ví dụ:
• What country do you come ↓from? (Bạn đến từ nước nào?)
• Where do you ↓work? (Bạn làm việc ở đâu?)
• Which of them do you ↓prefer? (Bạn thích cái nào hơn?)
• When does the shop ↓open? (Khi nào cửa hàng mở cửa?)
• How many books have you ↓bought? (Bạn đã mua bao nhiêu quyển sách?)
• Which coat is ↓yours? (Chiếc áo khoác nào của bạn?)
• Whose bag is ↓this? (Túi của ai đây?)
>>> Tìm hiểu thêm: Bài tập đại từ quan hệ who, whom, which, that và whose
b. Xuống giọng ở cuối câu hỏi đuôi
Không phải tất cả các câu hỏi đuôi đều thực sự là câu hỏi. Khi muốn tìm kiếm một sự xác nhận hoặc đồng ý, bạn sẽ xuống giọng ở câu hỏi đuôi.
Ví dụ:
• He thinks he’s so clever, doesn’t ↓he? (Anh ấy nghĩ mình rất thông minh phải không?)
• She’s such a nuisance, isn’t ↓she? (Cô ấy thật là phiền phức phải không?)
• He failed the test because he didn’t study, did ↓he? (Anh ấy trượt bài kiểm tra vì không học tập, phải không?)
• It doesn’t seem to bother him much, does ↓it? (Có vẻ như điều đó không làm anh ấy bận tâm lắm, phải không?)
>>> Tìm hiểu thêm: Cách phát âm s, es cực chuẩn giúp bạn tự tin nói tiếng Anh trôi chảy
c. Xuống giọng cuối câu trần thuật
Quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh ở câu trần thuật là bạn sẽ xuống giọng ở cuối câu. Điều đó biểu thị sự rõ ràng và chắc chắn.
Ví dụ:
• Nice to meet ↓you. (Rất vui được gặp bạn)
• I’ll be back in a ↓minute. (Tôi sẽ quay lại sau phút nữa)
• He doesn’t live here ↓anymore. (Anh ấy không còn sống ở đây nữa)
• Dad wants to change his ↓car. (Bố muốn đổi chiếc ô tô của mình)
• Cloudy weather is expected at the end of the ↓week. (Dự báo thời tiết có nhiều mây vào cuối tuần)
• We should work together more ↓often. (Chúng ta nên làm việc cùng nhau thường xuyên hơn)
• I’m going for a walk in the ↓park. (Tôi định đi dạo trong công viên)
d. Xuống giọng ở câu mệnh lệnh
Bạn xuống giọng ở từ cuối câu mệnh lệnh để nhấn mạnh ý muốn người khác thực hiện trong câu.
Ví dụ:
• Write your name ↓here. (Viết tên của bạn vào đây)
• Show me what you’ve ↓written. (Cho tôi xem những gì bạn đã viết)
• Leave it on the ↓desk. (Để nó trên bàn)
• Take that picture ↓down. (Đưa bức ảnh đó xuống)
• Throw that ↓out. (Vứt nó đi)
• Put your books on the ↓table. (Đặt sách của bạn lên bàn)
• Take your hands out of your ↓pockets. (Bỏ tay ra khỏi túi của bạn)
e. Xuống giọng ở đoạn cuối câu cảm thán
Xuống giọng ở cách đọc ngữ điệu trong tiếng Anh với câu cảm thán nhằm nhấn mạnh vào cảm xúc của người nói.
Ví dụ:
• How nice of ↓you! (Bạn thật tốt)
• That’s just what I ↓need! (Đó chính là điều tôi cần)
• That’s a ↓surprise! (Thật là bất ngờ)
3. Quy tắc cách đọc ngữ điệu trong tiếng Anh lên giọng, xuống giọng
Đôi khi chúng ta sử dụng kết hợp ngữ điệu tăng rồi giảm (lên giọng rồi xuống giọng) trong câu. Ngữ điệu này hữu ích khi bạn muốn nhấn mạnh vào một điều gì cụ thể trong câu. Ngoài ra, bạn có thể dùng ngữ điệu tăng rồi giảm khi muốn thể hiện sự không đồng tình một cách lịch sự.
a. Ngữ điệu trong tiếng Anh với câu hỏi lựa chọn
Ngữ điệu lên xuống thường được dùng để hỏi về sự lựa chọn.
Ví dụ:
• Are you having ↑soup or ↓salad? (Bạn đang ăn súp hay salad?)
• Is John leaving on ↑Thursday or ↓Friday? (John sẽ rời đi vào thứ Năm hay thứ Sáu?)
• Does he speak ↑German or ↓French? (Anh ấy nói tiếng Đức hay tiếng Pháp?)
• Is your name ↑Ava or ↓Eva? (Tên của bạn là Ava hay Eva?)
>>> Tìm hiểu thêm: Trọn bộ hướng dẫn cách đọc số điện thoại trong tiếng Anh
b. Ngữ điệu trong câu liệt kê
Trong dạng câu liệt kê, ngữ điệu thường lên cao ở từ đầu và xuống thấp ở từ cuối để biểu đạt rằng sự liệt kê đã kết thúc.
Ví dụ:
• We’ve got ↑apples, pears, bananas, and ↓oranges (Chúng tôi có táo, lê, chuối và cam)
• The sweater comes in ↑blue, white, pink and ↓black (Áo len có màu xanh, trắng, hồng và đen)
• I like ↑football, tennis, basketball and ↓volleyball. (Tôi thích chơi đá bóng, tennis, bóng rổ và bóng chuyền)
• I bought ↑a tee-shirt, a skirt and a ↓handbag. (Tôi đã mua một chiếc áo phông, một chiếc váy và một chiếc túi xách)
c. Ngữ điệu trong câu suy nghĩ
Ngữ điệu tăng – giảm biểu thị sự dè dặt trong suy nghĩ của người nói. Nói cách khác, người nói ngần ngại bày tỏ đầy đủ suy nghĩ của mình.
Ví dụ:
• Do you like my new handbag? Well the ↑leather is ↓nice… (but I don’t like it.) (Bạn có thích túi xách mới của tôi không? Chà, da thì đẹp nhưng tôi không thích nó)
• What was the meal like? Hmm, the ↑fish was ↓good… (but the rest wasn’t great). (Bữa ăn như thế nào? Cá thì ngon nhưng phần còn lại không ngon lắm)
• So you both live in Los Angeles? Well ↑Alex ↓does … (but I don’t). (Vậy là cả hai bạn đều sống ở Los Angeles à? Chà Alex có nhưng tôi thì không)
d. Ngữ điệu trong câu điều kiện
Cách đọc đúng ngữ điệu trong tiếng Anh trong câu điều kiện với ngữ điệu tăng – giảm đó là: giọng điệu sẽ tăng dần ở mệnh đề thứ nhất và giảm dần ở mệnh đề thứ hai.
Ví dụ:
• If he ↑calls, ask him to leave a ↓message. (Nếu anh ấy gọi, hãy yêu cầu anh ấy để lại tin nhắn)
• Unless he ↑insists, I’m not going to ↓go. (Trừ khi anh ấy nài nỉ, tôi sẽ không đi)
• If you have any ↑problems, just ↓contact us. (Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì, hãy liên lạc với chúng tôi)
>>> Tìm hiểu thêm: Câu điều kiện hỗn hợp: Cách sử dụng và bài tập
4. Cách đọc đúng ngữ điệu trong tiếng Anh lên xuống trong một từ
Chức năng chính của ngữ điệu lên xuống là thể hiện rằng người nói không chắc chắn về câu trả lời mà họ đưa ra cho một câu hỏi. Hoặc họ đang lưỡng lự để trả lời (ngược lại với giọng điệu trầm xuống được sử dụng khi không có sự do dự). Ngữ điệu trong tiếng Anh này còn được dùng trong các yêu cầu hoặc đề nghị lịch sự.
a. Ngữ điệu thể hiện sự do dự, miễn cưỡng
Ví dụ:
• So you’d be willing to confirm that? … Well … I ↓sup↑pose so … (Vậy bạn có sẵn sàng xác nhận điều đó không? Chà, tôi giả sử là…)
• You didn’t see him on Monday? I don’t quite ↓re↑member … (Bạn không gặp anh ấy vào thứ Hai à? Tôi không nhớ rõ lắm…)
b. Ngữ điệu thể hiện sự lịch sự, nghi ngờ, không chắc chắn
Ví dụ:
• Perhaps we could ↓vis↓it the place? (Có lẽ chúng ta có thể đến thăm nơi đó)
• Should we ↓cop↓y the list? (Chúng ta có nên copy danh sách không?)
• Do you think it’s ↓al↓lowed? (Bạn nghĩ nó được phép chứ?)
Mẹo luyện tập cách đọc ngữ điệu trong tiếng Anh
• Xem video có phụ đề tiếng Anh: Bạn xem qua video một lần rồi sau đó luyện nói cùng lúc với video. Hãy cố gắng theo kịp tốc độ và ngữ điệu.
• Đánh dấu ngữ điệu trong tiếng Anh trước khi đọc: Trước khi đọc một đoạn văn, bạn hãy đánh dấu những vị trí nên đọc lên giọng, xuống giọng. Bạn có thể dùng mũi tên như trong bài viết này hoặc dùng ký hiệu nào dễ nhận biết cho bạn.
• Khi đọc ngữ điệu, hãy cố gắng lên giọng thật cao ở chỗ cần tăng giọng. Điều đó sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn.
• Ghi âm lại những gì bạn nói: Hãy chọn một đoạn văn có nhiều loại câu khác nhau, đọc và ghi âm lại. Sau đó bạn nghe bản ghi âm của mình và tự đánh giá xem cách tăng – giảm giọng của bạn có tự nhiên không.
• Các bài hát tiếng Anh hiện đại cũng là một cách hữu ích để học trọng âm, nhịp điệu và ngữ điệu trong tiếng Anh. Để bắt đầu, hãy thử hát (hoặc nói to) lời bài hát mà bạn thấy dễ hiểu. Chỉ sau một thời gian, bạn sẽ thấy khả năng phát âm của mình được cải thiện nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của các tài liệu âm thanh.
>>> Tìm hiểu thêm: Cách đọc ngày tháng trong tiếng Anh chuẩn nhất
ILA đã giúp bạn nắm được các quy tắc ngữ điệu trong tiếng Anh. Đừng quên áp dụng chúng vào thực tế để nâng cao kỹ năng giao tiếp của bạn nhé.