Bé đi nhà trẻ thời điểm nào là hợp lý? Ba mẹ cần chuẩn bị gì?

Bé đi nhà trẻ thời điểm nào là hợp lý? Ba mẹ cần chuẩn bị gì?

Tác giả: Huynh Suong

Bé đi nhà trẻ sẽ làm quen với môi trường mới, học thêm kỹ năng sống, phát triển trí tuệ và thể chất. Đây là giai đoạn quan trọng, làm tiền đề cho bé vào tiểu học. Vậy khi nào nên cho bé đi nhà trẻ? Ba mẹ cần chuẩn bị tâm thế cho con đến trường mầm non như thế nào? Trẻ 3 tuổi học gì ở trường mầm non? Tất cả sẽ được giải đáp ở dưới đây.

Bé đi nhà trẻ ở độ tuổi nào?

Độ tuổi cho bé đi nhà trẻ có sự khác biệt tùy theo từng quốc gia và hệ thống giáo dục. Dưới đây là thông tin tham khảo về độ tuổi đi nhà trẻ ở một số quốc gia trên thế giới:

Hoa Kỳ: Tùy vào từng tiểu bang, nhưng nhìn chung, độ tuổi đi học mẫu giáo theo quy định là 5 tuổi. Trước đó, bé từ 2 – 5 tuổi có thể đi nhà trẻ.

Pháp: Ở Pháp, các chương trình mẫu giáo chính thức sẽ bắt đầu cho trẻ từ 3 tuổi.

• Thụy Điển: Trẻ em ở quốc gia này có thể đi nhà trẻ từ lúc 1 tuổi.

Phần Lan: Phần Lan không yêu cầu trẻ nhỏ phải đi học mẫu giáo trước khi vào tiểu học. Tuy nhiên, vẫn có các nhà trẻ cho bé dưới 6 tuổi.

Anh: Độ tuổi bé có thể bắt đầu đi nhà trẻ là từ 3 tháng tuổi. Các chương trình giáo dục chính thức cho trẻ thường bắt đầu từ 3 tuổi. Chương trình mầm non thường kéo dài đến khi trẻ 5 tuổi.

Nhật Bản: Gần như 100% trẻ em Nhật dưới 5 tuổi đều đi học mẫu giáo. Độ tuổi bắt đầu đi nhà trẻ thường không quy định cụ thể. Các trường tư ở Nhật có thể nhận bé từ 6 tháng.

Việt Nam: Độ tuổi phổ biến để bé đi nhà trẻ ở Việt Nam là từ 18 tháng đến 3 tuổi. Một số gia đình không sắp xếp được người chăm nên bé có thể đi nhà trẻ từ lúc 6 tháng tuổi.

>>> Tìm hiểu thêm: 6 phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến trên thế giới

Ba mẹ nên cho bé đi nhà trẻ khi nào?

Ba mẹ nên cho bé đi nhà trẻ khi nào?

Nhiều ba mẹ lo lắng về vấn đề có nên gửi trẻ 18 tháng tuổi đi học. Nhìn chung, khi nào cho bé đi nhà trẻ phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình và sự sẵn sàng của con. Có những bé đã đi nhà trẻ từ 5 – 6 tháng tuổi. Cũng có bé đến 3 tuổi mới bắt đầu đi mẫu giáo. Ba mẹ cần dựa trên sự phát triển cá nhân của trẻ và nhu cầu của gia đình. Hãy đảm bảo rằng môi trường mà bé sẽ tham gia là phù hợp và bé cảm thấy an toàn, vui vẻ để có thể phát triển tốt nhất. Dưới đây là một số điểm thuận lợi để ba mẹ quyết định cho bé đi nhà trẻ.

1. Bé phát triển về thể chất và tâm lý ở mức độ nhất định

Thông thường, bé từ 18 tháng đã có thể học được một số kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản. Từ 18 tháng đến 3 tuổi, bạn có thể tập cho bé tự ăn uống và vệ sinh cá nhân cơ bản. Bé cũng dần giảm bớt sự phụ thuộc vào người nuôi dưỡng. Bé có thể tự chơi một mình hoặc dễ làm quen với những người bạn mới.

Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi trẻ là khác nhau. Điều quan trọng là ba mẹ cần đánh giá mức độ sẵn sàng của con.

>>> Tìm hiểu thêm: Phát triển tâm lý trẻ em: Ba mẹ đồng hành cùng con trưởng thành

2. Bé hứng thú khám phá môi trường bên ngoài

Khi bé đi nhà trẻ, con sẽ tiếp xúc với môi trường mới và phải giao tiếp với những người lạ ngoài gia đình. Nếu chưa sẵn sàng cho điều này, bé dễ hoảng sợ và quấy khóc trong thời gian đầu. Ngược lại, nếu bé ham thích việc làm quen, hứng thú khi được ra ngoài, đó là dấu hiệu tốt để bé thích nghi với việc đi nhà trẻ.

3. Khi gia đình không sắp xếp được người chăm sóc

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quyết định cho bé đi nhà trẻ là do không có người trông. Nhiều gia đình không có ông bà hay người giúp việc chăm bé khi ba mẹ quay trở lại công việc. Lúc này, nhà trẻ là giải pháp hợp lý. Nhiều nhà trẻ hiện nay nhận giữ bé từ 5 – 6 tháng.

4. Bé đi nhà trẻ khi ba mẹ tìm được môi trường phù hợp

Môi trường nhà trẻ cần phải phù hợp với nhu cầu và tính cách của bé. Việc lựa chọn nhà trẻ có chất lượng tốt giúp bé hòa nhập nhanh chóng và cảm thấy thoải mái. Nếu tìm được môi trường cảm thấy tin tưởng, đáp ứng được nhu cầu, ba mẹ có thể cân nhắc về việc cho bé đi nhà trẻ nhé.

>>> Tìm hiểu thêm: Chương trình giáo dục mầm non mới nhất giúp bé phát triển toàn diện

Ba mẹ cần chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ như thế nào?

Chuẩn bị tâm lý cho bé

Ba mẹ cần chú ý một số bước quan trọng để giúp bé cảm thấy thoải mái và dễ dàng hòa nhập với môi trường mới. Dưới đây là những điều ba mẹ cần chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ.

1. Chuẩn bị tâm lý cho bé

Ba mẹ cần trò chuyện với bé về việc đi nhà trẻ một cách đơn giản và tích cực. Bạn hãy giới thiệu rằng bé sẽ chơi cùng nhiều bạn bè mới, học nhiều điều thú vị. Bạn cũng có thể mô tả những hoạt động hàng ngày ở trường như vẽ tranh, chơi trò chơi, ca hát.

Ngoài ra, bạn cũng nên cho bé đến một số trường mầm non để tham quan, làm quen. Điều này giúp khơi gợi sự hứng thú, giảm một số nỗi lo sợ của bé trước khi bước vào môi trường mới.

2. Chuẩn bị tâm lý cho ba mẹ

Bên cạnh việc trò chuyện để lên tinh thần cho bé, ba mẹ cũng là người cần được chuẩn bị tâm lý. Bạn cần làm quen với việc không ở cạnh và chăm sóc bé suốt một ngày dài. Bạn cũng chuẩn bị tinh thần cho những cơn quấy khóc vào những ngày đi học đầu tiên. Việc bạn chuẩn bị tâm thế cho con đến trường mầm non như thế nào ảnh hưởng rất nhiều đến bé.

Lần đầu tiên cho bé đi nhà trẻ có thể khiến ba mẹ cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, bạn hãy giữ tinh thần bình tĩnh. Bé sẽ cảm nhận được cảm xúc của ba mẹ. Vì vậy, nếu ba mẹ lo lắng, bé cũng sẽ cảm thấy bất an.

3. Chuẩn bị về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe

Trước khi gửi bé đi nhà trẻ, bạn nên kiểm tra về việc tiêm phòng để đảm bảo con đã có đủ các mũi tiêm cần thiết. Hãy cho bé đi học khi con có thể trạng tốt nhất. Điều này hạn chế sự mệt mỏi hay nguy cơ ốm vặt trong những ngày đầu con làm quen lớp. Nếu bé có vấn đề về dị ứng hay yêu cầu đặc biệt trong ăn uống, bạn nên thông báo cho nhà trường.

>>> Tìm hiểu thêm: Tháp dinh dưỡng cho trẻ mầm non: Cần lưu ý điều gì?

4. Bé đi nhà trẻ cần chuẩn bị đồ dùng cần thiết

Bé đi nhà trẻ thường cần chuẩn bị quần áo, bỉm (nếu bé dưới 3 tuổi), sữa và các vật dụng cá nhân khác. Về quần áo, bạn nên ưu tiên những bộ dễ mặc, dễ tháo, chất liệu mềm mại, thoải mái.

Một số món đồ khác bạn có thể cần chuẩn bị như: chăn, mền hoặc túi ngủ, gối nằm, khăn lau, bình nước. Nếu bé chưa quen với thức ăn ở trường, bạn cần chuẩn bị thức ăn riêng cho con.

5. Rèn luyện một số kỹ năng cơ bản cho bé

Trước khi bé đi trẻ, bạn có thể tập cho con làm một số kỹ năng chăm sóc bản thân phù hợp với từng độ tuổi. Thông thường, bé trên 2 tuổi có thể tự ăn, bé 3 tuổi có thể tự đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo. Điều này sẽ giúp bé tự tin hơn khi đến trường. Ngoài ra, bạn hãy giúp bé xây dựng một lịch sinh hoạt khoa học. Bé nên làm quen với việc ăn, ngủ đúng giờ. Thói quen này giúp con dễ thích nghi khi sinh hoạt trong môi trường nhà trẻ.

>>> Tìm hiểu thêm: 9 cách dạy trẻ kỹ năng sống để thành công

6. Chọn lựa nhà trẻ phù hợp khi bé đi nhà trẻ

Trước khi quyết định gửi bé đi trẻ, ba mẹ cần dành thời gian tìm hiểu và tham quan một số trường để có cơ sở chọn lựa. Bạn nên chọn nhà trẻ có chương trình học phù hợp và môi trường an toàn, thân thiện. Các yếu tố về cơ sở vật chất, môi trường, đội ngũ giáo viên và các hoạt động mà trường tổ chức đều đóng vai trò quan trọng. Bạn có thể cho bé học một vài buổi để bé dần làm quen.

7. Giao tiếp với giáo viên

Bạn nên chia sẻ với giáo viên về những thói quen và sở thích đặc biệt của bé. Bé thích trò chơi nào? Bé có thói quen trước khi ngủ ra sao? Bé sẽ quấy khóc khi rơi vào tình huống nào? Các thông tin này sẽ giúp cô giáo chăm sóc bé tốt hơn.

>>> Tìm hiểu thêm: Bí quyết dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non hiệu quả tại nhà

Trẻ 3 tuổi học gì ở trường mầm non?

Trẻ 3 tuổi học gì ở trường mầm non?

Ở độ tuổi 3, bé bắt đầu có khả năng nhận thức, giao tiếp và tương tác với môi trường xung quanh tốt hơn. Chương trình học cho trẻ 3 tuổi thường tập trung vào phát triển thể chất, ngôn ngữ và kỹ năng sống cho bé.

1. Phát triển thể chất

Bé 3 tuổi sẽ được tham gia vào các hoạt động như nhảy, chạy, leo trèo để cơ thể dẻo dai, tăng khả năng phối hợp. Đồng thời, bé cũng rèn luyện khả năng khéo léo thông qua các môn như vẽ, tô màu, xé giấy, cắt (bằng kéo an toàn), xếp hình.

2. Phát triển ngôn ngữ

Bé đi nhà trẻ lúc 3 tuổi thường đã có vốn ngôn ngữ nhất định. Bé có thể nhận biết và kể lại sự việc đơn giản. Khi đi học, bé sẽ học thêm nhiều từ mới. Đặc biệt là những từ mô tả hành động, đồ vật và cảm xúc. Cô giáo sẽ hướng dẫn bé thông qua trò chuyện, đọc sách, kể chuyện và các hoạt động giao tiếp khác. Bé cũng học cách lắng nghe khi cô giảng bài. Từ đó, con cải thiện khả năng nghe hiểu. Ngoài ra, với môi trường có nhiều bạn bè, con sẽ cải thiện khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin.

3. Rèn luyện kỹ năng chăm sóc bản thân

Bé sẽ học cách tự làm một số việc như rửa tay, ăn uống, mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi, tự đi vệ sinh. Các cô sẽ giúp con phát triển các kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Từ đó, bé trở nên tự lập và phát triển sự tự tin.

4. Học các kỹ năng xã hội

Bé đi nhà trẻ 3 tuổi học gì ở trường mầm non? Bé sẽ được dạy cách chơi cùng bạn bè, chia sẻ đồ chơi và hợp tác trong các trò chơi nhóm. Việc này giúp bé học các kỹ năng xã hội như kiên nhẫn, chờ đợi lượt chơi và làm việc nhóm. Bé cũng học các kỹ năng về chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, lịch sự nơi công cộng. Ngoài ra, con cũng biết cách kiểm soát cảm xúc và thể hiện cảm xúc một cách tích cực hơn.

5. Phát triển tư duy, sáng tạo và thẩm mỹ

Bé 3 tuổi sẽ được tham gia nhiều hoạt động như vẽ tranh, lắp ráp, ca hát, nhảy múa, kể chuyện. Các hoạt động này giúp bé phát triển khả năng sáng tạo, thẩm mỹ và cả tư duy.

>>> Tìm hiểu thêm: Nắm bắt thời kỳ VÀNG cho con phát triển tư duy sáng tạo

6. Tham gia các buổi ngoại khóa

Các buổi dã ngoại, sinh hoạt ngoài trời là một trong những hoạt động bổ ích trong chương trình học cho bé mầm non. Bé sẽ tham gia các hoạt động ngoài trời như chăm sóc cây cối, quan sát động vật. Những hoạt động này giúp con phát triển sự tò mò và yêu thích khám phá thiên nhiên.

Các bài thơ bé đi nhà trẻ

bé làm nông dân

Khi con chuẩn bị đi nhà trẻ, ba mẹ có thể trò chuyện và đọc thơ về chủ đề này cho bé nghe. Dưới đây là một số bài thơ sưu tầm về chủ đề bé đi nhà trẻ.

Bài số 1:

Bé đi nhà trẻ
Bằng xe mẹ đèo
Ơ, con bướm nhỏ
Cứ đòi bay theo.
Bướm ơi, bướm ơi
Kìa hoa huệ trắng
Kìa, hoa cúc vàng
Hoa bèo như lửa
Nở trong ao làng…
Bướm bay theo thế
Quên loài hoa chăng?
Bướm hay dối mẹ
Bướm hay la cà
Bướm hư lắm đấy
Mẹ không yêu mà!
Nếu bướm cũng ngoan
Biết nghe lời mẹ
Cùng đi nhà trẻ
Lên xe, mẹ đèo.
Tác giả: Nguyễn Anh Nông.

Bài số 2:

Bé đi nhà trẻ
Trường lớp mới mẻ
Lạ cô cùng bạn
Bé không vào lớp
Ôm chầm cổ mẹ
Cô giáo nhè nhẹ
Chào mẹ đi con
Vào lớp cùng cô
Có nhiều các bạn
Nhiều đồ chơi mới
Bé cùng chơi ngoan
Chiều mẹ đến đón
Bé cười thật tươi
Bé đi nhà trẻ
Vui ơi là vui.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

>>> Tìm hiểu thêm: Lộ trình học tiếng Anh cho trẻ từ mầm non tới tiểu học

Chuẩn bị cho bé đi nhà trẻ không chỉ là chuẩn bị về đồ dùng mà còn là sự chuẩn bị về tâm lý và thói quen sinh hoạt. Nhà trẻ là nơi bé học hỏi, khám phá và phát triển bản thân, làm quen với nhiều bạn mới. Ba mẹ cần kiên nhẫn và tích cực để giúp bé có một khởi đầu thuận lợi và vui vẻ tại môi trường mới.

Nguồn tham khảo

1. Nursery Age: When Can My Child Start? – Ngày truy cập 27-11-2024

2. When is the right time to start nursery?  – Ngày truy cập 27-11-2024

location map