Mách mẹ 10+ cách dạy kỹ năng đọc sách cho bé siêu đơn giản

10+ cách dạy kỹ năng đọc sách cho bé siêu đơn giản

Tác giả: Nguyen Hong

“Khi chúng ta đặt vào tay trẻ một cuốn sách, ta đã trao cho bé cơ hội để thay đổi cuộc đời theo cách tốt đẹp hơn”. Sách là người bạn tốt giúp bé nuôi dưỡng sự sáng tạo, tư duy phản biện và khám phá kiến ​​thức. Nhưng làm thế nào để dạy bé kỹ năng đọc sách từ sớm? ILA chia sẻ đến bạn 10+ cách để đọc sách hiệu quả cho bé trong bài viết sau.

Trẻ đọc sách ở độ tuổi nào?

Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển kỹ năng đọc theo tốc độ của riêng mình. Nhìn chung, bé thường phát triển kỹ năng đọc sách bắt đầu ở độ tuổi từ 3 – 5.

1. Kỹ năng đọc sách ở độ tuổi 3 – 4

• Con bắt đầu nhận biết khoảng một nửa số chữ cái trong bảng chữ cái. Con nhận biết rõ chữ cái trong tên của mình.

• Biết cầm và lật mở trang sách đúng cách.

• Hiểu rằng các từ được đọc từ trái sang phải và các trang được đọc từ trên xuống dưới.

• Bắt đầu chú ý đến những từ có vần điệu.

• Thường “giả vờ đọc” và biết kế lại câu chuyện.

2. Độ tuổi 4 – 5

• Bé hiểu được mối liên hệ giữa chữ cái và âm thanh (nhận thức âm vị). Phát âm những từ đơn giản.

• Bắt đầu nhận diện từ bằng cách nhìn mà không cần phải đọc.

• Hỏi và trả lời các câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao và như thế nào về một câu chuyện.

• Biết kể lại một câu chuyện theo thứ tự. Sử dụng ngôn ngữ kể chuyện trong giờ chơi hoặc khi trò chuyện (ví dụ, con rồng nói: “Tôi có thể bay!”)

• Bắt đầu học đọc và lựa chọn cuốn sách yêu thích.

3. Độ tuổi 6 – 7

• Học các quy tắc chính tả.

• Tiếp tục tăng số lượng từ mà bé nhận ra bằng thị giác.

• Cải thiện sự lưu loát và tốc độ đọc.

• Đọc và hiểu các từ không quen thuộc dựa vào ngữ cảnh gợi ý trong câu chuyện.

• Liên tưởng, kết nối những gì bé đang đọc với những trải nghiệm cá nhân.

>>> Tìm hiểu thêm: Top sách tiếng Anh cho bé học hiệu quả nhất

Vì sao nên dạy kỹ năng đọc sách hiệu quả cho trẻ?

mẹ và con đọc sách

Nghiên cứu của Cambridge phát hiện ra rằng: “Trẻ nhỏ đọc sách sớm sẽ nâng cao hiệu suất nhận thức và sức khỏe tinh thần. Đồng thời trẻ có cấu trúc não tốt hơn ở tuổi vị thành niên”. Đọc sách kích thích các đường dẫn thần kinh và thúc đẩy kết nối trong não, tăng cường khả năng nhận thức như trí nhớ, khả năng tập trungtư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề.

Lợi ích của việc đọc sách không chỉ giới hạn ở thành công trong học tập. Đọc sách còn mang lại những giá trị lớn lao như: giúp trẻ phát triển ngôn ngữ; bồi dưỡng lòng thấu cảm; phát huy tính sáng tạo; xây dựng sự độc lập và tự tin. Ba mẹ dành thời gian đọc sách cùng con mỗi ngày còn mang đến cho bé cảm giác được quan tâm và yêu thương. Đó là chìa khóa để nuôi dưỡng một em bé hạnh phúc.

>>> Tìm hiểu thêm: Top 20 truyện tiếng Anh cho bé hay và ý nghĩa nhất 2023

Cách dạy trẻ kỹ năng đọc sách cơ bản

kỹ năng đọc sách cơ bản

Trẻ cần được dạy một số kỹ năng đọc cơ bản trước khi biết cách để đọc sách hiệu quả. Bởi vì sự thành thạo trong kỹ năng này sẽ quyết định liệu bé có thể đọc trôi chảy và hiểu được những gì mình đang đọc hay không.

1. Nhận thức âm vị

Nhận thức về âm vị là bước đầu tiên trong việc học kỹ năng đọc sách. Các từ được tạo thành từ các âm thanh riêng lẻ, được gọi là âm vị. Nhận thức âm vị là quá trình bé lắng các âm thanh riêng lẻ trong các từ, nhận dạng và sử dụng chúng khi nói và sau đó là viết.

Ví dụ: Bé nhận biết từ “mèo” được tạo thành 3 đơn vị âm thanh riêng lẻ là: m/è/o.

Cách để giúp trẻ phát triển nhận thức âm vị là thường xuyên đọc sách cùng trẻ, cho trẻ lắng nghe các bài hát thiếu nhi có vần điệu và nhịp điệu đơn giản…

2. Dạy ngữ âm để rèn luyện kỹ năng đọc sách

Dạy ngữ âm cho trẻ là một phần quan trọng trong việc phát triển kỹ năng đọc sách. Khi được khoảng 4 – 5 tuổi, trẻ có thể bắt đầu học các âm cơ bản và cách chúng kết hợp với nhau để tạo ra từ.

Bạn hãy bắt đầu dạy từ các âm đơn giản và cách kết hợp cơ bản. Ví dụ, âm chữ cái là: a (a), bờ (b), cờ (c)… và khi đọc thì dùng những âm này để ghép vần và đọc được từ như: nờ a na (na), bờ a ba (ba)…. Hãy cùng trẻ chơi các trò chơi đố chữ hoặc đọc cuốn sách phù hợp độ tuổi để dạy trẻ cách ghép vần.

Ngoài ra, khi dạy trẻ bảng chữ cái, bạn hãy bắt đầu với chữ in hoa. Chữ in hoa dễ phân biệt với nhau hơn và dễ nhận dạng hơn so với chữ thường. Trò chơi nhận biết chữ cái rất hữu ích và thú vị với trẻ. Bạn dùng giấy nhám cắt chữ in hoa rồi đặt vào tay trẻ. Con sẽ dùng xúc giác để đoán chữ cái đang cầm.

3. Làm thế nào để đọc sách hiệu quả? Mở rộng vốn từ vựng

Trẻ em càng đọc và nghe nhiều từ thì càng có vốn từ vựng phong phú. Bé cần học nghĩa của từ để hiểu những gì con đọc và diễn đạt hiệu quả.

Nói chuyện thường xuyên với con và rèn luyện kỹ năng kể chuyện có thể giúp tăng vốn từ vựng cho bé. Ngoài ra, khi cùng trẻ đọc sách, bạn hãy tìm ra một từ vựng mới và nói về từ đó. Ví dụ, nếu câu chuyện có từ “dũng cảm”, hãy hỏi trẻ nghĩ từ đó có nghĩa là gì. Sau đó chia sẻ định nghĩa mà bạn biết. Nhấn mạnh cách phát âm của các từ mới để giúp trẻ kết nối ngữ âm với các chữ cái trong từ.

4. Dạy kỹ năng đọc sách hiệu quả và trôi chảy

Khi trẻ phát triển nhận thức âm vị, ngữ âm và vốn từ vựng, trẻ sẽ có kỹ năng đọc sách tốt hơn. Sự trôi chảy là khả năng nhận diện từ ngữ và hiểu nhanh chóng những gì đang đọc. Con không phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa từng từ.

Bạn hãy khuyến khích trẻ đọc càng nhiều càng tốt. Hãy đọc to cho con nghe hoặc dùng sách nói để giúp con hiểu được âm thanh của việc đọc trôi chảy là như thế nào.

5. Xây dựng kỹ năng đọc hiểu

Đọc hiểu là khả năng bé đọc và hiểu rõ được nội dung về câu chuyện, thông tin… được đưa ra. Phát triển kỹ năng đọc hiểu ngay từ sớm sẽ giúp ích rất nhiều cho bé trong quá trình học tập sau này.

Nhiều trẻ em có thể đắm chìm vào câu chuyện mình đọc, hình dung ra các nhân vật và đôi khi còn tưởng tượng ra những chi tiết không có trong sách. Đây là những dấu hiệu cho thấy bé có khả năng hiểu biết một cách đầy đủ và phong phú những điều con được đọc. Bạn hãy khuyến khích con kể nội dung trong sách để theo dõi mức độ hiểu và cải thiện kỹ năng đọc sách cho bé nhé.

>>> Tìm hiểu thêm: Con lười học phải làm sao? 12 cách tạo động lực cho bé

Các phương pháp đọc sách hiệu quả cho trẻ

ba mẹ con

1. Dạy trẻ đọc sách khi còn nhỏ

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có thể nhìn vào hình ảnh và lắng nghe giọng nói của bạn. Bạn hãy chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, có những câu chuyện hấp dẫn và hình minh họa đầy màu sắc. Đọc to cho bé nghe và chỉ vào bức tranh trên trang sách, nói tên của các đồ vật xuất hiện. Phương pháp này cung cấp cho trẻ hai nguồn thông tin: Hiểu biết về các đồ vật xung quanh và hiểu được tầm quan trọng của ngôn ngữ. Ngay cả khi trẻ có thể tự đọc, bạn vẫn nên đọc to cùng trẻ để luyện tập.

Đọc sách cùng nhau còn tạo ra trải nghiệm gắn kết tích cực và thú vị. Đồng thời giúp trẻ em tiếp xúc với niềm vui kể chuyện.

2. Cách để đọc sách hiệu quả là giới thiệu nhiều cuốn sách

Nghiên cứu cho thấy rằng việc cho bé tiếp cận nhiều loại sách khác nhau có tác động mạnh mẽ đến sở thích đọc sách sau này của bé. Bạn hãy giới thiệu càng nhiều thể loại sách cho con càng tốt. Thậm chí, mỗi từ trẻ nhìn thấy đều rất hữu ích cho sự phát triển kỹ năng đọc sách. Vì vậy, hãy khuyến khích trẻ đọc mọi lúc mọi nơi nếu có thể.

3. Cho trẻ tự chọn sách

Một số bé thích truyện khoa học viễn tưởng hoặc phiêu lưu. Những bé khác thấy sách thông tin hấp dẫn hơn. Bạn nên để cho trẻ đọc những cuốn sách mà con quan tâm nhất. Trẻ sẽ càng yêu thích đọc sách khi được tự do khám phá sở thích của mình.

>>> Tìm hiểu thêm: Tiết lộ 11 cách dạy trẻ đọc nhanh siêu hiệu quả

4. Hãy kiên nhẫn dạy trẻ kỹ năng đọc sách

bé đọc sách

Làm sao một đứa trẻ biết đọc từ trái sang phải nếu bạn không dùng tay chỉ vào các từ khi đọc? Làm sao con biết rằng mỗi nét chữ nguệch ngoạc trên trang giấy tượng trưng cho một từ? Hãy dành thời gian và kiên nhẫn dạy trẻ kỹ năng đọc sách cho đến khi con tự đọc được.

5. Phương pháp đọc sách là trò chuyện cùng con

Ba mẹ nên dạy bé cách đọc chủ động thay vì thụ động bằng cách hỏi về những gì con đã đọc. Lúc đầu, trẻ sẽ tập trung vào việc nhận dạng các từ. Nhưng sau đó, con sẽ nắm được ý chính của câu chuyện. Khi đã quen dần, con còn có thể kể cho bạn nghe thêm về các chi tiết nữa đấy.

Tùy theo độ tuổi của bé mà bạn có thể đưa ra những câu hỏi phù hợp. Đối với trẻ nhỏ hơn, hãy hướng sự chú ý của trẻ vào các bức hình. Ví dụ: “Con có thấy chiếc thuyền không?”, “Con mèo có màu gì?”. Với trẻ lớn hơn, bạn đặt câu hỏi: “Con có thích câu chuyện đó không?”, “Nhân vật yêu thích của con là ai?”, “Con nghĩ tại sao chú chim nhỏ lại sợ hãi?”…

6. Chia thời gian đọc sách cùng bé

Với trẻ mới biết đọc, bạn đọc một dòng rồi để cho con đọc dòng tiếp theo. Đối với trẻ lớn hơn, bạn đọc một trang và để con đọc trang tiếp theo. Áp dụng phương pháp đọc sách này sẽ giúp con cảm thấy có năng lực và tự tin để duy trì động lực.

7. Tạo môi trường đọc sách phù hợp

Trẻ rất khó tập trung đọc sách trong môi trường có nhiều tiếng ồn gây xao nhãng. Do đó, bạn hãy tạo một không gian yên tĩnh và phù hợp để bé có thể thoải mái khám phá thế giới kỳ diệu của sách.

8. Luyện kỹ năng đọc sách hiệu quả bằng trò chơi nhập vai

Khuyến khích bé nhập vai vào một nhân vật yêu thích trong câu chuyện. Đây là một cách tuyệt vời để tạo ra trải nghiệm đọc sách thú vị và nuôi dưỡng tình yêu với sách của trẻ nhỏ.

9. Đừng chỉ nên đọc sách

Mặc dù sách là một người bạn tuyệt vời hỗ trợ kỹ năng đọc của bé, nhưng bạn nên khuyến khích con đọc nhiều loại văn bản khác nhau. Đó có thể là các đồ vật hàng ngày, như biển báo đường bộ và tranh treo tường. Đây là một trong những phương pháp dạy đọc hiệu quả với bé chưa thích đọc sách. Cách làm này cũng hỗ trợ khả năng đọc trôi chảy sau này.

Reading is the best gift you can give a child – Dạy kỹ năng đọc sách là món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng cho con. Với các phương pháp đọc sách hiệu quả cho trẻ trên đây, ba mẹ có thể giúp bé hình thành thói quen đọc sách từ sớm để nuôi dưỡng tình yêu học tập suốt đời.

>>> Tìm hiểu thêm: 11 cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý cha mẹ nên biết

Nguồn tham khảo

1. Reading Skills Development for Kids – Ngày truy cập 12-12-2024

2. Teaching children to read – Ngày truy cập 12-12-2024

location map