Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn thành công trong học tập và công việc. Thế nhưng, để “làm chủ” được kỹ năng này không phải đơn giản, bạn sẽ phải giành rất nhiều thời gian để luyện tập, đặc biệt là với những người rụt rè, ngại nói trước đám đông. Vậy phải làm sao để tinh thông kỹ năng này? Bạn hãy dành vài phút theo dõi tiếp những chia sẻ trong bài viết bên dưới để bỏ túi một vài bí quyết hữu ích.
Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng truyền đạt thông tin, ý tưởng hoặc quan điểm một cách rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục trước một nhóm người, không chỉ bằng lời nói mà còn thông qua việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể hoặc tương tác với người nghe.
Trong xã hội ngày nay, thuyết trình là một trong những kỹ năng mềm rất quan trọng bạn cần trang bị để đạt được thành công trong học tập, công việc. Bởi vì kỹ năng này sẽ giúp bạn những điều sau đây:
1. Thể hiện giá trị bản thân thông qua kỹ năng thuyết trình
Trong các buổi phỏng vấn, kỹ năng thuyết trình tốt sẽ giúp bạn giới thiệu bản thân một cách hiệu quả. Nếu thuyết trình độc đáo, cách giải quyết vấn đề sáng tạo, bạn sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Qua đó, bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
2. Kỹ năng thuyết trình tốt giúp nâng cao sự tự tin
Việc thường xuyên thuyết trình trước mọi người sẽ giúp bạn rèn luyện sự tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình trước đám đông. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tự tin hơn khi đối diện với vấn đề và nhạy bén hơn khi phản ứng với các thách thức.
3. Làm chủ kỹ năng thuyết trình mở ra nhiều cơ hội thăng tiến
Khi làm chủ kỹ năng thuyết trình, bạn sẽ tự tin truyền tải ý tưởng và tạo được ấn tượng sâu sắc với đối tác và cấp trên. Một bài thuyết trình rõ ràng, thuyết phục sẽ giúp ý tưởng của bạn được lắng nghe và đánh giá cao, qua đó khẳng định năng lực cá nhân.
Ngược lại, nếu thiếu kỹ năng này, dù ý tưởng xuất sắc đến đâu cũng khó có thể đạt được sự đồng thuận và công nhận. Hãy làm chủ kỹ năng thuyết trình để mở rộng cơ hội thăng tiến và khẳng định vị thế của bạn trong công việc.
Các yếu tố cốt lõi của kỹ năng thuyết trình
Để có một bài thuyết trình hiệu quả, gây ấn tượng với tất cả mọi người, bạn sẽ cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng sau:
1. Nội dung (Content)
Content hay nội dung là yếu tố quyết định buổi thuyết trình có thành công hay không. Để có một nội dung hay, bạn cần xác định chủ đề của buổi thuyết trình và xây dựng nội dung bám sát theo chủ đề để tránh lạc đề. Ngoài ra, nội dung cần đủ ý, ngắn gọn, súc tích, tránh dài dòng, lan man.
2. Cách diễn đạt (Delivery)
Bên cạnh nội dung, bạn cũng cần luyện tập cách diễn đạt. Bạn có thể học trước các ý chính và diễn đạt theo ngôn ngữ của bản thân một cách tự nhiên để tránh máy móc, học thuộc lòng.
Ngoài ra, tùy thuộc vào chủ đề của buổi trò chuyện mà bạn có thể chọn phong cách truyền đạt phù hợp như phong cách nghiêm túc, phong cách dí dỏm…
3. Sự tương tác (Interaction)
Trong quá trình thuyết trình, bạn cũng đừng nên chỉ tập trung nói mà hãy chú ý tương tác với người nghe. Có nhiều cách tương tác bạn có thể thử như đặt câu hỏi, nhìn vào mắt người nghe hoặc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để khiến người nghe chú ý hơn vào bài thuyết trình của bạn.
>>> Tìm hiểu thêm: SWOT là gì? Cách ứng dụng SWOT trong thực tế
Cần luyện tập gì để có kỹ năng thuyết trình hiệu quả?
Để phát triển kỹ năng thuyết trình hiệu quả, bạn cần luyện tập một số điều sau đây:
1. Phát triển nội dung để có kỹ năng thuyết trình tốt
Trước khi lên nội dung, bạn cần nghiên cứu kỹ lưỡng chủ đề sẽ trình bày. Tiếp theo, cần viết nháp sẵn dàn ý, sắp xếp các ý tưởng theo thứ tự hợp lý, tư duy logic rõ ràng bao gồm phần mở đầu, thân bài và kết luận. Sau đó, xác định những điểm quan trọng mà bạn muốn nhấn mạnh.
2. Thực hành nói trước đám đông
Nói trước đám đông không phải là việc đơn giản. Bạn sẽ cần luyện tập thường xuyên để tránh sợ hãi. Hãy luyện tập nói to, rõ ràng, nhìn thẳng vào người nghe. Ngoài ra, hãy luyện tập cách sử dụng cử chỉ, ánh mắt, cách nhấn nhá vào những điểm quan trọng để bài thuyết trình thêm thu hút. Với những trường hợp thuyết trình bằng tiếng Anh, bạn sẽ cần luyện tập thêm cách phát âm, ngữ điệu để người nghe có thể hiểu được thông điệp bạn muốn truyền tải.
3. Kiểm soát thời gian
Luyện tập trình bày bài nói trong một khoảng thời gian giới hạn. Nếu bạn không luyện tập điều này, rất có thể bạn sẽ gặp phải tình trạng bài nói lê thê mà không đi vào trọng tâm. Hoặc bài nói quá ngắn, trong khi thông tin vẫn chưa được truyền tải hết.
4. Sử dụng công cụ để hỗ trợ kỹ năng thuyết trình
Để có bài thuyết trình hiệu quả, bạn sẽ cần sử dụng các phần mềm như powerpoint, word… để tạo ra các bản trình chiếu (slide) giúp bài nói trở nên dễ hiểu, sáng tạo hơn. Do đó, bạn nên luyện tập sử dụng các công cụ này thường xuyên để tạo ra những bản trình chiếu gây ấn tượng nhất.
Ví dụ cách mở đầu bài thuyết trình cho học sinh
Trong một buổi thuyết trình, phần mở đầu luôn là phần quan trọng nhất để gây ấn tượng cho người nghe. Vậy nên mở đầu bài thuyết trình như thế nào cho ấn tượng? Dưới đây là một vài ví dụ cách mở đầu bài thuyết trình cho học sinh, bạn có thể tham khảo:
1. Chào hỏi và giới thiệu về bản thân (Greeting and Introduction)
Đây là cách mở đầu phổ biến, đơn giản và có thể áp dụng cho tất cả các chủ đề thuyết trình.
Ví dụ: Good morning, everyone. First of all, let me introduce myself. My name is [Your Name], and I’m from [Organization/Company]. Today, I’m excited to talk to you about [Topic].
(Xin chào tất cả mọi người. Trước tiên, tôi xin tự giới thiệu, tôi là [Tên], đến từ [Tổ chức/Nơi làm việc]. Hôm nay, tôi rất hân hạnh được chia sẻ với các bạn về… [Chủ đề].)
2. Bắt đầu bằng câu chuyện thú vị (Anecdote)
Ngoài cách giới thiệu về bản thân, bạn cũng có mở đầu bài thuyết trình bằng cách kể một câu chuyện thú vị có nội dung liên quan đến chủ đề bài nói. Câu chuyện này có thể là bạn sưu tầm hoặc từ chính trải nghiệm của bạn.
Ví dụ: A few years ago, I faced a situation that changed my perspective entirely. [Briefly share the story]. That experience inspired me to dive deeper into [Topic], and that’s what I want to share with you today.
(Cách đây vài năm, tôi đã gặp một tình huống mà tôi không bao giờ quên. [Câu chuyện ngắn liên quan đến chủ đề]. Đó cũng là lý do tôi chọn chủ đề này cho bài thuyết trình hôm nay.)
3. Dùng câu hỏi gợi mở (Thought-provoking question)
Một cách phổ biến khác để bắt đầu bài thuyết trình là đặt các câu hỏi gợi mở nhằm kích thích người nghe tìm câu trả lời. Câu hỏi này cũng cần liên quan đến nội dung chủ đề bài nói. Do đó, khi luyện tập kỹ năng thuyết trình, bạn cũng sẽ cần rèn luyện cách đặt câu hỏi.
Ví dụ: Have you ever wondered [A question related to your topic]? This is exactly what we’re going to explore in today’s presentation.
(Các bạn đã bao giờ tự hỏi [Câu hỏi liên quan đến chủ đề] chưa? Đây chính xác là điều mà chúng ta sẽ cùng khám phá trong bài thuyết trình hôm nay.)
4. Chia sẻ một số liệu hoặc trích dẫn bất ngờ (Surprising statistic)
Để gây ấn tượng mạnh và khiến người nghe thu hút hơn, bạn có thể bắt đầu bài thuyết trình bằng việc đưa một vài số liệu ấn tượng hoặc trích dẫn một số câu nói hay.
Ví dụ: Did you know that [An interesting statistic or fact]? This surprising fact raises an important question that I’ll address in today’s presentation.
(Bạn có biết rằng [Số liệu hoặc sự thật thú vị]? Thực tế đáng ngạc nhiên này đặt ra một câu hỏi quan trọng mà tôi sẽ đề cập trong bài thuyết trình hôm nay.)
>>> Tìm hiểu thêm: Top 10 app đọc báo tiếng Anh trau dồi ngoại ngữ tuyệt vời
Các trò chơi tương tác khi thuyết trình
Để thu hút sự chú ý của người nghe, bạn có thể tổ chức một vài trò chơi nho nhỏ ở giữa hoặc cuối buổi. Việc này vừa giúp người nghe ghi nhớ thông tin vừa tạo không khí vui vẻ, tránh căng thẳng. Một số trò chơi bạn có thể cân nhắc là:
• Đố vui trắc nghiệm, các câu hỏi có liên quan đến phần trình bày của bạn.
• Đoán ý đồng đội, đoán các số liệu, nội dung… bạn đã trình bày để xem mức độ hiểu của người nghe.
• Trò chơi nhập vai, diễn kịch để hiểu hơn phần trình bày của bạn.
• Trò chơi xếp thứ tự theo một yêu cầu nào đó.
• Trò chơi nhanh tay, nhanh mắt, tìm các cặp hình giống nhau hoặc tìm điểm khác biệt giữa 2 bức hình.
Cách đặt câu hỏi tương tác nâng tầm kỹ năng thuyết trình
Đặt câu hỏi tương tác trong khi thuyết trình là cách hiệu quả để thu hút sự chú ý người nghe, khuyến khích họ tham gia và giúp tạo không khí sôi động. Dưới đây là một số cách đặt câu hỏi tương tác:
• Câu hỏi mở (Open-ended Questions): Khuyến khích người nghe suy nghĩ và chia sẻ ý kiến.
Ví dụ:
√ What do you think about this issue? (Các bạn nghĩ gì về vấn đề này?)
√ In your opinion, what is the biggest challenge in this situation? (Theo bạn, điều gì là thách thức lớn nhất trong tình huống này?)
• Câu hỏi trắc nghiệm (Multiple-choice Questions): Làm cho bài thuyết trình thêm phần thú vị và dễ tham gia.
Ví dụ: In your opinion, which solution is the most effective? A, B, or C? How many people here agree with option A? (Theo bạn, giải pháp nào là hiệu quả nhất? A, B, hay C? Bao nhiêu người ở đây đồng ý với phương án A?)
• Câu hỏi thăm dò ý kiến (Poll/Survey Questions): Đo lường ý kiến của người nghe.
Ví dụ: Has anyone here ever encountered this situation? Please raise your hand if you have! (Ai ở đây đã từng gặp phải tình huống này? Vui lòng giơ tay nếu có!)
• Câu hỏi giả định (Hypothetical Questions): Đặt người nghe vào tình huống kích thích tư duy.
Ví dụ:
√ What would you do if you were the manager in this situation? (Nếu bạn là người quản lý trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì?)
√ Assuming the budget is reduced by 50%, what would you prioritize? (Giả sử ngân sách bị cắt giảm 50%, bạn sẽ ưu tiên điều gì?)
Kết luận
Tóm lại, kỹ năng thuyết trình là yếu tố không thể thiếu để bạn tạo ấn tượng và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả. Để làm chủ kỹ năng này, hãy không ngừng luyện tập, giữ tinh thần cởi mở và dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Sự tự tin sẽ là chìa khóa giúp bạn tỏa sáng khi chia sẻ trước mọi người.